Yên Bái chấn hưng ngành chè

  • Cập nhật: Thứ hai, 12/3/2018 | 1:52:53 PM

YBĐT - Chè là một cây mũi nhọn xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp nông dân Yên Bái đã được khẳng định qua hơn nửa thế kỷ nay. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì sản xuất, kinh doanh chè trong những năm gần đây liên tục gặp khó khăn. Để vực dậy ngành chè, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII đã có Kết luận số 56-KL/TU về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020.

Nông dân Văn Chấn đưa cơ giới vào thu hoạch chè búp tươi.
Nông dân Văn Chấn đưa cơ giới vào thu hoạch chè búp tươi.


Giá trị của cây chè đã được khẳng định trong nhiều năm qua. Chè không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là một ngành chế biến có giá trị trên 400 tỷ đồng mỗi năm. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong phát triển nâng cao chất lượng sản xuất chế biến, nhưng trong vài năm trở lại đây đã chững lại và gặp những khó khăn nhất định.
 
Theo số liệu thống kê tháng 6/2017 thì diện tích chè toàn tỉnh hiện có 8.695 ha, giảm 2.420 ha so với cùng kỳ năm 2016. Diện tích giảm có nhiều nguyên nhân, ngoài việc thu hồi đất làm giao thông, dân cư thì phần lớn là do giá chè búp tươi giảm, hiệu quả kinh tế trên mỗi héc - ta canh tác thấp nên người dân bỏ hoang. Có khá nhiều diện tích đã được chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp, cây ăn quả. Bên cạnh diện tích giảm thì có tới 30% diện tích gần như không được đầu tư chăm sóc dẫn tới năng suất chỉ đạt 1 - 2 tấn/ha, giá trị đạt 3 - 4 triệu đồng/ha.
 
Những diện tích được đầu tư chăm sóc, nhất là diện tích chè đã được trồng cải tạo thay thế giống mới năng suất vẫn đạt trên 10 tấn, có nhiều diện tích đạt 20 - 25 tấn/ha, giá trị thu đạt 70 - 80 triệu đồng/ha. Bằng sự đầu tư của các thành phần kinh tế, đặc biệt là từ dự án QSEAP trong giai đoạn 2010 - 2015 toàn tỉnh đã cải tạo, thay thế được trên 5.000 ha chè bằng các giống chè tiến bộ kỹ thuật, năng suất, chất lượng tốt như: LDP1, LDP2, các giống nhập nội, chè Shan tuyết. Toàn tỉnh đã có trên 114 nhóm hộ với gần 4.000 hộ tham gia với diện tích trên 2.000 ha sản xuất theo quy trình chè an toàn và được cấp giấy chứng nhận VietGAP.
 
Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, Công ty TNHH Hưng Thịnh, Doanh nghiệp Tư nhân Bình Thuận, Hợp tác xã Kiến Thuận sản xuất chè VietGAP và được cấp chứng nhận Rainfores Allice. Toàn tỉnh có 115 cơ sở chế biến chè nhưng hiện chỉ còn 53 cơ sở đang hoạt động. Sản lượng chế biến năm 2017 đạt trên 18.000 tấn, giá trị sản phẩm đạt trên 400 tỷ đồng. Cơ cấu sản phẩm chè chủ yếu là chè đen chiếm 80% còn lại là chè xanh, chè xanh chất lượng cao. Phần lớn sản phẩm chè Yên Bái là xuất ủy thác và tiêu thụ qua trung gian, tỷ lệ xuất khẩu trực tiếp rất ít.
 

Thu hái chè bằng máy.
 
Qua đó, cho thấy rõ những hạn chế, yếu kém trong sản xuất chế biến chè là chất lượng không cao, diện tích giảm, sản xuất thiếu liên kết, cơ sở sản xuất nhiều nhưng dây chuyền công nghệ lạc hậu... thu nhập người làm chè thấp.
 
Nguyên nhân yếu kém là do chính quyền địa phương, doanh nghiệp chế biến chưa có chính sách, giải pháp quản lý, phát triển vùng nguyên liệu hiệu quả, bền vững. Mối liên kết nông dân, doanh nghiệp lỏng lẻo. Trên 50% diện tích chè giống cũ, già cỗi năng suất, chất lượng không đáp ứng chế biến...

Để sản xuất, kinh doanh chè hiệu quả, UBND tỉnh đã có kế hoạch số 30/KH-UBND, ngày 13/2/2018, thực hiện Kết luận số 56-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVIII về đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020. Mục tiêu tái cơ cấu ngành chè Yên Bái theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững các mối quan hệ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
 
Sắp xếp các cơ sở chế biến, đổi mới thiết bị, công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm mang lại giá trị tăng cao, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, kinh doanh chè. Ổn định diện tích 8.500 ha, trong đó, giống chè Shan khoảng 2.600 ha, trồng mới 670 ha chè Shan, trồng thay thế 1.000 ha chè già cỗi bằng giống kỹ thuật.
 
Áp dụng đầu tư thâm cạnh tạo năng suất bình quân 10 tấn/ha, sản lượng búp đạt 80.000 tấn. 100% sản phẩm đạt an toàn, tăng tỷ lệ chè xanh, chè đặc sản, chè hữu cơ lên 30%... Thu nhập của người làm chè tăng 1,5 lần so với năm 2016. Để đạt mục tiêu đó, cần tập trung thực hiện các giải pháp: bảo vệ diện tích chè hiện có, tiếp tục thực hiện đề án phát triển chè Shan vùng cao; tổ chức cải tạo thay thế chè già cỗi (Văn Chấn 500 ha, Trấn Yên 250 ha, Yên Bình 150 ha, thành phố Yên Bái 100 ha).
 
Hướng dẫn người trồng chè áp dụng tiến bộ kỹ thuật đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè nguyên liệu; rà soát đánh giá năng lực sản xuất của đơn vị chế biến để có biện pháp quản lý phù hợp, hiệu quả; hỗ trợ các đơn vị chế biến xây dựng vùng nguyên liệu; kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức hoạt động của các Hội, nhà sản xuất, chế biến, kinh doanh... Tăng cường công tác thông tin, quảng bá thương hiệu, sản phẩm chè... Thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tổng kinh phí hỗ trợ, đầu tư 2018 - 2020 là trên 20 tỷ đồng.

Với quyết tâm cao, cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, người sản xuất, kinh doanh chè cùng sự hỗ trợ, đầu tư và các giải pháp bài bản, cụ thể, căn cơ, chắc chắn sản xuất kinh doanh chè sẽ phát triển mạnh mẽ.

Thanh Phúc 

Các tin khác
Nhân dân xã Lâm Giang chung sức làm đường giao thông nông thôn.

YBĐT - Năm 2018, ngân sách huyện sẽ đảm bảo đầu tư 100% kinh phí cho việc làm mới các tuyến đường loại đặc thù, bề rộng 1 m, dày 12 cm; người dân góp công để làm mặt đường, khơi thông cống rãnh, đắp lề đường.

Lực lượng vũ trang và nhân dân cùng khắc phục hậu quả thiên tai.

YBĐT - Năm 2007 đi qua để lại nhiều thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là năm Yên Bái phải gánh chịu nhiều thiệt hại do thiên tai khốc liệt diễn ra trên khắp các địa phương trong tỉnh. Bởi vậy, nhiều địa phương đang phải gồng mình khôi phục thiệt hại, ổn định đời sống nhân dân, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trước mắt cũng như lâu dài. 

YBĐT - Trong 2 tháng đầu năm 2018, đặc biệt là trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Mậu Tuất, lực lượng quản lý thị trường tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ quy định của pháp luật trong kinh doanh.

YBĐT - Theo ông Lảo Chang Páo - Trưởng bản Háng Cơ, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải: những con gia súc được phát hiện bị mắc bệnh lở mồm long móng (LMLM) đầu tiên là của các hộ gia đình ông Lảo A Giàng, ông Giàng A Lử và bà Thào Thị Pằng ở bản này.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục