Anh Nguyễn Chí Hiếu - Trưởng thôn An Thái, xã Minh An, huyện Văn Chấn ngày 30/3/2021 phát hiện thấy xuất hiện các cục nhỏ trên da của 1 bò mẹ, 1 bê con. Anh Hiếu đã thông báo ngay cho chị Đỗ Thu Hương - khuyến nông viên phụ trách xã.
Sau đó, anh thực hiện đúng yêu cầu và hướng dẫn cách ly ngay 2 con bò ra cuối vườn, xa khu chuồng nuôi bò 300 m; quây lưới đen xung quanh như mắc màn; rắc vôi bột, phun tiêu độc khử trùng, phun thuốc diệt muỗi, ruồi… cho cả nơi cách ly đôi bò và nơi đang nuôi 17 con bò.
Đồng thời, anh Hiếu thông báo trên nhóm facebook chăn nuôi trâu, bò trong thôn gồm 43 thành viên để nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn. Cặp bò mẹ con của gia đình anh Hiếu trong thời gian cách ly, chờ kết quả xét nghiệm vẫn ăn uống bình thường nhưng so với ngày đầu thì u cục to hơn.
Nhận kết quả xét nghiệm 2 con bò mắc bệnh viêm da nổi cục (VDNC) sáng 6/4, gia đình tiến hành tiêu hủy theo quy định vào chiều cùng ngày. 10 ngày sau, 14 con bò của nhà anh được tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC, còn 3 con chưa đến tuổi tiêm: "Vắc xin này các hộ chăn nuôi chúng tôi được hỗ trợ toàn bộ. Thôn An Thái trong ngày 16/4 đã tiêm xong cho 156/197 con trâu, bò, đạt tỷ lệ 100% số trâu, bò thuộc diện tiêm. Dù đã tiêm vắc xin song chúng tôi vẫn thường xuyên chủ động phòng dịch như phun tiêu độc khử trùng 2 ngày/lần, rắc vôi bột 1 tuần/lần, phun thuốc diệt ruồi, muỗi 2 - 3 ngày/lần”.
Thông tin từ chị Đỗ Thu Hương - khuyến nông viên phụ trách xã, tính đến ngày 21/4, Minh An hoàn thành tiêm vắc xin phòng VDNC cho 100% số trâu, bò trong diện tiêm, cụ thể là 287/514 con ở 7 thôn.
Ông Triệu Đức Quý - Chủ tịch UBND xã Minh An khẳng định: "Hoàn thành tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho đàn gia súc nhưng xã vẫn quan tâm chỉ đạo các hộ thực hiện tốt công tác phòng dịch cho đàn trâu, bò. Thực tế đây là vắc xin mới, chưa rõ hiệu quả trong khi bệnh đã xuất hiện trên địa bàn nên chúng tôi xác định phải thận trọng, không chủ quan, lơ là. Bệnh này lần đầu tiên xuất hiện, các cơ quan chức năng của huyện đã phối hợp chỉ đạo sát sao, liên tục, kịp thời”.
Nằm trong vùng bị uy hiếp, giữa các xã đã có gia súc mắc bệnh VDNC là Minh An và Bình Thuận, lãnh đạo xã Nghĩa Tâm nêu rõ quan điểm về việc tập trung chỉ đạo thực hiện phòng chống dịch thật chủ động, kịp thời, cảnh giác cao độ.
Ông Hoàng Ngọc Út - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: "Vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC đã được cung ứng nhanh, sớm, kịp thời, giúp chúng tôi phần nào yên tâm hơn trong công tác phòng dịch. Địa phương nhanh chóng hoàn thành tiêm vắc xin cho đàn gia súc trên địa bàn trong diện phải tiêm. Người chăn nuôi đã ngày càng nâng cao ý thức phòng dịch, giữ gìn và bảo vệ tài sản của mình nên chấp hành nghiêm ký cam kết trước khi tiêm, thực hiện xã hội hóa công tác tiêm phòng ngoài tiền vắc xin được hỗ trợ toàn bộ. Các hộ kinh doanh, buôn bán gia súc trên địa bàn cũng đã ký cam kết thực hiện đúng công tác phòng dịch trên địa bàn theo quy định”.
Là người được thuê tiêm vắc xin phòng bệnh VDNC cho gia súc đợt này ở xã Nghĩa Tâm, ông Lương Văn Hóa chia sẻ một số khó khăn: "Là vắc xin đông khô và phải sử dụng hết sau pha là 2 giờ đồng hồ, mỗi lọ vắc xin có 25 liều, tiêm cho 25 con gia súc trong khi khoảng cách đi lại giữa các hộ chăn nuôi trên địa bàn xã khá xa nên chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông phụ trách xã, các hộ chăn nuôi để bố trí thời gian, tính toán làm sao cho giảm thấp nhất tỷ lệ hao hụt của vắc xin cũng như bảo đảm đúng thời gian sử dụng vắc xin để có hiệu quả cao nhất”.
Nuôi 16 con bò, hộ anh Trần Văn Thế ở thôn 9 Tiên Đồng, xã Nghĩa Tâm được bố trí thời gian tiêm cho 6 con trong diện tiêm vào trưa ngày 23/4. Chuẩn bị sẵn sàng khi nhận thông báo, anh Thế hỗ trợ ông Lương Văn Hóa tiêm nhanh chóng. Yên tâm hơn là tâm lý của anh Thế khi tiêm xong cho 6 con bò của gia đình: "Được xã thông báo ngay khi có dịch ở thôn An Thái, xã Minh An, tôi đã chủ động phun tiêu độc khử trùng, xịt thuốc diệt ruồi, muỗi ở chuồng nuôi. Nay được hỗ trợ tiêm vắc xin, dù yên tâm hơn nhưng tôi cũng sẽ tiếp tục phòng bệnh tốt cho đàn bò vì là tài sản lớn của gia đình”.
Nhanh chóng, kịp thời, nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh VDNC trên trâu, bò, đến ngày 25/4 Văn Chấn đã hoàn thành tiêm 4.500 liều vắc xin VDNC được cấp, tiếp nhận từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Yên Bái cho 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện. Quan điểm chỉ đạo của huyện Văn Chấn là tiếp tục yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn.
Tại địa bàn huyện Văn Chấn, từ ngày 30/3 - 17/4, đã phát hiện, lấy mẫu xét nghiệm và thực hiện tiêu hủy đối với gia súc mắc bệnh VDNC gồm: 1 bò mẹ, 1 con bê ở thôn An Thái, xã Minh An; 1 con bê ở thôn Bằng Là 1, xã Đại Lịch; 1 con bê ở thôn Quăn, 1 con bò ở thôn Trung Tâm, xã Bình Thuận. Tổng trọng lượng gia súc đã tiêu hủy là 762 kg. Đến ngày 03/5, trên địa bàn toàn huyện chưa phát sinh thêm gia súc mắc bệnh VDNC. |
Nguyễn Thơm