Hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam chỉ bằng 1/8 trung bình thế giới

  • Cập nhật: Thứ bảy, 1/6/2024 | 9:37:16 AM

Hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam khoảng 2,37 USD/m3 trong khi con số trung bình toàn cầu là 19,42 USD/m3, theo Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường.

Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả.
Hồ thủy điện Hòa Bình mở cửa xả.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh vừa có báo cáo gửi đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn tại kỳ họp 7. Ông cho biết hiệu quả khai thác, sử dụng nước của Việt Nam còn thấp và lãng phí, đặc biệt là trong nông nghiệp và tại các đô thị.

Hiệu quả sử dụng nước được đo bằng tỷ lệ giá trị USD tạo ra với khối lượng nước được sử dụng, dựa trên hoạt động kinh tế, nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Hiệu suất sử dụng nước trung bình thế giới năm 2015 là 17,3 USD/m3, tăng lên 18,9 USD/m3 năm 2020 và đến nay là 19,42 USD/m3.

Nguyên nhân là Việt Nam chưa có hệ thống công cụ ra quyết định phục vụ xây dựng kịch bản nguồn nước, điều hòa, phân phối tài nguyên nước thống nhất trên lưu vực sông. Việc này dẫn đến điều phối khai thác, sử dụng nước của các ngành, địa phương chưa tối ưu hóa lợi ích kinh tế xã hội. Nguồn nước bị lãng phí, chưa đáp ứng nhu cầu về an ninh nước sạch, lương thực và năng lượng. Tình trạng mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nước gia tăng do lợi ích kinh tế giữa thủy điện, thủy lợi và công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng đầu tư ngành nước đang thiếu so với nhu cầu; bố trí nguồn lực chưa tương xứng và mất cân đối. Kinh phí điều tra cơ bản, kiểm kê, đánh giá tài nguyên nước, đầu tư xây dựng công trình hồ chứa, tích trữ nước không đầy đủ. Trong khi đó, nhiều dòng sông, đoạn sông như Hồng, Vu Gia - Thu Bồn, Ba và hạ lưu hồ chứa thủy điện, thủy lợi đều có tình trạng suy giảm, cạn kiệt dòng chảy.

Ông Khánh cho biết Bộ đã xây dựng hệ thống giám sát khai thác, sử dụng nước trực tuyến. Công nghệ này có thể tự động, giám sát việc xả dòng chảy tối thiểu trên lưu vực và giám sát các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch tài nguyên nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu các đề tài cấp quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước; ứng phó với biến đổi khí hậu phục vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang triển khai công trình điều tiết mặn, ngọt, dâng nước, trữ nước trên hệ thống sông lớn. Công trình bổ sung nước ngọt cho vùng ven biển phục vụ dân sinh, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp đang được thực hiện. Thời gian tới, Bộ sẽ tự động hóa công tác quản lý hạ tầng ngành nước, nhất là hệ thống giám sát, cảnh báo, dự báo nguồn nước, thiên tai.

Còn rủi ro về an toàn hồ, đập

Theo báo cáo, cả nước còn 1.104 hồ chứa bị xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ, chưa có nguồn vốn để đầu tư sửa chữa nâng cấp. Có những công trình lớp gia cố tràn xả lũ bị bong tróc, nứt vỡ, thấm luồn dưới lớp gia cố. Các cơ quan cũng lo ngại rủi ro mất an toàn đập, hồ chứa nước gia tăng do diễn biến cực đoan của biến đổi khí hậu và sự suy giảm rừng đầu nguồn, thảm phủ thực vật trên lưu vực hồ chứa.

Từ năm 2010 đến nay, Việt Nam đã xảy ra 75 sự cố vỡ đập, hồ chứa thủy lợi và 14 sự cố mất an toàn đập, hồ chứa thủy điện. Nguyên nhân sự cố là do ảnh hưởng của mưa, lũ dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế, công trình đầu mối bị hư hỏng. Nhiều đơn vị quản lý, khai thác đập, hồ chứa thủy điện không đủ năng lực. Công tác kiểm định an toàn đập hầu hết chưa được thực hiện. Việc kiểm tra đập hồ chứa nước bằng trực quan nên chưa phát hiện được hiểm họa tiềm ẩn.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết Bộ đã trình Thủ tướng ban hành, sửa đổi 11 quy trình vận hành liên hồ chứa, bảo đảm điều hòa, phân bổ nguồn nước cũng như sử dụng tổng hợp nguồn nước và phòng chống tác hại hạn hán, thiếu nước.

Bộ xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu vận hành của 134 hồ chứa, đập dâng lớn, quan trọng trên 11 lưu vực, phục vụ việc giám sát, vận hành liên hồ, đáp ứng các yêu cầu quản lý, điều hòa phân phối nguồn nước trên 11 lưu vực.

Bộ cũng phối hợp các cơ quan cập nhật và xây dựng kịch bản Biến đổi khí hậu gắn với nhu cầu chi tiết của ngành, địa phương, hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Các cơ quan đã xây dựng bản đồ rủi ro lũ và ngập lụt cho 24 lưu vực sông trên toàn quốc phục vụ quy hoạch và phòng chống thiên tai.

Khi hạ tầng kỹ thuật bảo đảm, Bộ hướng đến vận hành an toàn hồ chứa theo thời gian thực, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn nước và đảm bảo 100% hồ chứa thủy điện lớn được kiểm soát, giám sát trực tuyến.

Phiên chất vấn tại kỳ họp 7 Quốc hội khóa 15 diễn ra trong 2,5 ngày, 4/6 đến sáng 6/6. Từ 8h10 ngày 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề đầu tiên thuộc lĩnh vực tài nguyên môi trường. Nội dung gồm: việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm nguồn nước; nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tài nguyên, khoáng sản quý hiếm.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Phòng Điều độ, Công ty Điện lực Yên Bái điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện năng nhằm đảm bảo hệ thống điện vận hành liên tục, tin cậy, an toàn.

Dự báo, mùa hè năm nay sẽ nắng nóng gay gắt kéo dài hơn mọi năm. Để đảm bảo cung ứng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho người dân và doanh nghiệp, Công ty Điện lực Yên Bái đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Rút ngắn thời gian thi công, đưa dự án đường dây 500KV mạch 3 về đích đúng cam kết vào ngày 30/6

Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã huy động 1.500 kỹ sư, công nhân có tay nghề từ 5 Tổng Công ty điện lực để tiếp sức cho dự án trọng điểm này.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Yên Bái gặp mặt, động viên Tổ xung kích lên đường tiếp sức hỗ trợ thi công xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Ngày 31/5, 10 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc Công ty Điện lực Yên Bái đã lên đường tiếp sức hỗ trợ thi công xây dựng Dự án đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Phố Nối.

Cán bộ Chi cục Thủy lợi tỉnh kiểm tra hệ thống cảnh báo lũ ngòi Thia, thị xã Nghĩa Lộ. ảnh minh họa

Để ứng phó với những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa bão năm nay, Yên Bái đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, trong đó chú trọng công tác bảo đảm an toàn công trình hồ chứa thủy lợi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục