Gỡ khó cho ngành chè
- Cập nhật: Thứ năm, 10/12/2015 | 3:30:07 PM
YênBái - YBĐT – Yên Bái là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước. Nhiều năm qua cây chè đóng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, năm 2015 lại là một năm khó khăn với ngành chè Yên Bái trên cả 3 lĩnh vực chế biến, tiêu thụ và nâng giá trị sản phẩm. Vậy, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn?
Năm 2015, theo kế hoạch, sản lượng chè búp tươi toàn tỉnh đạt 85 nghìn tấn, song do những khó khăn về thời tiết, giá cả vật tư, phân bón tăng cao, thị trường “ đỏng đảnh”... nên đến gần hết vụ, sản lượng chè toàn tỉnh mới chỉ đạt trên 72 ngàn tấn, bằng gần 85% kế hoạch. Nguyên nhân năng suất chè giảm là do chịu ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết, đầu mùa rét đậm rét hại, tháng 6, tháng 7 nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây chè. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân có thu nhập thấp ít đầu tư thâm canh cho cây chè; việc quy hoạch trồng thay thế giống chè cũ còn phân tán, nhỏ lẻ, chạy theo quy mô diện tích, chưa có sự chuyển biến mạnh trong đầu tư thâm canh, chăm sóc chè theo hướng hữu cơ bền vững.
Dù chưa có con số cụ thể thống kê số lượng chè chế biến tồn kho của các nhà máy song với số lượng trên 100 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở chế biến chè, tổng công suất chế biến đạt trên 1.200 tấn chè búp tươi/ngày.
Năng suất chè giảm, giá thu mua chè búp tươi cũng giảm hơn so với năm 2014 đã ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân. Nếu như năm trước, giá chè búp tươi dao động từ 3.500 – 4.500 đồng/kg thì năm nay chỉ từ 2.200 đồng – 2.500 đồng/kg. Nguyên nhân là do việc chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Dù chưa có con số cụ thể thống kê số lượng chè chế biến tồn kho của các nhà máy song với số lượng trên 100 doanh nghiệp, đơn vị, cơ sở chế biến chè, tổng công suất chế biến đạt trên 1.200 tấn chè búp tươi/ngày (chưa tính đến 1520 bom chè mi ni hoạt động với công suất chế biến từ 500 – 1000 tấn chè búp tươi/ ngày) đã thấy công suất chế biến vượt quá khả năng cung cấp nguyên liệu, dẫn đến tình trạng tranh mua nguyên liệu, người trồng chè chạy theo lợi nhuận trước mắt, khai thác chè không đúng quy trình kỹ thuật, làm giảm sản lượng, chất lượng nguyên liệu, ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè chế biến, dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm chế biến khiến khách mua khó gật đầu.
Bên cạnh những yếu tố khách quan, thì việc bảo quản, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm chè ở Yên Bái vẫn còn nhiều bất cập. Công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm chè còn yếu, xuất khẩu trực tiếp đạt thấp nên chưa thúc đẩy ngành chè phát triển. Sản phẩm có thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, năng lực cạnh tranh và hội nhập còn hạn chế, việc liên kết “4 nhà” mới chỉ dừng lại ở mặt lý thuyết. Cùng với đó, việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng ở nhiều hộ nông dân đã làm ảnh hưởng đến việc sản xuất chè an toàn ở Yên Bái.
Dù thu nhập thấp song đã quá gắn bó nhiều năm nên người nông dân không thể bỏ cây chè. Để người dân sống được và làm giàu từ cây chè thì cần phải xây dựng thương hiệu cho chè Yên Bái, tìm kiếm thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm chè.
Ông Trần Đức Lâm – Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết: Để tháo gỡ khó khăn cho ngành chè, Yên Bái cần quy hoạch vùng chè nguyên liệu gắn với cơ sở chế biến, thực hiện liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”. Vận động nhân dân chăm sóc, thâm canh và cải tạo trồng mới chè già cỗi chất lượng thấp bằng các giống chè chất lượng cao như: Phúc vân tiên, Bát tiên, chè lai LDP1… Ứng dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chế biến chè theo hướng sản xuất chè thành phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước triển khai ứng dụng quy trình thực hành sản xuất chè theo tiêu chuẩn Viet Gap; tập trung nâng cao chất lượng chè xuất khẩu.
Trước khó khăn của ngành chè Yên Bái ngoài sự quan tâm của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp cũng cần tích cực đầu tư công nghệ; đặc biệt quan tâm tới quy trình sản xuất chè an toàn, tạo thương hiệu và uy tín trên thị trường; tạo sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân để cùng nhau vượt qua khó khăn.
Minh Huyền - Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Khi mới thành lập, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) gặp rất nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và nguồn vốn. Trụ sở làm việc; trang thiết bị như: tủ tài liệu, bàn ghế, két sắt đều phải mượn.
YBĐT - Luật Doanh nghiệp năm 2014 được Quốc hội khóa XIII thông qua đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Luật Doanh nghiệp năm 2014 vừa kế thừa, luật hóa những quy định còn phù hợp của Luật Doanh nghiệp năm 2005 vừa sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với thực tế kinh doanh của doanh nghiệp và thông lệ quốc tế, góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
YBĐT - Những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Bảo Hưng, huyện Trấn Yên luôn đoàn kết, phát huy tiềm năng thế mạnh thúc đẩy kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, nâng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, thu hẹp dần khoảng cách giữa thành thị với nông thôn.
YBĐT - An Phú là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên với 95% dân tộc Tày. Tuy nhiên, với diện tích tự nhiên trên 4.266 ha, An Phú có nhiều điều kiện phát triển nông, lâm nghiệp.