Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023

  • Cập nhật: Thứ hai, 13/3/2023 | 2:48:39 PM

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện số 123/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Công điện nêu rõ: Ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 69/2022/QH15 ngày 11/11/2022 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch đầu tư công năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, địa phương từ đầu tháng 12/2022 để triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 30 bộ, cơ quan trung ương và 55 địa phương chưa phân bổ chi tiết hết kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 (thông tin cập nhật trên Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công) làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án.

Để bảo đảm việc phân bổ vốn kịp thời nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ những tháng đầu năm, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị và Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2023 đã được giao theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, tuân thủ các nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định của Luật Đầu tư công, các Nghị quyết của Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định pháp luật có liên quan.

Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đầu tư các dự án khởi công mới sử dụng vốn đầu tư năm 2023 để sớm hoàn thành việc giao kế hoạch vốn; việc bố trí kế hoạch vốn cho các nhiệm vụ, dự án phải bảo đảm phù hợp với khả năng thực hiện và giải ngân. Thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn linh hoạt, kịp thời giữa các dự án, từ dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn và khả năng giải ngân cao theo quy định; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính chủ động thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, kịp thời kiến nghị phương án xử lý đối với số vốn chậm phân bổ theo quy định nhằm thúc đẩy giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các đơn vị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm các nhiệm vụ tại Công điện này và chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp tiếp tục chậm trễ trong phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 theo đúng quy định.
(Theo NDO)

Các tin khác
Ngành sản xuất có dấu hiệu phục hồi (ảnh minh họa).

Ngành sản xuất Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng là nhận định tóm gọn khi nói về Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 2 vừa được công bố. Nhiều tờ báo quốc tế cũng nhắc tới Việt Nam như điểm sáng khi hoạt động sản xuất, xuất khẩu có nhiều dấu hiệu cải thiện.

Thiết kế cầu Thượng Cát do đơn vị tư vấn thực hiện. Nguồn: Ban quản lý dự án công trình giao thông.

Cầu Thượng Cát qua sông Hồng sắp được Hà Nội xây dựng với chiều dài 820 m, rộng 33 m, thiết kế 8 làn xe, nối quận Bắc Từ Liêm với huyện Đông Anh.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Toàn An, xã Đông An.

Thực hiện Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 và Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND ngày 30/3/2022 của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa đặc sản hữu cơ, trong năm 2021 và 2022, huyện Văn Yên đã triển khai hỗ trợ cho hàng trăm cơ sở phát triển chăn nuôi gia súc như: trâu, bò, lợn và dê với số tiền hàng chục tỷ đồng. Nhờ vậy, nhiều hộ đã phát triển chăn nuôi khá hiệu quả, tạo việc làm và đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Đoàn công tác huyện Yên Bình kiểm tra công trình thủy lợi tại xã Cảm Nhân.

Trên những cánh đồng ở các thôn Làng Hùng, Làng Dự, Ngòi Quán, Phạ 1, Phạ 2, xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình, người dân đang tập trung dẫn nước, làm đất, bón phân đúng lịch thời vụ. Các thửa ruộng gần khu vực cấp nước của địa phương sẽ đảm nhận nhiệm vụ điều tiết cho ruộng phía dưới. Nước đủ để dưỡng, người dân sẽ tiến hành bón thúc cho cây lúa. Chẳng mấy chốc, gần 300 ha lúa ở Cảm Nhân sẽ "no" nước, đủ phân, cây lúa có điều kiện tốt để sinh trưởng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục