Quyết liệt phòng, chống đói, rét cho gia súc
Dự báo, tình hình thời tiết rét đậm, rét hại đã và đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh thuộc khu vực vừa nêu chỉ đạo quyết liệt việc phòng, chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là đàn trâu, bò.
Các địa phương thực hiện nghiêm túc công văn của Bộ NN-PTNT về việc chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi. Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở NN-PTNT và các sở, ban ngành, đoàn thể liên quan triển khai tích cực các biện pháp trong phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Cử ngay các đoàn công tác đến các huyện, xã kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc bằng các nguồn lực và nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương.
Các địa phương thường xuyên cập nhật diễn biến thời tiết khí hậu trên các phương tiện thông tin đại chúng để người chăn nuôi biết, không chủ quan, bị động trong việc phòng, chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, đảm bảo cung cấp thức ăn tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không chăn thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 12 độ C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi…) sưởi ấm cho gia súc. Người chăn nuôi vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra. Khi phát hiện gia súc bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời.
Các địa phương chuẩn bị tốt nhân lực, vật tư, vaccine cho đợt tiêm phòng gia súc trong vụ Đông Xuân. Đồng thời, chủ động ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ các hộ chăn nuôi về thức ăn tinh, vật liệu che chắn chuồng trại chống gió lạnh, nhất là đối với hộ nghèo, hộ chính sách.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nhiệt độ đang xuống thấp. Để hạn chế những thiệt hại trong chăn nuôi, người dân vùng lòng chảo Điện Biên đã chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi của mình.
Từ kinh nghiệm chăn nuôi của mình, ông Nguyễn Văn Lai, người dân thôn 11, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết: khi trời rét đậm, rét hại, quan trọng nhất vẫn là chuồng trại. Bởi vậy, gia đình ông đã xây chuồng cho đàn trâu, bò của gia đình đảm bảo rộng rãi, khô ráo và kín gió để giữ ấm cho gia súc. Bên cạnh đó, gia đình cũng chủ động chuẩn bị rơm, rạ từ trước để đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc trong những ngày giá rét.
"Chuồng trại thì che đậy cho kín; rét quá thì đốt lửa sưởi cho nó, chăn nuôi thì không thả ra đồng nữa, cho ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, lấy cám, nước muối cho ăn thêm"- ông Lai nói.
Ông Nguyễn Văn Giới, cùng thôn 11, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cũng chia sẻ: Trời đã rét còn kèm theo mưa, nên gia đình chỉ nuôi nhốt trâu bò trong chuồng, không chăn thả ra ngoài đồng. Thời điểm rét đậm, gia đình cũng đã căng bạt che chắn gió lùa và dọn vệ sinh chuồng trại khô ráo, sạch sẽ, nhằm đảm bảo cho gia súc được an toàn.
"Rơm tôi chuẩn bị từ trước, để trâu lúc nào cũng được ăn no, uống nước đầy đủ giữ được kháng thể ổn định, đỡ rét"- ông Giới nói.
Toàn xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên hiện có hơn 1.000 con gia súc, chủ yếu là trâu và bò. Ngay từ đầu mùa đông, UBND xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn và trưởng các thôn, bản tuyên truyền để người dân biết cách ứng phó với rét đậm, rét hại, nhằm đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi.
Ông Phạm Minh Tiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên cho biết: Qua kiểm tra, nhận thấy bà con cũng đã ý thức rất rõ trách nhiệm bảo vệ tài sản của mình và luôn chủ động các biện pháp phòng, chống rét cho gia súc vào thời điểm xảy ra rét đậm, rét hại. Nhờ đó, những năm gần đây, trong xã không có gia súc bị chết rét.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục đi kiểm tra, căn cứ vào công văn số 28 của UBND xã chỉ đạo các cán bộ chuyên môn phải thường xuyên xuống các thôn bản đôn đốc kiểm tra các điều kiện để phòng chống đói rét cho đàn gia súc, gia cầm".
Toàn tỉnh Điện Biên hiện có hơn 210.000 con trâu, bò. Trước dự báo đợt không khí lạnh sẽ còn kéo dài với nền nhiệt xuống rất thấp, có nơi dưới 4 độ C, người dân và chính quyền địa phương đang tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi, nhằm giảm thiểu các thiệt hại có thể xảy ra.
Hơn 1000 con gia súc bị chết do giá rét ở vùng núi phía Bắc
Rét đậm, rét hại kèm băng giá những ngày qua tại khu vực Bắc Bộ, đặc biệt là tại vùng núi Phía Bắc đã khiến hàng trăm con trâu, bò bị chết.
Tính đến 19h00 ngày 21/2, tại 10 tỉnh, thành khu vực Bắc Bộ đã ghi nhận hơn 1.000 con gia súc bị chết, trong đó bao gồm 881 con trâu bò và 129 con dê và gia súc khác. Cụ thể ở Lào Cai có 47 con, Điện Biên - 44, Lạng Sơn - 145, Cao Bằng - 97, Sơn La - 393, Yên Bái - 16, Bắc Kạn - 58, Tuyên Quang - 09, Hòa Bình - 171, Quảng Ninh - 29.
Trước tình hình rét đậm, rét hại còn kéo dài trong nhiều ngày tới, các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng, chống thiệt hại tới người dân. Đến nay đã có 31/31 tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của không khí lạnh đã ban hành văn bản chỉ đạo ứng phó; các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa đã thành lập các đoàn công tác tới kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện phòng, chống rét kịp thời, hiệu quả.
(Theo VOV)