Mùa thu hái chè bắt đầu từ tháng 3. Như mọi năm, đến thời điểm này chè đã cho lứa búp thứ 4. Nhưng năm nay, mặc dù đã giữa tháng 6 nông dân Văn Chấn mới thu hái được 2 lứa, có nơi mới chỉ thu hái 1 lứa.
Từ đầu tháng 6 đã có một vài đợt mưa nhưng lượng mưa quá nhỏ, rải rác không đều nên chưa thể giải quyết được tình trạng hạn hán cho vùng chè. Nếu nắng nóng tiếp tục kéo dài, không mưa thì chè bị chết cháy có thể xảy ra, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chè của huyện.
Ông Hà Xuân Cửu, thôn Đồng Sặt, xã Đồng Khê cho biết: "
Cây chè đã gắn bó với gia đình tôi hơn 20 năm. Nhờ chăm bón đúng quy trình nên năng suất chè hàng năm đạt khá cao, thu hái bình quân mỗi năm được từ 10 - 12 tấn chè búp tươi và nếu thời tiết thuận lợi thì sản lượng còn cao hơn nhiều. Cùng thời điểm này của năm ngoái, tôi đã hái xong lứa thứ 4 nhưng giờ mới được 2 lứa, sản lượng chưa đầy 2 tấn”.
Xã Đồng Khê có 190 ha chè, mỗi héc - ta chè cho sản lượng bình quân 8 tấn/năm đối với những năm thời tiết thuận lợi, còn năm nay không đạt. Ông Nguyễn Xuân Gần - Chủ tịch UBND xã cho biết: "Thời điểm này của năm ngoái, bà con thu hái được 4 lứa với sản lượng 10 tấn chè búp tươi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, người dân mới thu hái được 2 lứa với sản lượng gần 4 tấn. Do vậy, kế hoạch xã đặt ra là 1.520 tấn chè búp tươi/năm sẽ không thể hoàn thành”.
Thị trấn Sơn Thịnh là địa phương có diện tích chè hơn 400 ha và là cây kinh tế chủ lực với bình quân thu nhập trên 18 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, cũng chung tình trạng do hạn hán, nắng nóng kéo dài nên sản lượng chè sụt giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Hiện tượng búp chè bị cháy xảy ra ở nhiều nơi trong huyện Văn Chấn, nhưng thiệt hại nhiều nhất là các xã: Đồng Khê, Sơn Thịnh và thị trấn Nông trường Liên Sơn. Năng suất chè sụt giảm không chỉ ảnh hưởng đến đời sống người dân mà ngay cả doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè cũng ảnh hưởng không nhỏ.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: "Những năm trước, Công ty thu mua được khoảng 8.000 tấn/năm chè búp tươi của người dân. Nhưng năm nay, dự kiến sản lượng chè sẽ bị giảm từ 20 - 25%.
Cây chè là cây trồng chủ lực của người dân, nên chè bị héo lá, không lên búp gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của bà con cũng như hoạt động sản xuất của Công ty là điều không thể tránh khỏi”.
Huyện Văn Chấn hiện có trên 4.600 ha chè, sản lượng chè bút tươi hàng năm đạt 47.500 tấn. Bình quân mỗi năm chè cho thu hái khoảng 8 lứa do thu hái bằng máy nên mỗi lứa cách nhau 45 ngày. Tuy nhiên, thời tiết năm nay khắc nghiệt, có những nơi hơn 2 tháng mà chè vẫn chưa có búp để thu hái. Do vậy, từ đầu năm đến nay, sản lượng chè búp tươi của huyện mới đạt 18.500 tấn, bằng 36,5% kế hoạch năm.
Để khắc phục tình trạng này, căn cứ trên các văn bản chỉ đạo của UBND huyện về các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho cây trồng, vật nuôi, ngành nông nghiệp huyện Văn Chấn khuyến cáo nông dân một số giải pháp như: thu hái đúng quy trình, tập trung chăm sóc, bón phân hữu cơ thay vì phân vô cơ. Với những diện chè gần nguồn nước, người dân có thể đầu tư đường ống nước trải ngầm tưới cho cây chè để xử lý tình huống tạm thời trước mắt.
Cùng đó, huyện cũng đang tiếp tục nghiên cứu, đưa những giống chè mới có khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn tốt vào trồng nhằm duy trì, giữ vững vùng chè vốn có. Tuy nhiên, để có phương án và kế hoạch lâu dài nhằm ổn định, duy trì, đưa ngành chè phát triển ổn định bền vững, huyện nên có phương án cụ thể cùng với chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện tập trung đầu tư xây dựng hệ thống điện, trạm bơm ở các vùng chuyên canh trồng chè. Khi đó, người dân mới chủ động chống hạn được cho cây trồng, hạn chế những thiệt hại do hạn hán, nắng nóng gây ra.
Thanh Tân