Thượng Bằng La xây dựng sản phẩm OCOP măng tre Điền trúc

  • Cập nhật: Thứ hai, 24/10/2022 | 8:04:05 AM

YênBái - Đồng chí Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn cho biết: "Tre măng Điền trúc được trồng tại địa phương từ năm 2008. Đến nay, cây tre măng Điền trúc đang là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế tại địa phương..."

Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La Hoàng Đình Mưu (thứ 2 bên trái sang) hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế măng tươi.
Chủ tịch UBND xã Thượng Bằng La Hoàng Đình Mưu (thứ 2 bên trái sang) hướng dẫn người dân kỹ thuật sơ chế măng tươi.

"Hiện, xã có kế hoạch và đưa vào nghị quyết xây dựng sản phẩm măng tre Điền trúc trở thành sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh trong năm 2023. Thời gian tới, ngoài sự hỗ trợ của huyện về cây giống, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tiếp tục phát triển tăng diện tích trồng tre măng Điền trúc hàng năm đạt từ 50 - 100 ha”, Chủ tịch UBND xã Hoàng Đình Mưu  cho biết thêm.

Tre măng Điền trúc thích hợp với nhiều loại địa hình, thổ nhưỡng, dễ trồng, song phải chăm sóc tốt thì tre mới phát triển, đẻ nhiều măng. Tre Điền trúc sau một năm trồng đã có măng và từ năm thứ hai trở đi sẽ cho măng nhiều hơn. Măng sau khi mọc khoảng 5 - 7 ngày là có thể thu hoạch và thời gian thu hoạch tập trung từ tháng 6 đến tháng 9. 

Ngoài những lợi ích về kinh tế, tre măng Điền trúc thường được trồng ở nơi đất dốc có thể bảo vệ đất, chống xói mòn, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc hiệu quả. Vùng tre măng Điền trúc ở Thượng Bằng La hiện có khoảng trên 1.000 ha, tập trung trồng nhiều tại các thôn: Dạ, Noong Tài, Thiên Bữu, Vằm, Bản Hán, Văn Tiên, Thắm, Bắc. 

Nhiều diện tích đã cho thu nhập đạt trên 50 triệu đồng/ha/năm. Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP măng Điền trúc mở ra cơ hội đưa đặc sản vùng cao vươn ra thị trường, giúp đồng bào đa dạng sinh kế, giảm nghèo từ trồng rừng. 

Để thực hiện mục tiêu xây dựng sản phẩm OCOP măng Điền trúc, xã tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp: định hướng, tư vấn, nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý, giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm. 

Hiện, xã đã thành lập 2 hợp tác xã (HTX), 11 tổ hợp tác trồng, chế biến măng Điền trúc do các tổ chức, hội, đoàn thể quản lý. Tổ sản xuất măng tre Điền trúc của các cựu chiến binh ở thôn Dạ thành lập từ năm 2011 gồm 14 hội viên hiện đang duy trì hoạt động ngày càng hiệu quả. 

Ông Hoàng Hữu Hương - Tổ trưởng Tổ sản xuất măng Điền trúc thôn Dạ chia sẻ: "Gia đình tôi tham gia trồng tre măng Điền trúc từ năm 2008. Xác định trồng một lần thu hoạch lâu dài nên tôi quyết tâm khó mấy cũng làm. Từ năm 2011, tôi vận động thêm 14 hộ hội viên cựu chiến binh thành lập 1 tổ hợp tác và tổ đang quản lý 30 ha; đồng thời, tạo việc làm có thu nhập ổn định cho 14 lao động. Hàng năm, từ tre măng Điền trúc, gia đình tôi có thu nhập đạt trên 100 triệu đồng”. 

Vừa mới thành lập hồi tháng 8/2022, HTX Chế biến nông sản bản địa xã Thượng Bằng La đứng ra thu mua măng tươi của người dân địa phương. Chị Sa Thị Yến - Giám đốc HTX cho biết: do thành lập cuối vụ, năm nay, HTX mới ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm sau khi sơ chế với HTX Chế biến nông sản tại xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Số lượng măng năm nay thu mua được ít (khoảng trên 30 tấn) sau khi sơ chế được bán với giá là 7.000 đồng/kg. 

Thời gian tới, HTX sẽ đầu tư thêm một số các trang thiết bị như: nồi luộc bằng điện, máy sấy măng, máy đóng gói, máy hút chân không, xây dựng bao bì, nhãn mác, đăng ký chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và các thủ tục liên quan để xây dựng sản phẩm OCOP tạo nhiều sản phẩm từ măng tre Điền trúc. Đồng thời, sẽ ký kết trực tiếp với các hộ có trồng tre măng Điền trúc nhằm đảm bảo nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất. 

Hiện, măng tre Điền trúc ở Thượng Bằng La mới chỉ bán tươi hay sơ chế nhẹ, đầu ra chưa ổn định. Việc thu mua măng Điền trúc với số lượng lớn, sấy khô tạo sản phẩm hàng hóa và hướng tới trở thành thương hiệu sản phẩm OCOP sẽ giúp đa dạng sản phẩm từ măng tre Điền trúc, góp phần đưa nông sản vùng cao vươn ra thị trường thông qua các kênh tiêu thụ hiện đại và truyền thống. Được biết, cơ hội mở rộng diện tích trồng tre măng Điền trúc ở Thượng Bằng La còn rất lớn và người dân đang dần tập trung thâm canh theo tiêu chuẩn kỹ thuật. 
Vũ Đồng

Tags Thượng Bằng La sản phẩm OCOP măng tre Điền trúc xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm

Các tin khác
Mô hình phát triển nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà mang lại thu nhập ổn định cho người dân.

Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2021- 2024, huyện Yên Bình đã được giao vốn đầu tư thực hiện đạt trên 304,2 tỷ đồng.

Đấu thầu vàng miếng nhằm tăng nguồn cung vàng ra thị trường. (Ảnh minh họa)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng ngay trong chiều nay (19/4) và sẽ tiến hành đấu thầu luôn trong thứ Hai tuần tới (22/4).

Nhân dân bản Hua Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải phát triển chăn nuôi lợn theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh.

Là huyện vùng cao, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Với lợi thế về nhân lực, phụ phẩm nông nghiệp, điều kiện tự nhiên có nhiều diện tích đất rừng thích hợp cho chăn thả gia súc nên chăn nuôi gia súc từ lâu đã trở thành thế mạnh của người dân huyện Mù Cang Chải.

Cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn người dân kỹ thuật trồng rừng.

Năm 2024, toàn huyện Văn Chấn phấn đấu trồng rừng mới 3.100ha, đến nay đã trồng đạt 2.370,2 ha, bằng 74,6% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục