Từ ngày 15/12/2019, Nhật Bản chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang thị trường này.
|
Vải thiều Việt Nam sẽ xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản.
|
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp của Nhật Bản vừa gửi thư cho Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT thông báo: Chính thức mở cửa cho quả vải thiều Việt Nam xuất khẩu trực tiếp sang Nhật Bản, kèm theo quy định về kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với vải thiều Việt Nam. Quy định này bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 15/12/2019.
Cụ thể, Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản yêu cầu quả vải thiều tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản phải được trồng tại các vườn được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, giám sát và cấp mã số vùng trồng, đáp ứng quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm của Nhật Bản.
Đặc biệt, lô quả vải xuất khẩu phải được đóng gói và xử lý xông hơi khử trùng bằng methyl bromide tại các cơ sở được Cục Bảo vệ thực vật và Bộ Nông lâm Ngư nghiệp Nhật Bản công nhận, với liều lượng tối thiểu là 32g/m3 trong thời gian 2 giờ, dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Việt Nam và Nhật Bản. Bên cạnh đó, các lô quả vải thiều xuất khẩu phải kèm theo Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật do Cục Bảo vệ thực vật cấp.
Để triển khai có hiệu quả việc xuất khẩu quả vải tươi sang thị trường Nhật Bản, Cục Bảo vệ thực vật sẽ thông báo và hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng vải khẩn trương hoàn tất các công việc chuẩn bị, tìm kiếm đối tác nhập khẩu để sớm xuất khẩu lô quả vải thiều tươi đầu tiên sang Nhật Bản trong vụ vải năm 2020.
Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đánh giá, trong bối cảnh Nhật Bản là một trong những quốc gia có các quy định về kiểm dịch vệ sinh ATTP ngặt nghèo nhất trên thế giới, để quả vải Việt Nam từng bước có được chỗ đứng tại thị trường Nhật Bản đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước với chính quyền các địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu và người nông dân để đảm bảo quy trình xuất khẩu quả vải sạch, đáp ứng các yêu cầu về kiểm dịch và thỏa mãn thị hiếu của người tiêu dùng Nhật Bản.
Thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã và đang triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá quả vải Việt Nam tại thị trường Nhật Bản. Cụ thể, từ năm 2018, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản đã nhiều lần đưa các doanh nghiệp Nhật Bản sang Việt Nam đi khảo sát vùng trồng vải thiều Lục Ngạn - Bắc Giang. Hai bên đã có những buổi làm việc với đại diện Sở Công Thương tỉnh và Lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, nhằm xem xét khả năng nhập khẩu các lô hàng vải thiều ngay khi Nhật Bản chính thức mở cửa thị trường cho quả vải Việt Nam.
(Theo VOV)
Do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi (BDTLCP), đến hết quý III năm 2019, tổng đàn lợn của huyện Trạm Tấu giảm gần 400 con so với cùng kỳ năm 2018.
Các hãng thời trang như: NEM, IvyModa, Elise, Aristino, OWEN… đồng loạt triển khai các chương trình bán hàng rầm rộ, chủng loại, chất lượng đa dạng, giá cả cũng rất hợp lý. Cùng đó là hàng công nghệ phẩm của những hãng tên tuổi nhất Việt Nam như: Hải Hà, BIBICA, Hữu Nghị, Kinh Đô… cùng dòng hàng nhập khẩu, cao cấp đến từ châu Âu, Nhật Bản, Bắc Mỹ.... đên từ hệ thống siêu thị.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020, kinh tế của thành phố có bước phát triển mạnh mẽ, thương mại, dịch vụ dần trở thành mũi nhọn.
Trở lại An Lương sau 6 năm, điều làm chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi hàng trăm ngôi nhà cao tầng ở khu trung tâm xã được xây dựng tạo thành "phố thị” sầm uất; rồi hàng chục hộ dân sắm được ô tô đi lại. Ông Hoàng Văn Cội - Chủ tịch UBND xã phấn khởi chỉ tay về những đồi rừng phía trước khẳng định: "Tất cả là nhờ cây quế”.