Giữ "sợi dây" liên kết nông dân - doanh nghiệp

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/8/2013 | 2:52:55 PM

YBĐT - Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80, khối lượng nông sản tiêu thụ theo hợp đồng rất hạn chế nếu như không muốn nói là không có. Hầu hết nông dân đều phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho tư thương, thương lái; doanh nghiệp sản xuất, chế biến cũng phải lệ thuộc vào tư thương, thương lái cung cấp.

Toàn tỉnh có trên 18.000 ha lúa, trong đó có 5.000ha sản xuất lúa hàng hóa nhưng toàn bộ sản phẩm tiêu thụ đều không thông qua hợp đồng.
Toàn tỉnh có trên 18.000 ha lúa, trong đó có 5.000ha sản xuất lúa hàng hóa nhưng toàn bộ sản phẩm tiêu thụ đều không thông qua hợp đồng.

Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững, thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, ngày 24/6/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định 80) về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Sau hơn 10 năm thực hiện, hiệu quả đạt được không như mong đợi, hàng hóa nông sản tiêu thụ tự do, người nông dân không có quyền định giá sản phẩm mình làm ra mà đều do tư thương quyết định.

Yên Bái là tỉnh miền núi, diện tích sản xuất nông - lâm nghiệp không lớn nhưng cũng có nhiều vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn như vùng lúa chất lượng cao, vùng sắn, vùng cam, vùng chè, vùng cây nguyên liệu gỗ. Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định 80, khối lượng nông sản tiêu thụ theo hợp đồng rất hạn chế nếu như không muốn nói là không có. Hầu hết nông dân đều phó mặc việc tiêu thụ nông sản cho tư thương, thương lái; doanh nghiệp sản xuất, chế biến cũng phải lệ thuộc vào tư thương, thương lái cung cấp.

Tuy chưa có một số liệu thống kê chính xác nhưng có thể chắc tới 90% sản lượng chè, trên 95% nguyên liệu gỗ và gần 100% sản lượng lúa, gạo, ngô do tư thương, thương lái tiêu thụ đến doanh nghiệp. Khi Quyết định 80 mới ra đời, hàng loạt doanh nghiệp chè như: Công ty cổ phần Chè Trần Phú, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty cổ phần Chè Văn Hưng đã tổ chức ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm chè với hàng ngàn hộ nông dân.

Tuy nhiên, mối quan hệ này đã không bền chặt và tan vỡ ngay sau một, hai mùa vụ. Rõ ràng, về bản chất, hợp đồng tiêu thụ nông sản luôn có lợi cho cả nông dân và doanh nghiệp. Ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp trước khi vào vụ sản xuất, nông dân sẽ được hỗ trợ đầu vào và các dịch vụ sản xuất, tiếp cận tín dụng, tiến bộ kỹ thuật; ổn định thị trường đầu ra, giá cả đảm bảo. Đối với doanh nghiệp là giúp họ chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao và ổn định. Không chỉ có vậy, doanh nghiệp còn có điều kiện giám sát chất lượng ngay từ đầu vào, chủ động trong sản xuất, kinh doanh.

 

Với trên 250.000 ha rừng kinh tế, mỗi năm khai thác và tiêu thụ gần 200.000m3 gỗ nhưng cũng không hề có doanh nghiệp nào tổ chức ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ bộc bạch: "Công ty cũng rất muốn ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chè ổn định, lâu dài với bà con nông dân. Ký kết hợp đồng, doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu và tổ chức sản xuất, kinh doanh ổn định. Năm 2003 và 2004, đơn vị cũng đã tiến hành ký kết với trên 600 hộ dân làm chè nhưng không có sự tuân thủ nghiêm túc các điều khoản trong hợp đồng, tình trạng đơn phương phá vỡ hợp đồng diễn ra phổ biến. Giá thu mua đã được ký kết từ đầu vụ nhưng khi vào thu hoạch, giá thị trường tăng là họ (nông dân - PV) phá hợp đồng để bán cho tư thương. Để có nguyên liệu cho sản xuất, chúng tôi vẫn phải chấp nhận mua bằng giá thị trường, khi giá xuống thấp họ lại đổ xô bán cho nhà máy. Trong nhiều năm qua, đơn vị không tổ chức ký hợp đồng nữa mà có ký thì cũng chẳng có ý nghĩa gì nên chấp nhận mua theo giá thị trường".

Không riêng gì các doanh nghiệp chè, trong vụ đông năm 2010, với nhiều nỗ lực, huyện Văn Chấn đã mời được một số doanh nghiệp có tầm cỡ ký hợp đồng đầu tư giống, kỹ thuật, thậm chí là cả phân bón cho nông dân trồng khoai tây và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Nhưng đến khi thu hoạch, nông dân đã bán gần hết ra thị trường. Sai phạm trong quá trình thực hiện hợp đồng diễn ra thường xuyên, nhiều doanh nghiệp đã nếm "trái đắng" khi nông dân "bội tín".

Giám đốc một doanh nghiệp - xin được giấu tên - nói: "Đầu tư giống, phân bón nhưng khi mùa vụ tới, hàng khan hiếm, thương lái mua giá cao, nhiều người ham lợi trước mắt, nhanh chóng thu hoạch và bán hết sản phẩm ra thị trường. Vụ đó, doanh nghiệp vì thiếu nguyên liệu sản xuất phải chạy ngược chạy xuôi thu mua vẫn không đủ và lỗ nặng vì vỡ kế hoạch. Không chỉ vậy, đến nay vẫn còn mấy trăm triệu tiền giống trong dân chưa thu về được. Làm ăn kiểu đó thì ổn định, bền vững thế nào được...".

Nông dân phá vỡ hợp đồng nhưng lại không có chế tài xử phạt hoặc xử phạt cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến "nhờn thuốc". Bên cạnh đó cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng, sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn yếu trong khâu quy hoạch. Sản phẩm hàng hóa nhiều nhưng nhỏ lẻ, phân tán nên rất khó khăn trong công tác thu mua, chế biến, ngoại trừ vùng chè, vùng sắn. Phân tán nên khó thu mua, doanh nghiệp cũng như nông dân không mấy mặn mà với hình thức ký hợp đồng. Một vấn đề nữa là có những doanh nghiệp chỉ tổ chức ký hợp đồng nhưng không hề có trách nhiệm với vùng nguyên liệu, không cung ứng, đầu tư cùng người nông dân.

Để tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng ổn định, bền vững, hiệu quả, trước tiên cần thay đổi nhận thức của nông dân từ sản xuất tự cung, tự cấp không theo quy hoạch, kế hoạch sang sản xuất hàng hóa tập trung. Trong quy hoạch phải có lộ trình cụ thể, từ vùng nguyên liệu đến đăng ký xây dựng thương hiệu và tiến tới sản xuất theo quy trình VietGap.

Về phía doanh nghiệp cũng cần tham gia tích cực vào việc xây dựng thành công chuỗi giá trị ngành hàng nhằm tăng giá trị gia tăng cho nông dân và chính doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần có những cơ chế cụ thể, thiết thực hơn cho nông dân cũng như doanh nghiệp như: hỗ trợ sản xuất, phân bón, xây dựng hạ tầng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời cần xây dựng chế tài ràng buộc nông dân với doanh nghiệp mua bán sản phẩm theo hợp đồng để bảo đảm quyền lợi bền vững giữa các bên. Có như thế, "sợi dây" liên kết nông dân - doanh nghiệp mới thêm được thắt chặt.

Thanh Phúc

Các tin khác

Sáng 29/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì hội nghị trực tuyến về an toàn hồ chứa nước.

Tiền lãi từ gửi tiết kiệm được miễn thuế.

Từ ngày 1/10 tới, Bộ Tài chính sẽ miễn thuế cho hàng loạt khoản thu nhập cá nhân; cùng với đó, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế cũng được nâng lên 9 triệu đồng/tháng, thay cho mức 4 triệu như hiện nay.

Sau khi vọt lên ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng Tám vào phiên trước, đầu giờ sáng nay 29/9, giá vàng SJC bất ngờ quay đầu giảm 350.000 đồng mỗi lượng.

Hệ thống biến tần góp phần giảm lượng điện năng tiêu thụ ở Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình.

YBĐT - Trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, tiết kiệm chi phí sản xuất là vấn đề bức thiết đối với mọi doanh nghiệp. Năng lượng chính là một trong những yếu tố cấu thành quan trọng của giá thành sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và lợi nhuận.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục