Gia đình bà Hoàng Thị Mai ở tổ dân phố Hồng Sơn có trên 3.000m vuông trồng cam, bưởi và 2.000m vuông trồng nhãn ghép, song đã cho thu nhập 150 triệu đồng mỗi năm.
Bà Mai cho biết: "Để có được vườn cây phát triển tốt như hôm nay, từ năm 2013, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển phần đất trồng ngô kém hiệu quả sang trồng nhãn; đồng thời, thường xuyên bón phân, làm đất, cải tạo lại vườn trồng cây ăn quả. Được chăm sóc cẩn thận, nên sau 3 năm nhãn đã cho thu quả. Vụ năm 2019, gia đình tôi thu hoạch trên 4 tấn với giá bán ổn định 26.000 - 30.000 đồng/kg. Còn cam, bưởi, gia đình tôi mới trồng và năm vừa rồi cũng cho thu gần 2 tấn cam, thu về 20 triệu đồng”.
Cũng như bà Mai, gia đình anh Vũ Lương Lập đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng màu sang trồng táo đại. Chỉ với 27 cây, sau 2 năm trồng, anh đã được thu hoạch với sản lượng trung bình trên 1 tấn quả mỗi năm với giá bán khá cao từ 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Theo anh Lập, sở dĩ anh bán được với giá đó là bởi anh hoàn toàn sản xuất theo phương pháp an toàn, không thuốc diệt cỏ và đảm bảo thời gian cách ly ít nhất 2 tháng trước khi thu hoạch. Anh Lập khẳng định: "Khách có thể ăn ngay tại vườn mà không lo lắng gì”.
Trước đây, cây ăn quả ở Sơn Thịnh chủ yếu trồng rải rác, nhỏ lẻ, phục vụ nhu cầu trong gia đình là chính. Nhận thấy trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế, UBND thị trấn và các đoàn thể đã tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi diện tích đất dốc, đất trồng màu kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế hộ; áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, đưa những cây giống mới năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; sản xuất sạch, an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm.
Nhiều loại cây ăn quả không những đã trở thành hàng hóa mà còn dần có thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường. Ông Hà Khắc Lâm - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất cam, bưởi an toàn Hồng Sơn cho biết: HTX hiện có 36 ha trồng cam, bưởi, trong đó, có 15 ha cam, 10 ha bưởi đã cho thu hoạch. Đúng như cái tên của HTX, việc sản xuất của chúng tôi được thực hiện theo tiêu chuẩn của VietGAP.
"Chúng tôi cam kết không sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật được cách ly ít nhất 2 tháng trước khi thu hoạch, sản phẩm đảm bảo về chất lượng và có truy suất nguồn gốc. 21 hộ thành viên chúng tôi còn chia thành 5 tổ, thường xuyên theo dõi, giám sát chéo nhau các nội dung thực hiện trên sổ nhật ký sản xuất nhằm xây dựng và giữ vững thương hiệu” - ông Lâm nói.
Từ sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của thị trấn cùng sự năng động của người dân, diện tích cây ăn quả của thị trấn ngày càng được mở rộng với các loại cây chủ yếu như: táo 3 ha, mận 3 ha, nhãn 57 ha, đào 9 ha, chuối 8 ha và 60 ha cam, bưởi…
Việc mở rộng mô hình cây ăn quả đã thực sự khuyến khích bà con nông dân tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm nghèo bền vững. Thị trấn đang tiếp tục vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng các loại cây ăn quả, đặc biệt là các loại cây ăn quả phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương; quan tâm thành lập các tổ hợp tác, HTX trồng cây ăn quả, tiến tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu, liên kết để tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Hoài Anh