NÂNG TẦM NÔNG SẢN YÊN BÁI
Với diện tích đất nông - lâm nghiệp trên 549.000 ha, nằm trên tiểu vùng khí hậu khác nhau đã tạo ra cho nông nghiệp Yên Bái các loại cây, con đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao. Trong những năm qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cho việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Đặc biệt, sau 5 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp, tỉnh đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thủy sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu.
Cùng đó, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực; trong đó, tập trung hỗ trợ các đơn vị sản xuất, chế biến xây dựng, cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng, mẫu mã bao bì, tiêu chuẩn đóng gói bảo quản phù hợp với tiêu chuẩn quy định của Nhà nước, đơn vị phân phối và thị trường.
Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền sở hữu trí tuệ đều được hỗ trợ về tem truy xuất nguồn gốc, tư vấn thiết kế bao bì, nhãn mác, cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể, các tài liệu kỹ thuật nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ.
Đến hết năm 2020, tỉnh đã có 23 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản đã được cấp văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ; trong đó, 7 sản phẩm chỉ dẫn địa lý gồm: quế Văn Yên, gạo Mường Lò, tre Bát độ, mật ong Mù Cang Chải, ba ba gai Văn Chấn, nếp Tú Lệ, bưởi Khả Lĩnh; 8 sản phẩm nhãn hiệu chứng nhận gồm: chè Suối Giàng, sơn tra Mù Cang Chải, bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gà xương đen Mù Cang Chải, vịt bầu Lâm Thượng, khoai sọ nương Trạm Tấu, các sản phẩm từ quế Văn Yên. Ngoài ra, còn 8 sản phẩm địa phương được cấp nhãn hiệu tập thể.
Thực tế chứng minh, nhiều sản phẩm nông nghiệp sau khi được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá trị tăng cao; nhiều sản phẩm đã dần khẳng định danh tiếng trên thị trường. Năm 2012, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với các sở, ngành, UBND huyện Văn Chấn đăng ký thành công bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm chè Suối Giàng.
Đây chính là bước khởi đầu vững chắc cho sự phát triển của vùng chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Đồng thời, là tấm vé thông hành để chè Suối Giàng khẳng định được tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường.
Bà Lâm Thị Kim Thoa - Giám đốc Hợp tác xã Chè Suối Giàng chia sẻ: "Với tấm giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền cho sản phẩm chè Suối Giàng, cùng đó là việc xây dựng một hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu Suối Giàng - Yên Bái từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm… là lợi thế rất lớn để chè Suối Giàng vươn xa. Thêm vào đó, năm 2019, sản phẩm chè Tuyết Sơn Trà của Hợp tác xã là sản phẩm đầu tiên của huyện Văn Chấn được xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao đã khẳng định về chất lượng cũng như thương hiệu chè Tuyết Sơn Trà của tỉnh Yên Bái”.
Bên cạnh việc xác lập bảo hộ sở hữu trí tuệ, Chương trình OCOP cũng góp phần tạo nên thương hiệu cho sản phẩm nông sản của các địa phương.
Đến nay, Yên Bái đã có 83 sản phẩm được xếp hạng 3 sao, 4 sao. Cùng với đó, nhằm quảng bá các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh các sở, ngành cũng đã tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, kết nối giao thương, tổ chức các tuần lễ giới thiệu hàng nông lâm, thủy sản của tỉnh. Hiện tại, đã có không ít sản phẩm nông sản của tỉnh đã có mặt tại các thị trường lớn, đang được các tập đoàn bán lẻ như BigC, Hapro, hay Lotte ký kết biên bản ghi nhớ cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Yên Bái đưa vào trong hệ thống siêu thị tại Hà Nội và một số địa bàn lân cận tiêu thụ. Nhiều người tiêu dùng đã biết đến nhiều sản phẩm nông nghiệp có chất lượng của tỉnh Yên Bái.
---------------------------------------------------
ĐỂ NÔNG SẢN VƯƠN XA
Mặc dù có tiềm năng về sản xuất nông nghiệp; trong đó, có nhiều sản phẩm chất lượng tốt được đánh giá cao nhưng thực tế nông sản của tỉnh Yên Bái chủ yếu tiêu thụ nội tỉnh và chỉ một phần nhỏ "chen chân” được vào các siêu thị. Làm thế nào để các mặt hàng nông sản vươn xa, chinh phục người tiêu dùng vẫn là trăn trở của các cấp, ngành, doanh nghiệp và những nông dân đang nỗ lực phấn đấu xây dựng thương hiệu cho nông sản Yên Bái.
Hiện, toàn tỉnh có 83 sản phẩm OCOP được đánh giá đạt hạng từ 3 sao trở lên; trong đó, có 8 sản phẩm 4 sao, 75 sản phẩm 3 sao với 53 chủ thể tham gia, gồm 43 hợp tác xã, 8 công ty và 2 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh. Nhờ tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP cấp tỉnh, nhiều sản phẩm đã từng bước khẳng định được vị trí và thương hiệu trên thị trường, được người tiêu dùng chấp nhận.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy, hoạt động quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản đặc sản của tỉnh chưa thực sự thỏa đáng và phần lớn các sản phẩm chưa có đầu mối tiêu thụ ổn định.
Sản phẩm cam Vinh, huyện Lục Yên được bày bán trong siêu thị BigC Hà Nội.
Với phương châm truyền thống "buôn có bạn, bán có phường”, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương luôn phối hợp để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo hướng bền vững. Trong đó, kết nối vẫn là giải pháp then chốt để quảng bá và mở rộng thị trường cho nông sản địa phương. Các hội nghị kết nối cung cầu nông sản là cơ hội để các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực nông sản có kinh nghiệm tìm kiếm và mở rộng thị trường nhằm tạo bước đột phá trong tiêu thụ hàng hóa nông sản.
Ông Đàm Văn Việt - Giám đốc Hợp tác xã Thái Sơn, huyện Lục Yên cho biết: "Thông qua các chương trình xúc tiến thương mại sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã thúc đẩy sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp. Qua đó, chúng tôi có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường để thúc đẩy phát triển sản xuất”.
Để nông sản vươn xa cần có sự liên kết "4 nhà” (nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nông). Mối liên kết này phải thực sự chặt chẽ và bền vững, bởi trong thời kỳ hội nhập, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng đáp ứng yêu cầu, giá bán hợp lý và có chiến lược thị trường tốt.
Trong đó, phía Nhà nước cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất; cần có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp với người sản xuất. Đối với những trường hợp bị thiệt hại do nguyên nhân bất khả kháng cần có chính sách hỗ trợ cho các bên tham gia liên kết.
Về phía nhà khoa học cần nghiên cứu, đưa ra các giải pháp tăng sản lượng, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm; nghiên cứu chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác công nghệ cao và hiệu quả cho nông dân; đưa máy móc, nông cụ phù hợp với từng loại cây trồng, điều kiện vào sản xuất và tăng cường chuyển giao công nghệ chế biến, bảo quản nông sản sau khi thu hoạch.
Đối với các doanh nghiệp cần có chiến lược và kế hoạch hoạt động phù hợp với thị trường địa phương, ngoài tỉnh và nước ngoài; đặt hàng ký hợp đồng với nông dân bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm sản xuất; chú trọng hợp tác với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp. Người nông dân cần phải hợp tác sản xuất để tạo vùng nguyên liệu có định hướng; đảm bảo thực hiện theo cam kết cả về số lượng và chất lượng cũng như thời gian cung ứng.
Đặc biệt, cần phải thay đổi tư duy trong sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào canh tác. Sự liên kết "4 nhà” sẽ chắp cánh đưa sản phẩm nông sản chất lượng cao của tỉnh không những được tiêu thụ rộng khắp cả nước mà còn xuất khẩu ra nước ngoài. Qua đó, sẽ tạo động lực cho nông dân Yên Bái cũng như các doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao được chất lượng sản phẩm.
Ông Đoàn Lê Khoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: "Hàng năm, Sở Công Thương tổ chức các tuần hàng giới thiệu các sản phẩm nông-lâm sản có thế mạnh của tỉnh tại các trung tâm thương mại, siêu thị tại Hà Nội. Trong năm 2020, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở Công Thương đã chủ động tham mưu với UBND tỉnh tổ chức các hội nghị giao thương trực tuyến để kết nối doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp, tập đoàn phân phối nước ngoài như: Lotte, Walmart, Big C, Aone. Thông qua hội nghị, các doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp liên hệ, trao đổi để giới thiệu, chào bán sản phẩm của doanh nghiệp; từ đó, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản phẩm; thu hút đầu tư; phát triển thương hiệu, góp phần đưa các sản phẩm đặc sản của tỉnh vươn xa”.
Cùng đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, duy trì, phát triển sản phẩm; quản lý chất lượng sản phẩm; quảng bá thương hiệu các sản phẩm nông sản đã có thương hiệu. Đồng thời, gắn với các giải pháp về cơ chế, chính sách; về đào tạo, chuyển giao công nghệ; xúc tiến thương mại và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là nền tảng, động lực để đưa sản phẩm nông, lâm, thủy sản đã có thương hiệu của tỉnh trở thành thương hiệu mạnh, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ, giúp người tiêu dùng hài lòng, tin tưởng vào thương hiệu để lựa chọn và ưu tiên sử dụng sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu; là cầu nối cho việc xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường tiêu thụ ngoài nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
--------------------------------------------------------
CẦN TIẾP TỤC XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU
Trong bối cảnh thị trường hội nhập, nhiều địa phương, vùng lãnh thổ cùng sản xuất một loại sản phẩm thì sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp ngày càng khốc liệt. Do đó, các nông sản của tỉnh Yên Bái cần phải tạo dựng được thương hiệu.
Các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản của Yên Bái được xây dựng thương hiệu, có nhãn hiệu hàng hóa sẽ góp phần ồn định đầu ra và nâng cao giá trị cho sản phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho các nông sản trên địa bàn vẫn chưa xứng với tiềm năng.
Hiện, hầu hết các nông sản của tỉnh có chất lượng trung bình, không đồng đều, thiếu các chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, bao bì sản phẩm xấu, khó có khả năng nhận diện nên chưa được các nhà phân phối quan tâm thu mua để cung ứng trên thị trường.
Ngay cả những sản phẩm chủ lực của tỉnh có khối lượng lớn như: chè đen, lúa gạo, cây ăn quả có múi, gỗ rừng trồng khi xuất ra thị trường là sản phẩm thô, không có tiêu chuẩn nhãn mác nên giá trị thương mại thấp hơn so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Người tiêu dùng chọn mua sản phẩm nông sản bảo đảm chất lượng tại các cửa hàng OCOP.
Nhiều sản phẩm đặc sản như: vịt bầu, cá bỗng, gà thiến, khoai tím… hay các sản phẩm có chất lượng cao có quy mô hàng hóa như: thảo quả, cây ăn quả có múi chưa được xây dựng thương hiệu. Nhiều thương hiệu đã được xây dựng dưới dạng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý như: "Quế vỏ Văn Yên”, "Gạo Mường Lò”, "Cam Văn Chấn”... nhưng chưa được sử dụng nhiều trong thương mại mà chỉ được sử dụng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm do chưa thiết lập được hệ thống quản trị thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm.
Vì vậy, hiệu quả xây dựng thương hiệu của một số sản phẩm còn thấp. Nhiều thương hiệu chỉ đăng ký cho các sản phẩm nguyên liệu thô như: chè nguyên liệu, quế vỏ… nên các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao hơn không được phép sử dụng thương hiệu như tinh dầu quế, bột quế. Bên cạnh đó, việc quảng bá giới thiệu các sản phẩm cũng chưa thỏa đáng.
Đến nay, tỉnh đã có đến 83 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao, 4 sao nhưng do thiếu các điểm bán giới thiệu các sản phẩm OCOP nên ngay cả người tiêu dùng trong tỉnh cũng không biết đến. Việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông sản dù đã có nhiều chuyển biến nhưng còn rất hạn chế.
Được biết, toàn tỉnh hiện có 320 HTX, hàng nghìn tổ hợp tác cùng hàng trăm doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, các HTX và tổ hợp tác hoạt động chủ yếu là cung cấp một số dịch vụ đầu vào cho sản xuất. Không có nhiều doanh nghiệp liên kết với người sản xuất hoặc các HTX, tổ hợp tác về vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do chưa thu hút được các doanh nghiệp "đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học, công nghệ và thị trường để dẫn dắt chuỗi giá trị nên chưa xây dựng và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Thường trực Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết: "Xây dựng quảng bá thương hiệu Việt, đặc biệt là các mặt hàng nông sản vùng miền trong cả nước đang là một trong những vấn đề được các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương quan tâm, tạo điều kiện và ủng hộ. Hapro đã xây dựng kế hoạch cụ thể và phối hợp với nhiều đơn vị bán lẻ khác trên địa bàn Hà Nội như hệ thống siêu thị Intimex với mục tiêu tạo ra kênh tiêu thụ sản phẩm để đưa nông sản Yên Bái tới tay người tiêu dùng với chất lượng cao, thương hiệu nổi tiếng nhưng giá thành hợp lý”.
Rõ ràng trong bối cảnh thị trường hội nhập, nhiều địa phương, vùng lãnh thổ cùng sản xuất một loại sản phẩm cho thấy, sự cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp và nông thôn có thế mạnh nói trên của tỉnh ngày càng khốc liệt.
Mặt khác, yêu cầu tiêu dùng và quản lý Nhà nước ngày càng cao đối với các sản phẩm về tính minh bạch nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, quy trình sản xuất, an toàn và chứng nhận. Vì vậy, để tiếp cận và tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, các sản phẩm nông nghiệp và nông thôn của tỉnh cần phải tạo dựng được thương hiệu.
Do đó, cần tiếp tục rà soát các mặt hàng nông sản có thế mạnh, nông sản đặc sản, các sản phẩm OCOP của địa phương để xây dựng thương hiệu, bảo đảm các mặt hàng này phải đáp ứng các yếu tố chính như khối lượng đủ lớn và ổn định, chất lượng đồng đều, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giá bán cạnh tranh để xây dựng và phát triển thương hiệu.
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương:
Thời gian qua, Sở Công Thương đã hỗ trợ, tư vấn cho 10 doanh nghiệp về thủ tục thiết kế, đăng ký nhãn hiệu, xây dựng bao bì nhãn mác và đăng ký bảo hộ sản phẩm đạt các tiêu chuẩn để đảm bảo các tiêu chí của các nhà sản xuất và đưa các sản phẩm vào hệ thống các siêu thị tại thị trường Hà Nội; hỗ trợ doanh nghiệp công bố sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia; xây dựng 33.000 tờ rơi, cataloge giới thiệu sản phẩm, hình ảnh, tiềm năng thế mạnh của tỉnh; tổ chức các lớp tập huấn, cung cấp cho các doanh nghiệp, cán bộ quản lý những kiến thức về xúc tiến thương mại, kỹ năng bán hàng, xây dựng và phát triển thương hiệu và những thông tin cần thiết về những thị trường xuất khẩu truyền thống phục vụ công tác quản lý và kinh doanh xuất khẩu những sản phẩm có thế mạnh của từng doanh nghiệp...
Thông qua chương trình xúc tiến thương mại, quá trình sản xuất, nuôi trồng của nông dân đã dần gắn kết với hoạt động chế biến và tiêu thụ sản phẩm phù hợp với yêu cầu thị trường, tạo thành quy trình phát triển sản xuất theo chuỗi phù hợp với định hướng của Chính phủ tại Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông-lâm sản.
Ông Đỗ Nhân Đạo - Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh:
Làm OCOP không phải cứ nhiều sản phẩm là tốt, quan trọng nhất là phải tạo ra giá trị gia tăng gì cho sản phẩm sau một chu trình được thực hiện đủ các bước. Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền, giúp HTX, doanh nghiệp thành viên và người lao động hiểu sâu về lợi ích, sự cần thiết khi tham gia Chương trình OCOP.
Qua đó, các HTX, doanh nghiệp từng bước nâng cao trình độ nhận thức, từng bước tiếp cận và ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, nắm bắt tốt thông tin từ thị trường để xây dựng và phát triển các sản phẩm bảo đảm chất lượng tốt nhất theo quy chuẩn để tăng lợi thế cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước.
Bà Hoàng Thuyết Lập - Giám đốc HTX Cam sành Lục Yên:
Nhờ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, sản phẩm cam sành của HTX đã có mặt tại nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Lào Cai, Lai Châu. Tuy nhiên, để khẳng định giá trị và mức độ an toàn thực phẩm, năm 2020 chúng tôi đăng ký xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP.
Hiện, cam sành Lục Yên được lựa chọn là sản phẩm tiêu biểu để đầu tư hỗ trợ nâng cao chất lượng và xúc tiến thương mại, lập hồ sơ và đăng ký bảo hộ Chỉ dẫn địa lý. Đây là cú hích để sản phẩm cam của HTX tiếp tục vươn xa hơn trên thị trường.
Ông Nguyễn Quốc Toản - Phó Giám đốc HTX Xây dựng và Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Mù Cang Chải:
Tiếp cận thị trường đầu ra là khó khăn chung của các doanh nghiệp, hợp tác xã ở huyện vùng cao. Vì vậy, thông qua các hội nghị kết nối cung cầu, các buổi xúc tiến thương mại, chúng tôi mong muốn sẽ thu hút được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, để mở rộng liên kết, thúc đẩy hoạt động giao thương giữa các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
Chúng tôi cũng mong muốn tỉnh có cơ chế và môi trường đầu tư thuận lợi, luôn mời gọi và tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, tạo cầu nối phát triển thương mại, dịch vụ giữa các doanh nghiệp với người tiêu dùng trong, ngoài nước. |
Văn Thông - Hồng Duyên