Ông Quyền Đình Lượng - Trại trưởng Trại Giống thủy sản Yên Bình cho biết: bước sang năm 2020, đơn vị thực hiện tự chủ và hạch toán độc lập. Nhận định được những thử thách mới, trong khi cán bộ, công nhân của Trại chỉ có 8 người nhưng lại thực hiện nhiệm vụ sản xuất ở hai khu là Đại Đồng và khu Đông Lý. Tuy nhiên, với mục tiêu, nhiệm vụ vì sự phát triển chung của nghề cá, chúng tôi đã chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, cố gắng phấn đấu để đưa đơn vị ngày một phát triển”.
Qua thực tiễn sản xuất hàng năm, để hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đảm bảo lương của người lao động phải bằng hoặc cao hơn mặt bằng chung của khu vực, tạo được việc làm thường xuyên, thu nhập năm sau phải cao hơn năm trước, lãnh đạo đơn vị xác định đây là vấn đề cốt lõi quan trọng nhất trong chỉ đạo điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Căn cứ theo kế hoạch hàng năm, trong tháng 9 năm trước, đơn vị đã đề ra kế hoạch sản xuất của năm sau sao cho phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao nhất. Với diện tích khoảng 3 ha, với 22 ao dành cho ương nuôi cá và 1 ao dùng để trữ nước, hiện Trại đang nuôi, sản xuất các loại cá giống như: trắm cỏ, cá dường nghiệp, cá quy long, cá chép lai. Ngoài ra, Trại cũng xây dựng các mô hình nuôi thí điểm để tiện cho việc tìm hiểu và tham quan học tập của người dân.
Cùng với việc cung cấp cá giống, cán bộ kỹ thuật của Trại thường xuyên tư vấn kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh cho các hộ nuôi cá. Để đảm bảo về chất lượng cũng như số lượng cá giống cung cấp ra thị trường, Trại luôn chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch theo giai đoạn; triển khai các đề tài, dự án khoa học và công nghệ, nghiên cứu, ứng dụng những tiến bộ mới việc ương nuôi cá; đơn vị cũng xác định rõ những loại cá nào phải sản xuất tại chỗ đáp ứng được yêu cầu về mùa vụ, chất lượng, hiệu quả kinh tế thì mới tiến hành sản xuất. Điều đó, đã giúp chất lượng, số lượng cá giống ngày một tăng.
Với phương châm sản xuất các loại con giống chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, những năm qua, đội ngũ kỹ sư của Trại không ngừng tìm tòi, nghiên cứu lai tạo các loại giống phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản. Cụ thể, hàng năm, Trại đều thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu và chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho nông dân trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Mỗi năm đơn vị đều có 1 - 2 đề tài nghiên cứu khoa học được UBND tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao. Thành công của những đề tài này góp phần không nhỏ trong việc sản xuất các loại con giống chất lượng phục vụ nhu cầu nuôi thủy sản. Bình quân, mỗi năm đơn vị sản xuất, ương nuôi 5,5 triệu con cá bột, hơn 3 triệu con cá hương, hơn 1 triệu con cá giống cấp I, gần 30 vạn cá giống cấp II; hơn 5 vạn cá giống cấp I đặc sản khác, bổ sung 7 - 8 tấn cá giống vào hồ Thác Bà.
Để khuyến khích phong trào nuôi cá phát triển, đơn vị thực hiện nhiều chính sách của Nhà nước về trợ giá, trợ cước, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật về nuôi thủy sản; tập huấn khuyến ngư từ 10 - 14 lớp; trình diễn từ 2 - 4 mô hình khuyến ngư.
Ông Trịnh Yên Hải, xã Yên Thái, huyện Văn Yên là một trong những khách hàng thường xuyên của Trại cho biết: "Bình quân mỗi năm 2 - 3 lần, tôi đều đến đây mua cá giống, bởi chất lượng con giống rất đảm bảo, nuôi mau lớn, không bị bệnh tật, giá cả phải chăng. Bên cạnh đó, tôi còn được cán bộ kỹ thuật của Trại tận tình tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi nên khá yên tâm, nhất là khi có vấn đề nào bất thường nào về chăn nuôi cá, tôi chỉ cần điện thoại là được hướng dẫn tận tình”.
Ông Trần Văn Tâm, xã Việt Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cũng vậy. Đã hơn 10 năm nuôi cá, năm nào ông cũng mua con giống của Trại Giống thủy sản Yên Bình.
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, Trại Giống thủy sản Yên Bình tiếp tục đẩy mạnh liên doanh ương nuôi cá giống có giá trị kinh tế cao; nắm bắt địa bàn tư vấn kỹ thuật, chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật cho các hộ nuôi cá, phấn đấu luôn là địa chỉ tin cậy cho các hộ chăn nuôi thủy sản.
Thanh Tân