Thay đổi phương thức bán hàng
Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều tiềm năng, thế mạnh phát triển sản xuất nông lâm nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, đến nay, tỉnh đã xây dựng được các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; trong đó, phải kể đến vùng chè gần 8.000 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 74.000 tấn/năm; vùng quế 78.000 ha, sản lượng tinh dầu quế mỗi năm trên 600 tấn; vùng cây ăn quả trên 7.000 ha với các sản phẩm nổi tiếng như: cam Đường canh, quýt sen, bưởi Đại Minh; vùng sắn 8.700 ha, sản lượng hàng năm đạt 300.000 tấn, sản lượng tinh bột sắn đạt 28.000 tấn/năm; tre măng Bát độ gần 5.000 ha, sản lượng măng khô 25.500 tấn/năm; măng muối 310.000 tấn/năm; vùng trồng cây sơn tra khoảng 6.000 ha, sản lượng 3.000 tấn quả/năm.
Đặc biệt, Yên Bái được xếp vào tốp đầu các tỉnh miền núi phía Bắc có lợi thế về phát triển kinh tế lâm nghiệp và đứng thứ 4 toàn quốc về sản lượng khai thác. Yên Bái cũng đã xây dựng được 10 loại sản phẩm chủ lực; trong đó, có 5 sản phẩm liên quan đến xuất khẩu bao gồm: chè, tinh bột sắn; sản phẩm từ quế, gỗ rừng trồng và măng tre Bát độ.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 tác động lớn đến những hoạt động mua bán, kinh doanh, phân phối, xuất khẩu các MHNS. Trong "cái khó ló cái khôn", cùng với kênh phân phối truyền thống, các DN, hợp tác xã (HTX) đã từng bước chuyển sang kênh bán hàng trực tuyến và hướng đến đưa nông sản lên sàn TMĐT.
HTX Nông nghiệp Minh Bảo, xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái có 3 sản phẩm chủ lực gồm: chè Minh Bảo, mộc nhĩ và mật ong đa hoa tự nhiên; trong đó, có 2 sản phẩm đã được cấp chứng nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh. Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 khiến giá thành vận chuyển tăng cao, mức tiêu thụ sản phẩm giảm đáng kể.
Ông Bùi Việt Tiến - Giám đốc HTX cho biết: "Bên cạnh các kênh bán hàng truyền thống, HTX đã đẩy mạnh bán hàng online thông qua các kênh Zalo, Facebook, các Fanpage và tiến tới mở cửa hàng thành phố Yên Bái để quảng bá, giới thiệu sản phẩm của HTX. Đồng thời, trong thời gian tới, HTX đưa các sản phẩm lên trang Voso.com và các sàn TMĐT khác”.
Bà Đồng Thị Hiền - Giám đốc HTX Sản xuất chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh cho biết: "Hiện, các sản phẩm của đơn vị đã có mặt trên các sàn TMĐT như:
Voso.com,
Lazada, sendo, shopee… Việc tham gia giao dịch trên các sàn TMĐT không chỉ giải bài toán tiêu thụ trước mắt trong mùa dịch Covid-19 mà còn giúp chúng tôi hướng tới chủ động sử dụng công nghệ, từng bước chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh nông sản bền vững”.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tham quan các sản phẩm OCOP của tỉnh.
So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến, đặc biệt thông qua các sàn TMĐT mở thêm cơ hội mới giúp nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng khắp cả nước, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thương lái và ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, TMĐT vẫn là sân chơi khá mới lạ bởi nông dân làm việc cho các đơn vị sản xuất nhỏ, các HTX hầu như không có kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin, về kinh doanh online, kinh doanh TMĐT.
Giúp nông dân tiếp cận thương mại điện tử
Với quyết tâm hỗ trợ DN, người sản xuất tiêu thụ nông sản, thúc đẩy chuyển đổi số, thời gian qua, các ngành chức năng của tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đưa các MHNS lên các sàn TMĐT.
Ông Trịnh Văn Thành - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: "Hiện, sàn TMĐT Yên Bái đã tư vấn, hỗ trợ cho 100 lượt DN tham gia đăng ký thành viên, mở tài khoản. Để tiếp tục hỗ trợ đưa các DN lên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, do dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, ngành công thương đã và đang triển khai các hoạt động hỗ trợ đưa các sản phẩm có thế mạnh của tỉnh lên các sàn TMĐT trong nước và quốc tế như: Alibaba.com, Lazada.com; shopee.com và thông qua hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ đăng tải trên các trang thông tin của hệ thống thương vụ và tham tán tại nước ngoài tìm kiếm đối tác nước ngoài quan tâm sản phẩm Yên Bái”.
Đồng thời, để giúp các địa phương, nông dân, nhà sản xuất tiếp cận TMĐT, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng và đại diện các sàn TMĐT đã đưa 87 sản phẩm nông sản; trong đó, có 70 sản phẩm OCOP, 17 sản phẩm tiềm năng lên sàn TMĐT
Voso.com; phối hợp với Bưu điện tỉnh Yên Bái đưa khoảng 44 sản phẩm nông sản Yên Bái lên sàn TMĐT
Postmart.vn; tổ chức cho 24 DN, HTX sản xuất, kinh doanh nông sản của tỉnh tham dự hội thảo trực tuyến tập huấn cách thức tiêu thụ nông sản qua sàn TMĐT Lazada.
Mới đây, Sở này cũng phối hợp với Sở Công Thương và Chi nhánh Bưu chính Viettel Yên Bái (Viettel Post Yên Bái) đã ký kết hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn lên sàn TMĐT
Voso.vn. Tại lễ ký kết, đã cung cấp danh sách 94 DN, HTX với 155 sản phẩm nông sản của tỉnh Yên Bái để hỗ trợ kết nối đưa sản phẩm lên sàn TMĐT
Voso.vn.
Bà Phùng Thị Tuyền - Giám đốc HTX Việt Hải Đăng, xã Quy Mông, huyện Trấn Yên cho biết: " Sản phẩm chủ lực của HTX là miến đao Quy Mông đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Trung bình mỗi năm xuất ra thị trường 7 tấn miến đao; tuy nhiên, do dịch Covid-19, từ đầu năm tới nay, chúng tôi mới bán được 3 tấn. Với sự giúp đỡ của các ngành, tiến tới chúng tôi đưa sản phẩm lên sàn Voso.com và các kênh TMĐT khác. Với kênh bán hàng này, chúng tôi kỳ vọng tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình, tiếp cận với các kênh phân phối lớn”.
Để việc tham gia các sàn TMĐT mang lại hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng và đại diện các sàn TMĐT trực tiếp hướng dẫn các hộ sản xuất những quy định về hàng hóa theo cam kết, bảo đảm nông sản an toàn chất lượng khi đến tay người tiêu dùng.
Ông Lê Huy Hoàng - Giám đốc Viettel Post Yên Bái cho biết: "Chúng tôi cam kết đồng hành cùng nông dân, nhà sản xuất phát triển thương hiệu, nâng cao tính minh bạch về nguồn gốc sản phẩm. Trước mắt, sẽ tiến hành xây dựng, hướng dẫn cụ thể cho các địa phương trong tỉnh, các chủ thể OCOP và DN có sản phẩm nông sản an toàn tham gia bán trên sàn voso.vn. Đồng thời, sàn TMĐT
Voso.vn sẽ tổ chức các hoạt động quảng bá sản phẩm trên các kênh online và offline định kỳ…”.
Với việc hỗ trợ các địa phương, DN, hộ sản xuất, kinh doanh tiếp cận kênh bán hàng TMĐT sẽ không chỉ giúp giải tỏa ách tắc trong tiêu thụ nông sản mùa dịch, mà được kỳ vọng sẽ trở thành kênh chiến lược để phát triển thị trường nông sản góp phần đưa nông sản an toàn và tiềm năng của Yên Bái vươn xa ra thị trường thế giới.
Văn Thông