Yên Bái bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng

  • Cập nhật: Thứ hai, 7/11/2022 | 3:10:07 PM

YênBái - Qua 10 tháng đầu năm, các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh (SXKD) và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng khác theo chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN), người dân phục hồi, phát triển SXKD sau ảnh hưởng của dịch Covid -19.

Người dân và doanh nghiệp đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái giao dịch tín dụng.
Người dân và doanh nghiệp đến Ngân hàng Agribank Chi nhánh tỉnh Yên Bái giao dịch tín dụng.

Đến cuối tháng 10, tín dụng tăng 16,3% so với đầu năm và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đánh giá của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái, từ đầu năm đến nay, các TCTD luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. 

Nguồn vốn huy động và dư nợ cho vay tiếp tục tăng trưởng, góp phần hỗ trợ cho quá trình phục hồi và tăng trưởng các ngành kinh tế của địa phương. Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân, DN với lãi suất hợp lý, đảm bảo an toàn vốn vay và tuân thủ quy định pháp luật, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế của tỉnh; không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. 

Các TCTD tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản; trong đó, có việc cấp tín dụng cho khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất; tiến hành rà soát các khoản cho vay khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo danh sách tổ chức, cá nhân trúng đấu giá trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh cung cấp; giám sát, kiểm tra, đảm bảo khách hàng sử dụng vốn đúng mục đích. 

Số liệu của NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho thấy, đến cuối tháng 10, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD ước đạt 39.700 tỷ đồng, tăng 16,3% so với 31/12/2021 và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, nguồn vốn huy động tại địa phương đạt 25.500 tỷ đồng, tăng 10,48% so với 31/12/2021, chiếm tỷ trọng 64,23% trên tổng nguồn vốn, chủ yếu tăng mạnh ở tiền gửi thanh toán (tăng 14,14%).

Các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân luôn đáp ứng tốt được nhu cầu vay vốn của các khách hàng. Tổng dư nợ cho vay trên toàn địa bàn đạt 35.550 tỷ đồng, tăng 17,12% so với 31/12/2021 và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: Dư nợ cho vay ngắn hạn đạt 17.000 tỷ đồng, tăng 30,4% so với 31/12/2021, chiếm 47,8% tổng dư nợ; Dư nợ cho vay trung và dài hạn đạt 18.550 tỷ đồng, chiếm 52,2% tổng dư nợ; cho vay bằng VND chiếm 99,3% tổng dư nợ. 

Các chi nhánh ngân hàng tiếp tục thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, triển khai các chính sách của Nhà nước và NHNN Việt Nam để hỗ trợ khách hàng với tổng giá trị nợ được cơ cấu lại tại thời hạn trả nợ và miễn giảm lãi vay là 1.250 tỷ đồng với 631 khách hàng và doanh số cho vay mới là 19.579 tỷ đồng.

Trao đổi với lãnh đạo NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái được biết trong tháng 10/2022, các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân tiếp tục tập trung nguồn vốn tín dụng để cho vay phục vụ SXKD, các DN nhỏ và vừa, cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn; đáp ứng tốt nhu cầu vốn vay cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách xã hội, góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP của Chính phủ ước đến 31/10 đạt 18.200 tỷ đồng, chiếm 51,1% tổng dư nợ; dư nợ cho vay lĩnh vực xuất khẩu đến ước đạt 1.125 tỷ đồng, chiếm 3,2% tổng dư nợ, tăng 3,4% so với 31/12/2021; dư nợ cho vay hỗ trợ DN nhỏ và vừa ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 10,1% so với 31/12/2021. 

Dư nợ cho vay thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới duy trì và tăng trưởng đến 30/9 là 11.526 tỷ đồng, tăng 26,3% so với 31/12/2021. Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho vay đối với 16 chương trình tín dụng chính sách tập trung giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách xã hội, ước đến 31/10/2022 dư nợ đạt 4.030 tỷ đồng, tăng 12,1% so với 31/12/2021.

 Trong 2 tháng cuối năm, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng tín dụng, NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục chỉ đạo các TCTD chủ động cân đối nguồn vốn, hướng vốn tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ và hỗ trợ thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. 

Phát triển đa dạng các sản phẩm tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn hợp pháp của người dân, DN, góp phần hạn chế tín dụng đen. 

Thực hiện nghiêm, hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thông tư số 03/2022/TT-NHNN và Chỉ thị số 03/CT-NHNN. Trường hợp từ chối hỗ trợ phải có văn bản thông báo cho khách hàng; đồng thời giải thích để khách hàng hiểu, thông suốt, tránh gây bức xúc, tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng tới hiệu quả của chính sách. 

Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ nhằm hạn chế tình trạng "đô-la hóa” trong nền kinh tế. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng trên cơ sở rà soát, đơn giản hóa và rút ngắn quy trình, thủ tục…
Quang Thiều

Tags tăng trưởng tín dụng sản xuất kinh doanh dư nợ

Các tin khác
Khách hàng giao dịch vàng tại thị trường Hà Nội.

Cùng chiều với thế giới, giá vàng SJC phiên sáng 7/11 giảm cao nhất tới 200.000 đồng mỗi lượng kéo giá bán ra tại các doanh nghiệp xuống quanh ngưỡng 67,4 triệu đồng/lượng.

Ảnh minh họa

Bộ Công Thương đề nghị các Bộ và UBND các tỉnh, thành phố tăng cường biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu.

Cuộc đua lãi suất thời gian qua liên tục nóng, nhất là sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)

Sau 2 đợt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất huy động cao nhất ở một số ngân hàng có thời điểm lên 10 - 11%/năm nhưng hiện mức lãi suất này đã không còn được niêm yết.

Gia đình ông Lương Văn Minh ở thôn Tân Bình, xã Tân Hương hiện có 3.000 m2 ruộng nuôi ốc nhồi, hàng năm thu về trên 150 triệu đồng.

Thời gian gần đây, người dân ở các xã Cảm Ân, Phú Thịnh, Tân Hương..., huyện Yên Bình đã mạnh dạn chuyển đổi các diện tích trồng lúa, nuôi cá kém hiệu quả sang nuôi ốc nhồi. Đây là hướng đi thích hợp để nông dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục