Trong thâm canh cây lúa, người dân đã đưa các giống lúa mới có năng suất cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, xã đặc biệt khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi theo hướng hàng hóa và trồng cây ăn quả có múi.
Đồng chí Hoàng Đình Mưu - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong phát triển kinh tế, Đảng bộ xã xác định tiếp tục cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình; vận động nhân dân tích cực sản xuất vụ 3 trên đất 2 vụ lúa từ 60 ha trở lên. Tập trung trồng cải tạo, thâm canh chè theo hướng phát triển vùng chè sạch, chất lượng cao. Tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Sản lượng lúa cả năm của xã đạt 2.484 tấn; chè đạt 957 tấn chè búp tươi”.
Cùng với lúa và chè, cây ăn quả cũng đang là thế mạnh của Thượng Bằng La. Mấy năm gần đây, tuy 1 số diện tích trồng cam bị thoái hóa, già cỗi, sâu, bệnh nên diện tích có giảm nhưng người trồng cam vẫn tiếp tục cải tạo và đưa các giống cây ăn quả có chất lượng tốt, năng suất cao, giá trị kinh tế vào trồng; đồng thời, thành lập các tổ hợp tác và hợp tác xã cây ăn quả.
Nhờ vậy, đến nay, toàn xã có 550 ha cây ăn quả; trong đó, có 180 ha cam quýt đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt gần 1.500 tấn. Bên cạnh đó, xã còn khuyến khích người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng cho năng suất thấp sang trồng rừng kinh tế; trong đó, tập trung phát triển cây lâm nghiệp mà chủ yếu là cây tre điền trúc tại các thôn: Dạ, Đá Đỏ, Văn Tiên và Thiên Bữu.
Ông Hoàng Xuân Bách ở thôn Thiên Bữu cho biết: "Gia đình tôi trồng tre điền trúc gần 10 năm nay. Đây là loại cây dễ trồng, dễ chăm sóc, dễ bán, lợi nhuận cao. Với gần 5 ha, gia đình tôi thu gần 400 triệu đồng/năm”. Trong chăn nuôi, xã chỉ đạo người dân tập trung phát triển chăn nuôi bán công nghiệp, nuôi trâu, bò, nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, toàn xã hiện có trên 1.500 con trâu, bò; đàn lợn có 5.600 con, gia cầm với 19.000 con.
Cùng với việc phát huy các thế mạnh của địa phương, xã Thượng Bằng La còn vận dụng linh hoạt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi phát triển các thành phần kinh tế, trong đó tạo điều kiện thu hút các nguồn lực, các nhà đầu tư vào kinh doanh trên lĩnh vực chế biến gỗ, chè, vật liệu xây dựng. Tiêu biểu là trang trại nuôi thỏ rộng 30 ha của Công ty Nippon Zoki Việt Nam, giải quyết việc làm cho trên 200 người lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng.
Nhờ tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đến nay, toàn xã có 550/2.000 hộ có mô hình phát triển kinh tế, chủ yếu là trồng cam, nuôi gà, lợn, trồng rừng..., thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên; thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 45 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 7,47%. Đó là tiền đề vững chắc để Thượng Bằng La tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.
Văn Tuấn