Giữ rừng ở Hồ Bốn
- Cập nhật: Thứ sáu, 5/5/2017 | 7:46:20 AM
YBĐT - Xã đã chỉ đạo thành lập 8 tổ xung kích phòng cháy, chữa cháy rừng tại 8 bản, mỗi tổ có từ 5 đến 7 người.
Người dân xã Hồ Bốn tích cực tham gia tạo đường băng cản lửa.
|
Xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải giáp ranh với nhiều địa phương có rừng như: Khao Mang, Lao Chải, huyện Mù Cang Chải; Hua Nà, Mường Cang, Mường Kim, Tà Mung, huyện Than Uyên (Lai Châu); Nậm Xây, huyện Văn Bàn (Lào Cai).
Cùng với đó, địa bàn hình xã có độ dốc lớn, cắt xẻ, nhận thức của người dân còn hạn chế nên nguy cơ xảy ra cháy rừng cao. Bởi vậy, Đảng ủy, chính quyền xã đã đưa công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) trở thành những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu.
Hồ Bốn có diện tích tự nhiên trên 5.370 ha; trong đó, gần 2.234 ha là đất rừng; rừng tự nhiên 1.742 ha; rừng trồng trên 490 ha và rừng lau lách, đất trống đã quy hoạch trồng rừng mới trên 745 ha. Để giữ được tài nguyên rừng, xã đã chỉ đạo thành lập 8 tổ xung kích PCCCR tại 8 bản, mỗi tổ có từ 5 đến 7 người.
Trưởng bản là tổ trưởng, công an viên, thôn đội trưởng, bí thư chi đoàn, tổ trưởng hội nông dân, hội phụ nữ, ban mặt trận là thành viên phối hợp chặt chẽ với nhân dân địa bàn làm tốt công tác bảo vệ rừng.
Ban Chỉ huy PCCCR của xã do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban; các đồng chí Phó Chủ tịch, Trưởng ban Chỉ huy Quân sự, Trưởng ban Công an xã làm Phó ban và trưởng các ban, ngành, đoàn thể là thành viên.
Hàng tháng, Ban Chỉ huy PCCCR xã, đại diện Ban Quản lý Rừng phòng hộ huyện và cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn cùng các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức giao ban để nắm bắt tình hình; đồng thời, có hướng chỉ đạo thực hiện phương án tác chiến; bàn giao nhiệm vụ cụ thể theo từng giai đoạn cho các tổ.
Để các tổ có trách nhiệm phối hợp với nhân dân thực hiện tốt công tác PCCCR và quản lý bảo vệ rừng (QLBVR). Xã đã tích cực tuyên truyền về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, phổ biến sâu rộng các chủ trương, chính sách, chỉ thị của cấp trên về PCCCR và QLBVR đến nhân dân.
Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên nhắc nhở các chủ rừng sửa chữa, làm mới đường băng cản lửa; bố trí lực lượng canh gác trong thời gian cao điểm tại các khu rừng trọng điểm như ở bản Páo Lầu, Háng Á và các khu vực giáp ranh với các xã Mường Kim, Hua Nà, Mường Cang, Tà Mung (Than Uyên) và Nậm Xây (Văn Bàn)...
Thông qua tuyên truyền, nhân dân đã nhận thức rõ lợi ích từ rừng. Việc phát triển rừng trồng ở Hồ Bốn được nhân dân tham gia tích cực. Bà con cư trú tại 8 bản đều có ý thức đóng góp tiền của mua sắm trang bị phương tiện PCCCR, đặc biệt là mỗi tổ tự trang bị từ 1 đến 2 điện thoại di động để báo cáo tình hình, liên lạc với các cấp, ngành, các địa phương khi có sự cố cháy rừng xảy ra.
Ông Sùng A Bình - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Ở đây, trong năm thời tiết được phân thành 2 mùa rõ rệt. Mùa khô thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau. Vì vậy, xã thường xuyên chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân phối hợp chặt chẽ với Trạm Kiểm lâm khu 4 tăng cường lực lượng và chuẩn bị tinh thần sẵn sàng ứng cứu khi xảy ra cháy rừng”.
Ban Văn hóa - Xã hội xã thường xuyên phát loa truyền thanh để phổ biến cách bảo vệ rừng như: hướng dẫn bà con cách đốt nương vào buổi sáng sớm từ 7 đến 8 giờ; buổi chiều từ 16 giờ đến 17 giờ. Trước khi đốt nương, phải làm đường băng cản lửa xung quanh nương cần đốt và phải có người canh gác cẩn thận. Nếu ai cố ý gây cháy rừng, sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Các ban, ngành, đoàn thể và các tổ PCCCR tại thôn, bản cùng nhân dân chuẩn bị tốt phương tiện cần thiết như: dao phát, cuốc, xẻng dùng tạo đường băng cản lửa, gậy, vỉ dập lửa, thùng và can đựng nước sử dụng chữa cháy để sẵn sàng ứng cứu khi có lửa cháy lan vào rừng.
Đến bản Háng Á và bản Páo Lầu sẽ được chứng kiến những khu rừng trồng xanh ngát. Ông Cứ A Ký - Trưởng bản Páo Lầu cho hay: “Rừng ở đây phần lớn là sơn tra và hàng năm đã cho hàng chục tấn quả giúp người dân có thu nhập đến trăm triệu đồng. Nhiều hộ thoát nghèo nhờ có rừng, có cây sơn tra nên bà con đã tích cực bảo vệ rừng. Đặc biệt là vào mùa khô, lúc nào người dân cũng chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện cần thiết và sẵn sàng ngăn chặn cháy rừng”.
Các bản: Nả Tà, Háng Đề Chu, Trống Là, Trống Trở, Trống Gầu Bua, Sáng Nhù... nơi có cả rừng trồng, rừng tự nhiên phòng hộ, rừng tái sinh, rừng lau lách thường dễ xảy ra cháy đã được các tổ PCCCR ở các bản tổ chức tuần tra canh gác thường xuyên trong giờ cao điểm.
Ông Giàng A Chu ở bản Trống Là tâm sự: “Những năm qua, bà con được xã tuyên truyền, phổ biến rừng sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cuộc sống nên cần thực hiện nghiêm ngặt. Không được chặt phá, đốt rừng bừa bãi mà phải tích cực phát triển rừng trồng. Hiện nay, ở bản tôi rừng đã phủ kín, không còn đất trống, đồi núi trọc”.
Ông Giàng A Dê - Trưởng trạm Kiểm lâm khu 4 cho biết: “Hồ Bốn là một trong 3 xã thuộc khu vực quản lý của Trạm. Những năm qua, Đảng ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm đến rừng và đã phối hợp chặt chẽ với ngành kiểm lâm thực hiện tốt công tác PCCCR và QLBVR. Đặc biệt, các bản rất coi trọng QLBVR. Mỗi bản tự xây dựng một chòi canh. Mỗi ca trực và đi tuần luôn có từ 2 đến 3 hộ tham gia từ 1 đến 2 ngày. Việc trực gác được thay phiên nhau”.
Nhờ làm tốt việc tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, nhận thức của người dân được nâng lên. 5 năm qua, Hồ Bốn không có vụ cháy rừng nào và nhiều địa phương đã đến học tập kinh nghiệm để làm theo.
Đức Hồng
Các tin khác
YBĐT - Vừa qua, UBND huyện Văn Chấn tổ chức Hội thảo quản lý và phát triển nhãn hiệu Cam Văn Chấn. Nhãn hiệu "Cam Văn Chấn" đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận bảo hộ.
YBĐT - Thị ủy Nghĩa Lộ vừa triển khai tới cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
YBĐT - Ngày 4/5, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Lebio nhằm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ lợn hơi và ký kết chương trình hợp tác chuỗi cung cấp thịt lợn an toàn, chất lượng cao.
Bộ Công Thương yêu cầu sở công thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương làm việc với doanh nghiệp chế biến, giết mổ, phân phối, các chợ đầu mối rà soát chi phí trong các khâu nhằm tiết giảm các chi phí trung gian, giảm sự chênh lệch giữa giá thu mua và giá bán lẻ.