Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương đã lên kế hoạch, phương án đáp ứng đầy đủ nguồn cung hàng hóa, bình ổn thị trường. "Chỉ cần tâm lý người dân không hoảng loạn, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ, kể cả trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp” - ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương khẳng định.
Theo đó, Sở Công Thương ban hành Kế hoạch số 2592/KH-SCT, ngày 17/11/2021 đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa, vật tư, nguyên nhiên liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng hàng hóa thiết yếu; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng, đảm bảo cung ứng kịp thời các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng có nhu cầu cao phục vụ nhu cầu của nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm khôi phục sản xuất, kinh doanh (SXKD), phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội để "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid- 19”.
Cùng với đó, phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp trong SXKD, chủ động nguồn hàng, tăng cường dự trữ đảm bảo số lượng, chất lượng hàng hóa, tổ chức cung ứng kịp thời hàng hóa nhu yếu phẩm với giá cả hợp lý tại các điểm bán hàng, các điểm cách ly phòng dịch phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngành công thương cũng sẽ kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo 4 tình huống phòng, chống dịch trên địa bàn.
Tính đến tháng 11/2021, toàn tỉnh có 96 chợ truyền thống, 1 trung tâm thương mại, 2 siêu thị, 12 cửa hàng Vinmart+, 150 cửa hàng tiện lợi, tiện ích đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Cụ thể, đối với mặt hàng lương thực trên địa bàn thành phố Yên Bái, nguồn dự trữ và lưu thông lương thực tăng khoảng 1,5 - 2 lần.
Đối với nguồn cung cấp gạo ra thị trường nội tỉnh hiện nay có Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái là chủ đạo nguồn kinh doanh lưu thông thường xuyên và luôn duy trì 300 tấn. Công ty cũng có thể huy động gạo từ kho gạo của hệ thống Tổng Công ty Lương lực Miền Bắc thêm khoảng 200 tấn để bổ sung nguồn cung cho tỉnh khi thực hiện điều tiết cung cầu đảm bảo chống dịch.
Ngoài ra, thông qua hệ thống đại lý bán lẻ, sẽ cung cấp cho thị trường khoảng 95 tấn. Các chủ đại lý gạo cho biết, hiện trong kho của họ luôn có vài chục tấn mà phía cung cấp cũng bảo đảm khi cần sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời.
Bà Trần Thị Bình - chủ cơ sở kinh doanh gạo ở phường Đồng Tâm, thành phố Yên Bái cho biết: "Trong kho của gia đình ở xã Minh Bảo lúc nào cũng có từ 40 - 45 tấn gạo và hiện nay giá vẫn bình ổn. Cụ thể, gạo Chiêm hương 15.000 đồng/kg, tẻ Nhật 14.500 đồng/kg, BC15 13.000 đồng/kg, Séng cù 21.000 đồng/kg, nếp Điện Biên 30.000 đồng/kg”.
Đối với các huyện, thị xã, Sở Công Thương đã vận động và giao cho một số cơ sở chủ đạo dự trữ lưu thông trên 360 tấn gạo. Tổng lượng gạo dự trữ và lưu thông thường xuyên tại thời điểm hiện tại trên 760 tấn, ước giá trị 11,4 tỷ đồng.
Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hiện tại, thị trường đang đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ của người dân với khoảng 3.300 tấn/tháng. Khi nhu cầu cục bộ ở một số địa bàn tăng quá cao, có thể điều tiết trong tỉnh và khai thác thêm khoảng 700 tấn từ các tỉnh, thành không có dịch và thông qua các siêu thị, hệ thống bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Mặt hàng rau xanh hiện tại có thể đáp ứng từ nguồn cung tại các xã: Tuy Lộc, Văn Phú, Âu Lâu, Giới Phiên ở thành phố Yên Bái với sản lượng gần 7.000 tấn/tháng...
Khi cần thiết, sản lượng tại chỗ chưa đáp ứng kịp sẽ khai thác khoảng 900 - 1.000 tấn từ các huyện: Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Nhóm hàng công nghệ phẩm tiêu dùng, hiện nay, đã có sẵn tại các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh có thể đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng bình thường của người dân.
Các sản phẩm này hoàn toàn nhập từ các cơ sở chế biến, các nhà phân phối lớn trong nước, khi lưu thông hàng hóa không bị ảnh hưởng, khả năng đáp ứng tốt kể cả khi nhu cầu tăng đột biến. Sở Công Thương đã vận động và giao cho một số đơn vị cung ứng nguồn hàng cho địa bàn các huyện, thị xã, thành phố; trong đó, tập trung chủ đạo tại thành phố Yên Bái với giá trị 51,8 tỷ đồng.
Bà Phạm Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Hằng Hiển cho biết: "Theo văn bản chỉ đạo của Sở Công Thương, doanh nghiệp sẽ bảo đảm cung cấp mì tôm gói, phở gói, sữa tươi, nước uống đóng chai, mì chính, nước mắm, ước giá trị 7 tỷ đồng”.
Đặc biệt, đối với mặt hàng khẩu trang, nước sát trùng, hiện trên địa bàn tỉnh có 495 cơ sở bán buôn và bán lẻ đảm bảo phục vụ đủ nhu cầu của người dân. Khi cần thiết, nhu cầu tăng cao đột biến, các cơ sở thực hiện đặt hàng từ các doanh nghiệp cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn, vải thường tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết thêm: "Hiện tại, nguồn cung hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm trên thị trường toàn tỉnh vẫn dồi dào, giá cả ổn định. Tuy nhiên, dự báo khi có dịch, nhu cầu dự trữ trong dân sẽ tăng tùy cấp độ ảnh hưởng, lượng tiêu dùng và giá một số mặt hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ tăng, nhiều khả năng gây nên tình trạng khan hàng, tăng giá, Sở Công Thương đã xây dựng kịch bản kịp thời hỗ trợ đảm bảo nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm thiết yếu theo 4 tình huống phòng chống dịch trên địa bàn”.
Cùng đó, ngoài việc chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ”, các địa phương cần tăng cường thông tin, truyền thông về khả năng cung ứng hàng hóa để người dân yên tâm, không tích trữ và hạn chế tập trung đến các hệ thống phân phối tránh lây nhiễm dịch bệnh. Các doanh nghiệp tổ chức thực hiện theo phương án đã được phê duyệt, cam kết đảm bảo lưu thông, cung ứng hàng hóa thiết yếu, trong tình hình dịch theo cấp độ được UBND tỉnh công bố và tình hình thực tế của các huyện, thị xã, thành phố để áp dụng các phương án cụ thể.
Hồng Duyên