Mục tiêu của "Tháng hành động" năm 2019 là tăng cường công tác giáo dục, truyền thông, thông tin chính xác, kịp thời, toàn diện, có trách nhiệm, trung thực các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm; đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật về an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tăng cường giám sát, hậu kiểm tại các tỉnh, thành phố trọng điểm, các địa phương có đường biên giới, cửa khẩu.
Bên cạnh đó, cần nêu cao vai trò của các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm của các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đồng thời giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Nhiều hoạt động sẽ được triển khai trong Tháng hành động năm nay. Trong đó, chiến dịch tuyên truyền sẽ được tổ chức tập trung từ ngày 1/4 - 15/5; Lễ phát động, hội nghị, hội thảo sẽ diễn ra từ ngày 10-20/4; hoạt động thanh tra, kiểm tra bắt đầu từ ngày 15/4 - 15/5.
Đặc biệt, 6 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành sẽ được thành lập, thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra tại 12 tỉnh, thành phố, gồm: TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Cần Thơ, Sóc Trăng, Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Nam, Đà Nẵng.
Bên cạnh 6 đoàn liên ngành Trung ương, các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công Thương cũng tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất tại các tỉnh, thành phố nhằm triển khai hiệu quả Tháng hành động.
Ngoài các hoạt động thường xuyên bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, "Tháng hành động" năm 2019 còn là điểm nhấn trong năm, tạo nên đợt cao điểm, phát động một chiến dịch truyền thông tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm do sử dụng sản phẩm thực phẩm không an toàn.
Trong đó, gắn trách nhiệm của UBND các cấp để tập trung sự chỉ đạo và bố trí nguồn lực cho công tác an toàn thực phẩm; nâng cao hiệu quả sự phối hợp giữa chính quyền ở địa phương với các cơ quan chức năng và các đoàn thể chính trị xã hội trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phát huy ý thức trách nhiệm với cộng đồng của cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.
Theo thống kê chưa đầy đủ năm 2018 cho thấy, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 14.264 vụ, xử lý 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỷ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỷ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm.
(Theo Toquoc.vn)