Đổi thay Khao Mang

  • Cập nhật: Thứ năm, 2/6/2016 | 3:28:34 PM

YBĐT -  Chủ tịch UBND xã Khao Mang Sùng A Dinh phấn khởi: "Vui nhất là chuyện học ở đây nhà báo ạ! Người dân giờ không còn suy nghĩ là bắt con ở nhà lao động nữa mà chuyện nghỉ học ở đây giờ trở thành hiếm đấy. Chẳng thế mà nhiều hộ dân có con đã và đang theo học đại học, cao đẳng ở trong và ngoài tỉnh....".

Người dân Khao Mang đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phát triển chăn nuôi cải thiện đời sống kinh tế.
Người dân Khao Mang đã đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm phát triển chăn nuôi cải thiện đời sống kinh tế.

Gác lại những ồn ào, tấp nập của cuộc sống nơi phố thị, chúng tôi về xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải để nghe và xem chuyện người Mông nơi đây vươn lên thoát nghèo bằng việc thay đổi tập quán sinh hoạt, canh tác lạc hậu từ bao đời nay những hiệu quả mà Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) mang lại cho một Khao Mang đang từng ngày đổi khác.

Cách trung tâm huyện 13 km về phía Tây, Khao Mang có 91,6% là người dân tộc Mông sinh sống. Theo các già làng kể lại, trước đây, cuộc sống của người Mông, Thái, Tày ở đây khổ lắm, quanh năm chỉ biết đến cây ngô, cây sắn, lúa nương; nuôi con trâu, bò thì hay bị chết rét, trồng lúa nước một năm chỉ cấy được một vụ, năng suất bấp bênh, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm. Những đứa trẻ theo cha mẹ qua những mùa nương rẫy chẳng biết đến con chữ giữa đại ngàn.

Thế rồi, thực hiện theo chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ các dự án, các chương trình mục tiêu quốc gia, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã vận động bà con tích cực mở rộng diện tích khai hoang, thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi hợp lý.

Nhờ vậy, vụ xuân năm nay, toàn xã gieo cấy 185 ha. Trong cơ cấu giống, xã chỉ đạo nhân dân gieo cấy các giống năng suất, chất lượng cao như: Séng Cù, Việt lai 20, C ưu đa hệ số 1, Nhị ưu 838.

Đón khách ở đầu con dốc với cái bắt tay ấm áp, thân tình, anh Thào A Súa - Trưởng bản Nả Dề Thàng hồ hởi: “Bản Nả Dề Thàng giờ đổi thay nhiều lắm rồi. Được các cán bộ mang giống lúa mới, giống ngô năng suất cao, giống gia súc, gia cầm về rồi cầm tay chỉ việc, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con trong chăn nuôi, người dân phấn khởi lắm. Cán bộ còn dạy cho bà con cách sửa chữa các loại máy móc nông nghiệp nữa. Người dân ai cũng cố gắng để làm ăn mong thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu, phấn đấu cho con cái ăn học tử tế”.

Bản Nả Dề Thàng có 88 hộ với 552 nhân khẩu. Trước đây, hộ nghèo, cận nghèo của bản gần như 100%. Nhưng vài năm trở lại đây, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cùng sự tích cực tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền xã nên bà con trong bản đã thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế với những chương trình, đề án cụ thể, mang lại hiệu quả thiết thực nên số hộ nghèo của bản đã giảm đáng kể. Không chỉ đưa lúa xuân dần trở thành vụ sản xuất chính xã còn vận động nhân dân trồng thêm cây thảo quả, cây sơn tra là những cây phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của miền sơn cước này.

Dẫn chúng tôi tới thăm gia đình ông Giàng A Rùa, Trưởng bản Thào A Súa giới thiệu đây là một trong những hộ có của ăn, của để nhờ biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt. Hiện ông Rùa có gần 70 con trâu, bò, dê, lợn bản địa, gà. Ông Rùa cho biết, nhà ông còn trồng cả sơn tra và trên 2 ha cây thảo quả. Nhưng sau đợt băng giá hồi đầu năm, diện tích thảo quả của gia đình ông đã thiệt hại hoàn toàn.

Ông bảo: “Từ trước đến giờ, người Mông trong bản không biết tính toán làm ăn mà chủ yếu là cứ quẩn quanh với cây ngô, cây sắn nên cứ mãi nghèo. Giờ được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với các cán bộ về tận nhà hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt nên tôi cũng như nhiều hộ dân trong bản hăng hái làm theo”. Đổi mới tư duy trong phát triển kinh tế nên thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đã đạt 10 triệu đồng/năm. Toàn xã hiện có tổng đàn gia súc trên 5.100 con, gia cầm trên 7.500 con, gần 400 đàn ong.

Xác định giao thông đi trước một bước để đưa kinh tế địa phương phát triển, xã đã thực hiện kế hoạch mở đường giao thông nông thôn theo chính sách đặc thù của UBND tỉnh. Đặc biệt, Chương trình XDNTM đã mở ra một cơ hội mới để xã vùng cao này phát triển. Từ đó, người dân trong xã đã phát huy vai trò chủ thể, tình nguyện hiến đất, hiến công để tham gia mở rộng, nâng cấp đường giao thông.

Từ năm 2010, xã đã thực hiện mở mới trên 25 km đường giao thông, kiên cố hóa bê tông 10 km thủy lợi và xây dựng 3 nhà cộng đồng thôn bản. Đường đến các bản khó trước đây như: Páo Sơ Dào, Tủa Mả Pán, Háng Cháng Lừ, Séo Mả Pán... giờ thuận lợi hơn rất nhiều. Xuất phát điểm là xã đặc biệt khó khăn, việc XDNTM đối với Khao Mang lúc đầu gặp muôn vàn khó khăn. Song bằng niềm tin, sự đồng thuận cao giữa chính quyền và nhân dân Khao Mang, nội lực đã được phát huy tối đa nên bộ mặt nông thôn của xã ngày càng khởi sắc. Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình XDNTM, đến nay, xã đã đạt 9/19 tiêu chí NTM.

Để đạt được 10 tiêu chí còn lại trong Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM đối với xã nghèo Khao Mang là cả một quá trình đầy gian nan song quan trọng là người dân đã hiểu được ý nghĩa, mục đích thực sự của XDNTM là người dân được hưởng lợi trực tiếp nên đã tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng nếp sống mới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu.

Đồng chí Sùng A Dinh - Chủ tịch UBND xã Khao Mang phấn khởi: “Vài năm trở lại đây, người dân có bước tiến vượt bậc trong suy nghĩ đó là đổi thay cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định hơn. Nhưng vui nhất là chuyện học ở đây nhà báo ạ! Người dân giờ không còn suy nghĩ là bắt con ở nhà lao động nữa mà chuyện nghỉ học ở đây giờ trở thành hiếm đấy. Chẳng thế mà nhiều hộ dân có con đã và đang theo học đại học, cao đẳng ở trong và ngoài tỉnh. Tự hào lắm!”.

Tiếp lời Chủ tịch UBND xã, cô giáo Ma Thị Chư - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Khao Mang cho biết thêm: “Phụ huynh và học sinh giờ đã nhận thức sâu sắc vai trò của sự học, do đó tỷ lệ duy trì sỹ số học sinh luôn đạt từ 98 đến 100% học sinh trong độ tuổi. Các em học sinh yên tâm học chữ nên chất lượng giáo dục của nhà trường nâng lên rõ rệt”.

Những kết quả đó cho thấy sự hòa quyện giữa ý Đảng với lòng dân đã đi vào hiện thực của cuộc sống. Đặc biệt, khi người dân đồng thuận thì việc gì cũng sẽ thành công. Chủ tịch UBND xã Sùng A Dinh cho biết thêm: “Thời gian tới, xã tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình XDNTM; triển khai các đề án hỗ trợ bà con phát triển kinh tế; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung vào trồng lúa, sơn tra và nuôi trâu, lợn, dê phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương để đời sống của người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn”.

Thanh Chi

Các tin khác
Đoàn viên thanh niên thôn Cống Đá, xã Âu Lâu, thành phố Yên Bái giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.

YBĐT - Năm 2016, được dự báo là năm có nhiều diễn biến phức tạp về thời tiết. Đặc biệt, ngay đầu mùa mưa bão, thành phố Yên Bái đã hứng chịu đợt mưa to kéo dài vào đêm 23 rạng sáng ngày 24/5 làm ảnh hưởng khá nghiêm trọng tới sinh hoạt, sản xuất của người dân.

7/7 xã, phường sẽ chuyên canh ngô đặc sản. Ảnh minh họa

YBĐT - Thị xã Nghĩa Lộ sẽ chuyển đổi 30 ha đất lúa sang trồng cây rau màu, ngô đặc sản chuyên canh tại 7/7 xã, phường.

Giống cây ăn quả có múi đã được hỗ trợ 400ha. Ảnh minh họa

YBĐT - Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, tỉnh Yên Bái đã và đang triển khai khá hiệu quả nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu quặng và khoáng sản khác đạt 12.891 ngàn USD. Ảnh MQ

Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, 5 tháng đầu năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh ước đạt 27,4 triệu USD, bằng 36,5% kế hoạch năm, tăng 8,2% so cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục