Chính phủ họp phiên giữa tháng 11-2008: Năm 2010 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 40%

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/11/2008 | 12:00:00 AM

Trong phiên họp giữa tháng hôm 18-11, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận, cho ý kiến Tờ trình Chính phủ về Ðề án cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ nghèo cao do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta đã tập trung nguồn lực, thực hiện nhiều chính sách để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm dần từ 20% đầu năm 2006 xuống còn 14,75% cuối năm 2007. Xóa đói, giảm nghèo đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, còn có sự chênh lệch lớn về mức sống giữa các vùng, nhóm dân cư.

Theo số liệu thống kê, đến cuối năm 2006, còn 61 huyện, tại 20 tỉnh (Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Cạn, Bắc Giang, Phú Thọ, Sơn La, Lai Châu, Ðiện Biên, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Ðịnh, Ninh Thuận, Lâm Ðồng, Kon Tum) có tỷ lệ hộ nghèo hơn 50%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện này cao gấp 3,5 lần tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước. Việc tìm giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện nêu trên là một nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ để thực hiện chủ trương, quyết sách lớn, nhất quán của Ðảng, Nhà nước trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, nhằm từng bước thu hẹp sự chênh lệch về mức sống giữa các vùng, miền trong cả nước, đặc biệt là giữa miền núi với đồng bằng, thành thị, cải thiện đời sống vật chất tinh thần cho người nghèo, đồng bào các dân tộc vùng cao.

Về mục tiêu cụ thể, đề án chia làm ba giai đoạn: Ðến năm 2010, giảm tỷ lệ hộ nghèo của 61 huyện này xuống dưới 40% theo chuẩn hiện hành; đến năm 2015, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh; đến năm 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức bình quân của khu vực.

Về định hướng cơ chế chính sách và giải pháp hỗ trợ đối với các huyện nghèo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị, sửa đổi, bổ sung, tăng mức đầu tư để tiếp tục thực hiện 11 nhóm chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo đang triển khai. Ban hành các chính sách mới, đặc thù đối với các huyện nghèo như: Hỗ trợ điều kiện sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập đối với hộ nghèo; chính sách giáo dục, đào tạo nâng cao dân trí; chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo; chính sách, cơ chế đầu tư cơ sở hạ tầng ở cả thôn, bản, xã, huyện. Nguồn vốn và cơ chế quản lý. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng kiến nghị Chính phủ phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương để thực hiện đề án.

Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các thành viên Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu ý kiến kết luận. Thủ tướng cho rằng, để có thể giúp các huyện nghèo, Chính phủ cần có một Nghị quyết về triển khai Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững tại 61 huyện nghèo nêu trên; cần có chính sách riêng, chính sách đặc thù; xóa đói, giảm nghèo ở các huyện này phải gắn với phát triển nông nghiệp, gắn với đất và rừng, người dân trong khu vực phải sống được bằng rừng và đất rừng. Việc xác định 61 huyện nghèo theo kết quả điều tra năm 2006 là chính xác, vì đây là những số liệu điều tra cụ thể và khách quan.

Về các giải pháp cụ thể, Thủ tướng đề nghị mỗi huyện phải làm đề án căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng huyện, từ đó bố trí nguồn lực để thực hiện. Thủ tướng nhất trí với các giải pháp đã nêu, đồng thời nhấn mạnh, phải thực hiện triệt để việc giao khoán rừng cho người dân, không để dân đói, không có đất, bảo đảm sao cho người dân phải sống được nhờ rừng và đất rừng.

Thủ tướng cũng nhất trí với những giải pháp được nêu ra như: Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này; tạo điều kiện cho người dân đi xuất khẩu lao động; tăng cường cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đồng thời đề nghị có chính sách để các doanh nghiệp nhà nước trực tiếp tham gia hỗ trợ các huyện nghèo. Về chính sách đầu tư xây dựng hạ tầng, Thủ tướng cho rằng, cần từng bước hoàn chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn trong mỗi giai đoạn.

Tại phiên họp, Chính phủ cũng đã xem xét một số tờ trình Chính phủ: Về Chiến lược phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ trình; dự án Pháp lệnh sửa đổi Ðiều 10, Pháp lệnh Dân số do Bộ Y tế trình; Dự án Pháp lệnh sửa đổi Ðiều 6, Pháp lệnh Thuế tài nguyên do Bộ Tài chính trình.

* Chiều 18-11, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Họp báo Chính phủ đột xuất để thông báo nội dung Phiên họp Chính phủ giữa tháng 11, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Tham gia chủ trì cuộc họp báo còn có Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, Thứ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Hồng, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông Trần Ðức Lai. Ðại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan cũng tham gia cuộc họp báo.

Sau khi báo cáo tóm tắt về nội dung Phiên họp Chính phủ giữa tháng 11-2008, tập trung vào hai nội dung chính về cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện giảm nghèo bền vững đối với các huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao và Chiến lược phòng, chống tham nhũng, đại diện các cơ quan liên quan tham dự họp báo đã trả lời nhiều câu hỏi mà các phóng viên quan tâm.

(Theo NDĐT)

Các tin khác

YBĐT - Ngày 17-18/11, đoàn đại biểu Quốc hội khoá XII tỉnh Yên Bái do đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; đồng chí Giàng A Chu - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội; bà Triệu Thị Bình - Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã có cuộc tiếp xúc cử tri thành phố Yên Bái, huyện Yên Bình, Văn Yên.

YBĐT - Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khoá XVI, Đoàn đại biểu HĐND tỉnh do các đồng chí Nguyễn Văn Ngọc - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ; Ngô Thị Chinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng Thường trực HĐND, UBND thành phố Yên Bái và phường Yên Thịnh đã có cuộc tiếp xúc với cử tri phường Yên Thịnh, thành phố Yên Bái.

Đồng chí Hoàng Xuân Lộc phát biểu trong buổi tiếp xúc cử tri xã Tân Hương.

YBĐT - Chuẩn bị kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVI, ngày 13/11/2008, đoàn đại biểu HĐND tỉnh do đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh dẫn đầu, đã đi tiếp xúc cử tri tại xã Tân Hương, huyện Yên Bình. Cùng đi có các đồng chí lãnh đạo huyện Yên Bình.

ĐBQH trao đổi ý kiến.

Chiều 14/11, QH đã thông qua Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), theo đó quy định mức đóng tối đa chung là 6% mức tiền lương, tiền công tháng của người lao động, mức tiền lương hưu, tiền trợ cấp mất sức lao động hoặc mức tiền lương tối thiểu. Con số này gấp đôi so với mức hiện hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục