Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình
- Cập nhật: Thứ ba, 13/11/2012 | 4:28:57 PM
YBĐT - Phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trong ngày 13/11, các đại biểu dành cho Thống đốc nhiều câu hỏi xung quanh vốn đề nợ xấu, thị trường tiền tệ, vàng và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp...
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại kỳ họp.
|
Giảm nợ xấu…
Vấn đề nợ xấu đã được Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát biểu trong phiên thảo luận kinh tế- xã hội trước đó nhưng vẫn là mối quan tâm rất lớn của nhiều đại biểu. Theo Thống đốc, nợ xấu qua đánh giá của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 30/9 vừa qua là 8,82%. Đến nay, tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 2,7 triệu nghìn tỷ đồng. 73% số dư nợ này có tài sản đảm bảo, trong đó, hơn 66% được đảm bảo bằng bất động sản.
Do đó, ông Bình cho rằng, để xử lý được nợ xấu cần phải giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm ở thị trường bất động sản. Theo ông Bình, cơ cấu xây dựng nhà đất như về mặt diện tích, giá cả… chưa phù hợp với túi tiền của người tiêu dùng, trong điều kiện kinh tế khó khăn nên thị trường bất động sản đóng băng dẫn đến khó giải bài toán nợ xấu. Đối với khách hàng muốn mua nhà ngân hàng sẵn sàng đáp ứng đủ vốn.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thanh tra và thấy nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng có đơn vị báo cáo nợ xấu chỉ vài phần trăm nhưng thanh tra kiên quyết thì nợ xấu lại lên tới vài chục phần trăm. Để xảy ra nợ xấu, trách nhiệm trước hết là của các tổ chức tín dụng.
Ngoài các nhóm nguyên nhân từ các tổ chức tín dụng, các doanh nghiệp đi vay vốn, cơ chế chính sách vĩ mô, có nguyên nhân do bộ phận thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước chưa làm hết khả năng.
Cùng với tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, hiện các ngân hàng đã xử lý được 12.000 tỷ đồng từ nguồn trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Riêng trích lập dự phòng rủi ro mới đã tăng 14.000 tỷ. Với nợ xấu, theo các tổ chức tín dụng báo cáo là 4,93%, đến nay số đã trích lập được chiếm từ 2,5-3%. Như vậy chúng ta có thể làm cho nợ xấu chững lại, không gia tăng.
Thống đốc cũng thừa nhận, việc giải quyết nợ xấu là rất khó, không chỉ riêng Ngân hàng Nhà nước đảm trách được.
Trong phiên chất vấn, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cũng nhận định tính thanh khoản của hệ thống và nền kinh tế còn rất bấp bênh. Năm 2011, tỷ lệ sử dụng vốn huy động được trong hệ thống của nhiều ngân hàng tới hơn 100%, nên thiếu thanh khoản, dễ đổ vỡ. Năm nay, tỷ lệ này khoảng 93% trong khi các nước quốc tế chỉ khoảng 60-70%, từ đó tạo ra áp lực với lãi suất rất lớn.
Chống vàng hóa.
Chống vàng hóa là vấn đề được Ngân hàng Nhà nước đặt ra qua việc, đóng các sàn vàng, chấm dứt huy động và cho vay bằng vàng.
Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước để giá vàng trong nước cao hơn nhiều so với thế giới, ông Bình thừa nhận việc giá vàng trong nước hiện nay có lúc cao hơn thế giới tới hơn 3 triệu đồng một lượng nhưng người đứng đầu ngành ngân hàng khẳng định hiện không có lý do để Nhà nước phải đứng ra bình ổn giá, bởi khác với giai đoạn trước, chênh lệch này không gây ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô. Hơn nữa, vàng cũng không phải là mặt hàng để tính chỉ số giá tiêu dùng, cũng không là mặt hàng thiết yếu phải bình ổn.
Liên quan đến số vàng còn tồn trong dân, theo Thống đốc thì lượng vàng còn tồn này là một nguồn lực rất lớn, cần được huy động để phục vụ phát triển kinh tế. Việc các ngân hàng mua vào hơn 60 tấn kể từ đầu năm cũng đã giải phóng ra thị trường khoảng 3 tỷ USD cho nền kinh tế năm nay.
Việc lấy thương hiệu SJC làm chuẩn, do thương hiệu này đang chiếm khoảng 90% vàng miếng trên thị trường. Trong Nghị định 24 không có mục nào qui định người dân phải chuyển đổi vàng sang thương hiệu SJC và các thương hiệu vàng miếng khác vẫn được phép lưu hành. Khi thị trường ổn định, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thương hiệu vàng miếng của riêng mình tiến tới chuẩn hóa chất lượng vàng, khâu giao dịch, bán lẻ.
Trước những vấn đề đại biểu chất vấn đến cùng, Thống đốc Ngân hàng cho rằng, hoạt động tín dụng có biểu hiện lợi ích nhóm, còn tiêu cực trong định giá cho vay của một số cán bộ tín dụng. Một số vấn đề đại biểu chưa thống nhất, Thống đốc xin được trao đổi trực tiếp với đại biểu sau.
Phiên chất vấn cuối chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời về đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, y đức, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực nghề nghiệp, quản lý dược phẩm, giá thuốc, viện phí; hành nghề y, dược tư nhân, nhất là cấp phép hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài; chuyện tử vong ở trẻ em, sản phụ do chất lượng khám, chữa bệnh; công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm…
Huy Văn
Các tin khác
YBĐT - Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện Văn Chấn, xã Cát Thịnh và thị trấn Nông trường Trần Phú, ngày 13/11 tại xã Cát Thịnh.
YBĐT - Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong ngày 12/11.
YBĐT - Chiều 12/11, đồng chí Phạm Duy Cường - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị.
Ngày 12-11, Quốc hội (QH) bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn - nội dung được cử tri trông đợi nhất tại mỗi kỳ họp.