Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết chuyên đề
- Cập nhật: Thứ sáu, 11/6/2010 | 8:51:42 AM
YBĐT - Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Yên Bái đã tổ chức 17 kỳ họp, ban hành 106 nghị quyết, trong đó có 56 nghị quyết chuyên đề. Nhiều nghị quyết ban hành sát thực tế đã góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Học sinh tiểu học trường Pá Hu (Trạm Tấu) học bán trú.
|
Để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết, từ năm 2007, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chương trình ban hành nghị quyết trong năm, làm cơ sở cho Ủy ban nhân dân (UBND) chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xây dựng đề án đồng thời Thường trực, các ban HĐND có căn cứ đôn đốc và chủ động xây dựng chương trình giám sát, thẩm tra.
HĐND tỉnh đã đặc biệt chú trọng việc lựa chọn nội dung, lĩnh vực ban hành nghị quyết. Đó là những lĩnh vực cần có cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển; hoặc cần có cơ chế, chính sách để tháo gỡ; những vấn đề bức xúc, cử tri quan tâm, yêu cầu giải quyết và chỉ đưa vào chương trình xây dựng nghị quyết những nội dung có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng ngân sách của địa phương, bảo đảm chất lượng. Công tác phối hợp giữa HĐND với UBND trong việc chuẩn bị xây dựng và ban hành nghị quyết cũng được quan tâm chỉ đạo.
Trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND chủ động tổ chức hội nghị liên tịch với UBND, các cơ quan hữu quan để thống nhất nội dung và phân công các cơ quan chuyên môn chuẩn bị xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết. Cùng với phân công các sở, ngành chuẩn bị nội dung, Thường trực HĐND tỉnh phân công các ban HĐND tỉnh chuẩn bị thẩm tra các đề án, dự thảo nghị quyết thuộc lĩnh vực phụ trách. Các ban HĐND tỉnh được phân công đã chủ động tiếp cận, tham gia ý kiến với các cơ quan chuyên môn ngay trong quá trình soạn thảo đề án.
Khi họp để xem xét, thống nhất nội dung đề án, dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp, UBND tỉnh mời Thường trực, các ban HĐND dự để tiếp tục đóng góp ý kiến. Do đó, phần lớn các đề án, dự thảo nghị quyết trước khi trình kỳ họp HĐND cơ bản đã có sự đồng thuận.
Việc lấy ý kiến nhân dân tham gia xây dựng nghị quyết rất được chú trọng, nhất là những nghị quyết liên quan đến đời sống dân sinh. Năm 2008, chuẩn bị cho việc ban hành Nghị quyết về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến của cử tri ngành giáo dục và đào tạo.
Qua tổng hợp ý kiến cử tri, Ban đã đề nghị HĐND bổ sung vào dự thảo nghị quyết các nội dung như: vấn đề quy hoạch, sắp xếp hệ thống trường, lớp theo hướng chuẩn hóa; chính sách giải quyết giáo viên dôi dư; điều chỉnh tiền lương cho giáo viên hợp đồng. Năm 2009, Ban tiếp tục khảo sát, tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Đề án "Xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú".
Theo đề nghị của cử tri, Ban đã đề nghị HĐND điều chỉnh các nội dung về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt của học sinh nội trú; hỗ trợ kinh phí cho các nhà trường thực hiện công tác quản lý. Trong quý I/2010, chuẩn bị nội dung cho kỳ họp thứ 17, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến nhân dân tham gia vào Đề án "Chức danh, số lượng, mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã và thôn, bản".
Trên cơ sở ý kiến của nhân dân, Ban đã đề nghị HĐND điều chỉnh tăng số lượng, nâng mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã; bổ sung các giải pháp về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở và kiện toàn tổ chức thôn, bản.
Phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của đại biểu trong công tác xây dựng nghị quyết, Thường trực HĐND tỉnh chủ trương tạo điều kiện cho các đại biểu tham gia ý kiến bằng việc cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu cho đại biểu. Đổi mới phương pháp điều hành phiên họp thảo luận, trong các kỳ họp gần đây, đoàn chủ tọa đã tổ chức cho đại biểu tham gia thảo luận theo từng nghị quyết chuyên đề. Quá trình thảo luận, nếu thấy có nhiều ý kiến khác nhau thì đoàn chủ tọa tách từng nội dung cụ thể và gợi ý cho đại biểu thảo luận đến khi thống nhất mới biểu quyết. Ví dụ, tại kỳ họp thứ 17 vừa qua, khi thảo luận về mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, có 2 loại ý kiến khác nhau: tờ trình UBND đề nghị mức phụ cấp là 0,8 hệ số lương tối thiểu; một số đại biểu HĐND đề nghị mức phụ cấp là 1,0 hệ số lương tối thiểu.
Để thống nhất nội dung này, đoàn chủ tọa kỳ họp yêu cầu các đại biểu thuộc các cơ quan chuyên môn của UBND, HĐND; đại biểu là cán bộ cơ sở phát biểu, phân tích ở những góc cạnh khác nhau. Sau đó, HĐND đã biểu quyết nhất trí điều chỉnh mức phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã là 1,0 hệ số lương tối thiểu. Đối với những đề án chưa bảo đảm chất lượng, HĐND không thông qua và để lại kỳ sau cho các cơ quan chuyên môn có điều kiện khảo sát, chuẩn bị kỹ. Cụ thể là tại kỳ họp thứ 16 (tháng 12/2009), HĐND đã để lại 2 nghị quyết (chính sách hỗ trợ thôn bản vùng khó khăn, xây dựng nông thôn mới) và tiếp đó, tại kỳ họp thứ 17 (tháng 4/2010), HĐND đã để lại Nghị quyết về phát triển đào tạo nghề.
Sau khi nghị quyết được ban hành, Thường trực và các ban HĐND tỉnh đã chủ động khảo sát, đôn đốc thực hiện để sớm đưa chính sách đi vào cuộc sống; kịp thời phát hiện những điểm chưa phù hợp hoặc không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung, tạo điều kiện cho các nghị quyết phát huy hiệu quả thiết thực.
Lê Thị Liêm
Các tin khác
Sáng 10-6, Văn phòng Ban Chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng (VPBCĐ) tổ chức hội nghị chuyên đề công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng, Phó Trưởng ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
YBĐT - Ngày 10-6, Tỉnh uỷ Yên Bái tổ chức hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 (mở rộng) lấy ý kiến tham gia, đóng góp vào các dự thảo văn kiện Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ tỉnh. Đồng chí Hoàng Xuân Lộc - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.
YBĐT - Sáng 10/6, Quốc hội (QH) họp tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban thường vụ QH, Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trần Thế Vượng trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ 6 đến kỳ họp thứ 7.
Để chào mừng kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945-19/8/2010) và Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2010), Đài Truyền hình Việt Nam sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 6 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Nghệ An và TP. Hồ Chí Minh tổ chức Cầu truyền hình trực tiếp vào tối 1/9/2010.