Văn Chấn chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/12/2015 | 10:00:34 AM

YBĐT - Thông qua công tác tuyên truyền và trợ giúp các mô hình về phòng chống rét đã giúp nhân dân Văn Chấn nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ và phát triển đàn vật nuôi, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đói, rét gây ra.

Cán bộ khuyến nông xã Gia Hội hướng dẫn nhân dân phòng chống đói, rét cho gia súc.
Cán bộ khuyến nông xã Gia Hội hướng dẫn nhân dân phòng chống đói, rét cho gia súc.

Nghe thông báo về đợt rét sắp tràn về, gia đình ông Lò Văn Tường, thôn Bản Đồn, xã Gia Hội đã chủ động lùa đàn trâu về chuồng nuôi nhốt. Những vách chuồng đã được ông tạo sẵn các mấu thép để cơ động phủ bạt chắn gió khi trời rét và dễ dàng mở ra khi trời nắng ấm.

Năm nay, gia đình ông đã tích trữ được 2 cây rơm lớn để đảm bảo thức ăn cho 9 con trâu trong những ngày giá rét. Dù vậy, ông vẫn phải trông trừng thời tiết để có thể đuổi đàn trâu về chuồng và cắt thêm cỏ, ủ thêm thức ăn tinh đảm bảo dinh dưỡng cho những ngày đông giá.

Ông Lò Văn Tường chia sẻ: "Gia đình rất lo lắng mỗi khi trời trở rét, bởi ở vùng cao bao giờ cũng lạnh giá hơn. Mỗi khi nghe thông tin nhiệt độ giảm sâu, gia đình đều chuẩn bị ngâm ủ rơm, và nghiền thêm ngô, cám để đảm bảo dinh dưỡng tăng cường sức khỏe cho đàn trâu".

Gia Hội là xã vùng thượng huyện Văn Chấn có truyền thống và điều kiện thuận lợi cho phát triển, chăn nuôi đại gia súc. Trước đây, do chưa có kiến thức về vệ sinh phòng bệnh, phòng chống đói rét và tập quán chăn thả rông gia súc nên hầu như năm nào địa phương cũng có trâu, bò bị chết do đói, rét.

Để đảm bảo sản xuất và chăn nuôi hiệu quả, những năm gần đây xã Gia Hội đã khuyến khích nhân dân chăn nuôi đại gia súc theo hướng bán chăn thả; tuyên truyền, vận động nhân dân không thả rông gia súc, tổ chức xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, đồng thời tổ chức tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng bệnh.

Trong năm 2015, xã đã phối hợp với Trạm Thú y huyện tiêm phòng trên 1.350 liều vắc xin tụ huyết trùng, 1.250 vắc xin lở mồm long móng cho trâu, bò và tiến hành phun thuốc khử trùng tiêu độc trên 65.000m2 chuồng trại.

Ngay từ đầu vụ đông, xã đã cử cán bộ thú y, khuyến nông viên hướng dẫn nhân dân làm hàng trăm cây rơm đúng kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn các hộ dân cách chăm sóc, ủ thức ăn, tăng hàm lượng dinh dưỡng, tăng sức đề kháng cho trâu, bò.

Anh Hoàng Văn Đại - khuyến nông viên cơ sở xã Gia Hội cho biết: "Ngoài việc hướng dẫn nhân dân xây dựng chuồng trại đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè thì việc hướng dẫn nhân dân tích trữ thức ăn, làm cây rơm đảm bảo chất lượng được chúng tôi rất quan tâm".

"Về mùa đông, thức ăn thường thiếu dinh dưỡng nên chúng tôi còn hướng dẫn nhân dân ủ chua thức ăn và bổ sung thức ăn tinh, làm viên đạm để cân bằng dinh dưỡng cho đàn đại gia súc” - anh Đại nói.

Cùng với nhân dân xã Gia Hội, những năm gần đây nhân dân các địa phương ở Văn Chấn đã nhận thấy được giá trị và tiềm năng phát triển đàn đại gia súc, nên đã có những chuyển biến tích cực trong công tác vệ sinh phòng bệnh, phòng chống đói rét cho trâu, bò.

Hầu hết các hộ dân đã chú trọng xây dựng chuồng trại đảm bảo đông ấm, hè mát và chủ động chuẩn bị, tích trữ thức ăn cho gia súc đủ về số lượng và đảm bảo dinh dưỡng. Nếu như trước đây rơm rạ thường được đốt bỏ thì nay đã được bảo quản trong kho, hoặc đánh đống lợp mái, phủ bạt che nắng, mưa để bảo quản.

Đặc biệt, việc chăn thả đã được quan tâm, chú ý đến điều kiện thời tiết, khí hậu để chủ động lựa chọn chăn thả hay nuôi nhốt đảm bảo sức khỏe cho đàn gia súc.

Ông Phạm Bá Dư - Chủ tịch UBND xã Nậm Búng cho hay: "Kể từ năm 2011 trở lại đây, nhận thức về phòng chống đói, rét cho đàn đại gia súc của nhân dân trên địa bàn xã đã có chuyển biến tích cực. Việc thả rông gia súc trong những ngày đông giá hầu như không còn. Đặc biệt, người dân đã có ý thức trong việc che chắn chuồng trại, chuẩn bị dự trữ thức ăn cho đàn gia súc. Năm 2015, nhân dân xã Nậm Búng đã làm được hơn 100 cây rơm đúng tiêu chuẩn kỹ thuật".

Với diện tích trên 70.000 ha đất nông, lâm nghệp, Văn Chấn được đánh giá là có tiềm năng lớn trong chăn nuôi đại gia súc bởi vừa có bãi chăn thả, vừa có thể tận dụng phụ phẩm nông, lâm nghiệp cho chăn nuôi.

Mặt khác, chăn nuôi đại gia súc cũng bổ sung sức kéo và tạo ra nguồn phân bón hữu cơ vô tận, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, chăn nuôi đại gia súc cũng gặp bất lợi về thời tiết, khí hậu khắc nghiệt.

Những hạn chế đó đã dần được khắc phục khi người dân có nhận thức đúng đắn về vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ đàn gia súc. Thực hiện công tác này, những năm qua huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức rà soát thống kê định kỳ số lượng đàn gia súc, làm cơ sở để tổ chức tiêm phòng đầy đủ các liều vắc xin.

Ngoài ra, huyện cũng khuyến khích việc phát triển cây vụ đông, trồng cỏ, và hỗ trợ cho các hộ dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn làm các cây rơm dự trữ thức ăn cho gia súc.

Trong năm 2015, huyện đã hỗ trợ nhân dân làm trên 500 cây rơm, tổ chức cho các hộ vùng cao trồng hàng chục héc-ta cỏ voi làm thức ăn dự trữ phòng chống rét.

Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn chia sẻ: “Rút kinh nghiệm về các đợt rét hàng năm, năm nay Phòng đã tham mưu với UBND huyện sớm ra Chỉ thị về phòng chống đói rét cho đàn gia súc và tổ chức tiêm phòng gần 100% đàn đại gia súc. Huyện đã chỉ đạo cán bộ thú y viên, khuyến nông viên cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân dân gia cố, che chắn chuồng trại, dự trữ thức  ăn cho đàn gia súc. Đặc biệt lưu ý không để tình trạng thả rông trâu, bò ngoài rừng khi nhiệt độ xuống dưới 15oC".

Chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung, chăn nuôi đại gia súc nói riêng là một trong những hướng phát triển kinh tế có hiệu quả ở Văn Chấn. Rút kinh nghiệm sau những đợt dịch bệnh nở mồm long móng và thiệt hại do đói rét những năm trước đây, người dân Văn Chấn đang triển khai nhiều giải pháp bảo vệ và phát triển đàn.

Chủ động nguồn thức ăn, chú trọng vệ sinh phòng bệnh và xây dựng chuồng trại hợp lý là những biện pháp hiệu quả để bảo vệ đàn gia súc trước tác động của dịch bệnh và đói rét.

Trần Van

Các tin khác
Đàn bò của huyện Lục Yên có khoảng 900 con. Ảnh MQ

YBĐT - Tính đến thời điểm ngày 1/10/2015, tổng đàn gia súc chính của huyện Lục Yên đạt 108.193 con, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng các khu đô thị mới tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT - 777 thửa đất còn lại của Dự án phát triển quỹ đất dân cư, phát triển các khu đô thị mới tại thị xã Nghĩa Lộ sẽ liên tục đưa ra trong các phiên đấu giá từ nay đến hết tháng 12/2015, phục vụ các cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng.

YBĐT – Yên Bái là tỉnh có diện tích chè lớn thứ 2 cả nước. Nhiều năm qua cây chè đóng góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, năm 2015 lại là một năm khó khăn với ngành chè Yên Bái trên cả 3 lĩnh vực chế biến, tiêu thụ và nâng giá trị sản phẩm. Vậy, đâu là giải pháp tháo gỡ khó khăn?

YBĐT - Khi mới thành lập, Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) xã Chấn Thịnh (Văn Chấn) gặp rất nhiều khó khăn nhất là về cơ sở vật chất và nguồn vốn. Trụ sở làm việc; trang thiết bị như: tủ tài liệu, bàn ghế, két sắt đều phải mượn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục