Được thành lập tháng 3 năm 2007 với 7 thành viên, đến nay, Hợp tác xã (HTX) Suối Giàng, huyện Văn Chấn có 20 thành viên; trong đó, có 16 người là dân tộc Mông còn lại là các dân tộc Kinh, Dao, Tày. Bà Lâm Thị Kim Thoa - Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Suối Giàng cho biết: "HTX ra đời và đi vào hoạt động với mục tiêu sản xuất các sản phẩm chè chất lượng cao, xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng và giúp bà con dân tộc H’Mông trồng chè và gìn giữ cây chè quý”.
Với quyết tâm, nỗ lực của HTX cùng với ý thức của đồng bào dân tộc giữ vững vùng nguyên liệu sạch, năm 2012 Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ đã cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng.
Cùng với đó, là việc xây dựng một hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm…
Đây là lợi thế rất lớn để HTX cùng với đồng bào dân tộc nơi đây phát triển nhiều sản phẩm từ cây chè cổ thụ vùng cao. Điều đặc biệt hơn, trong những năm qua, HTX Suối Giàng được bà con tin yêu gọi là "Hợp tác xã đồng bào” bởi các thành viên của HTX chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Với vai trò tập hợp đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Suối Giàng tham gia mô hình Kinh tế tập thể thông qua việc thành lập và phát triển HTX để cùng chia sẻ lợi ích kinh tế.
Bà Lâm Thị Kim Thoa chia sẻ: "Để có sản phẩm tốt, HTX đã làm tốt các khâu từ vận động bà con các dân tộc gìn giữ và thu hái chè đúng tiêu chuẩn, chất lượng, đến thu mua nguyên liệu đúng giá; chế biến sản phẩm đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, đồng thời chủ động liên kết, mở rộng thị trường trong và ngoài tỉnh để đảm bảo đầu ra ổn định, tăng thu nhập hàng năm cho thành viên và người dân. HTX cũng đã tuyên truyền cho hội viên và đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là dân tộc Mông bảo vệ được hàng trăm ha diện tích chè cổ thụ. Nhờ đó, người Mông nơi đây thu hái được hơn 500 tấn búp tươi, giá trị hơn 10 tỷ đồng/năm, nhiều hộ làm được nhà mới, mua ti vi, xe máy, đời sống ngày càng nâng lên”.
Với việc tham gia vào HTX, lần đầu tiên đồng bào các dân tộc thiểu số đặc biệt là dân tộc Mông đã thực sự thoát ra khỏi hình thức sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc chuyển sang hình thức sản xuất liên kết, hợp tác, cùng nhau phân công lao động, sản xuất thương mại với quy mô lớn theo chuỗi giá trị. Nhờ đó, năm 2019 doanh thu của HTX đạt 1,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân người lao động trong HTX đạt 5,7- 6,0 triệu đồng/tháng.
Đến nay, HTX Suối Giàng đã sản xuất được 6 loại sản phẩm mang tên "Tuyết Sơn Trà” có chất lượng tốt, được đóng gói với các mẫu mã đẹp, từng bước chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài nước. Giá bán chè tùy thuộc theo loại, dao động từ 250 đến 650 nghìn đồng/ kg và cao nhất là hơn 3 triệu đồng/kg. Năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của HTX Suối Giàng là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao.
Đây không chỉ là niềm vui của HTX Suối Giàng và những người sản xuất ra sản phẩm chè "Tuyết Sơn Trà”, mà còn khẳng định về chất lượng, thương hiệu chè "Tuyết Sơn Trà” của tỉnh Yên Bái và là niềm tự hào của người dân Việt.
Đặc biệt, với quy trình sản xuất không sử dụng các chất hóa học như phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ, quá trình chế biến bảo đảm quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, mô hình sản xuất chè hữu cơ của HTX Suối Giàng đã góp phần bảo vệ môi trường tự nhiên, cân bằng hệ sinh thái tự nhiên.
Điều này không chỉ đem lại nguồn lợi kinh tế do chất lượng tuyệt hảo của sản phẩm chè, mà còn giúp người dân thu lợi từ làm du lịch sinh thái trên chính trên mảnh đất quê hương - nơi được coi là cái nôi của cây chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái.
Hồng Duyên