Vụ đông 2020, nông dân toàn tỉnh đưa vào gieo trồng trên 10.168 ha, tăng 547 ha so với cùng kỳ. Trong đó, có 5.659 ha ngô lấy hạt, tăng 400 ha (ngô trên đất hai vụ lúa gần 4.000 ha), khoai lang 1.025 ha, rau màu các loại 3.745 ha, khoai tây 52 ha, hoa gần 15 ha.
Mặc dù là sản xuất cây vụ đông thời tiết nhiều bất lợi, rét đậm, rét hại thường xuyên xảy ra, nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp, sự nỗ lực đầu tư chăm sóc của người dân, toàn bộ diện tích cây vụ đông sinh trưởng, phát triển tốt.
Đối với toàn bộ diện tích ngô lấy hạt, năng suất vẫn đạt 32,74 tạ/ha, sản lượng đạt 18.529 tấn; khoai lang đạt 54,02 tạ/ha, cây rau màu 121,87 tạ/ha… Tổng giá trị sản xuất cây vụ đông 2020 đạt 300 tỷ đồng, bình quân mỗi héc-ta canh tác đạt 28 triệu đồng.
Thực tiễn cho thấy, sản xuất cây vụ đông mang lại giá trị khá cao, góp phần không nhỏ tăng thu nhập cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, sản xuất nông nghiệp càng khẳng định rõ vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhìn từ thực tế cho thấy, chúng ta có thể sản xuất cây vụ đông mang lại giá trị cao hơn nếu biết liên doanh, liên kết, biết sản xuất theo thị trường.
Vừa qua, triển khai sản xuất vụ đông 2021, ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu đưa vào gieo trồng 9.920 ha, tổng giá trị sản phẩm đạt 300 tỷ đồng. Dự kiến một số loại cây trồng thì ngô lấy hạt vẫn là chủ yếu với 5.770 ha (3.850 ha trên đất hai vụ lúa); khoai lang 1.035 ha; rau, đậu, củ quả các loại 3.115 ha.
Qua đó cho thấy mục tiêu, kế hoạch không lớn, không có nhiều đột biến, giá trị cũng không cao, diện tích trồng ngô lấy hạt và khoai lang vẫn là chủ yếu.
Vẫn biết trồng ngô lấy hạt rất thân quen, rất gần gũi với bất cứ người nông dân Yên Bái nào, nhưng hiệu quả không cao. Từ nhiều năm nay, ngoài việc đầu tư thâm canh, còn đưa các giống tiến bộ vào gieo trồng, nhưng năng suất bình quân cũng chỉ loanh quanh ở ngưỡng 33 tạ/ha.
Như vậy cho thấy, 33 tạ/ha ngô lấy hạt, bán với giá thị trường 7.000 đồng/kg cho thu 23 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí sản xuất, giống, phân bón, công chăm sóc, thu hoạch thì người nông dân cũng chẳng lãi là bao. Đối với cây khoai tây có khá hơn, với năng suất đạt 104 tạ/ha bán với giá 7.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta cho thu 72.800 đồng.
Khoai lang với năng suất thực tế vụ đông 2020 đạt 5,4 tấn/ha, bán với giá thị trường 6.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta thu đạt 32 triệu đồng. Diện tích trồng hoa, cây cảnh và các loại rau màu cho thu 80 triệu đồng/ha. Qua đó cho thấy, trong nhóm cây trồng vụ đông thì trồng ngô lấy hạt mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế thấp nhất.
Câu hỏi đặt ra tại sao vụ đông không đưa cây trồng giá trị kinh tế cao vào sản xuất mà vẫn cứ mãi trồng ngô lấy hạt? Trồng rau màu vụ đông cho hiệu quả kinh tế cao nhất, nhưng nông dân gặp muôn vàn khó khăn về thị trường, về thu hoạch và sau thu hoạch.
Vậy, Yên Bái sẽ đưa cây trồng nào vào trong sản xuất vụ đông 2021 này và những năm tiếp theo? Đây là một câu hỏi, một sự mong muốn của hầu hết người nông dân và cần được ngành nông nghiệp, các chuyên gia kinh tế nghiên cứu định hướng. Tất nhiên, trong xu thế thị trường như hiện nay, để sản xuất hiệu quả, bền vững cần rất nhiều yếu tố và phải sản xuất theo chuỗi, từ sản xuất cho đến bàn ăn.
Hiện nay, phong trào chăn nuôi trâu, bò, nhất là nuôi bò lấy thịt, bò lấy sữa đang rất phát triển và chủ yếu do các công ty, doanh nghiệp, tập đoàn như: Vinamilk, TH True Milk, Công ty TNHH Greenlife… Các công ty, doanh nghiệp này đang thiếu một lượng lớn thức ăn trong mùa đông giá rét ở miền Bắc. Để đảm bảo số lượng, chất lượng thức ăn phục vụ cho chăn nuôi, trong một hai vụ đông gần đây, các công ty này đã liên kết với nông dân một số tỉnh như: Phú Thọ, Tuyên Quang, Sơn La, Hòa Bình… hình thành vùng trồng ngô sinh khối cung ứng làm thức ăn cho chăn nuôi.
Dự báo nhu cầu sử dụng ngô sinh khối là rất lớn. Theo tính toán, mỗi héc-ta ngô lấy thân làm thức ăn cho trâu, bò thời gian canh tác khoảng 80 - 85 ngày cho năng suất 45 - 47 tấn/ha/vụ. Với giá thu mua ở vụ đông 2020 là 900 ngàn đến 1 triệu đồng/tấn thì bình quân mỗi héc-ta trồng ngô sinh khối bán thu 40 triệu đồng, sau trừ chi phí còn lãi 26 - 27 triệu đồng. Như vậy, trồng ngô sinh khối không đòi hỏi kỹ thuật cao, đầu tư chăm sóc ở mức trung bình, thời gian canh tác ngắn, nhưng cho thu nhập cao hơn nhiều so với trồng ngô lấy hạt, cũng như các cây trồng khác.
Từ thực tiễn trên cho thấy, nhà nông Yên Bái có nên trồng ngô sinh khối thay bằng trồng ngô lấy hạt hay không? Và ai sẽ là người đứng ra kết nối, tìm kiếm thị trường giúp cho người nông dân. Bên cạnh đó, trước khi trồng một loại cây trồng nào, các địa phương cũng cần tính toán và sản xuất theo tín hiệu thị trường.
Thanh Phúc