Văn Chấn - Mùa trồng đậu tương
- Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Không biết bao năm rồi, sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Văn Chấn luôn tồn tại câu hỏi: Trồng cây gì trên chân ruộng một vụ? Giống cây gì gieo trồng thuận lợi, có hiệu quả trong vụ xuân, đáp ứng được các yêu cầu phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng cao mà không ảnh hưởng đến vụ lúa mùa? Và sau rất nhiều năm, tốn rất nhiều công sức thì câu trả lời đã được khẳng định. Đó là cây đậu tương!
|
Anh Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: "Văn Chấn có hơn 800 ha ruộng ở các xã vùng cao. Thực hiện chủ trương xóa ruộng một vụ, sau rất nhiều cố gắng đến năm 2007 toàn huyện đã có 700 ha ruộng gieo cấy 2 vụ lúa. Tăng mùa, tăng vụ để giải quyết vấn đề lương thực đối với vùng cao là rất quan trọng nhưng không nói thì ai cũng biết, làm vụ lúa xuân ở vùng cao hiệu quả rất thấp và rất bấp bênh vì hạn hán, rét đậm, rét hại, vì phong tục, tập quán... Công sức bỏ ra thì nhiều, đầu tư tốn kém mà năng suất lúa năm cao nhất chỉ đạt 3 tấn/ha. Sau nhiều năm trăn trở, huyện đã đi đến quyết định, vùng cao chỉ gieo cấy lúa xuân ở những nơi có điều kiện, những chân ruộng còn lại, những mảnh nương, bãi màu thì tập trung trồng đậu tương vụ xuân".
Được biết, để đi đến quyết định này, ngay từ vụ đông xuân năm 2005, huyện Văn Chấn đã xây dựng một số mô hình thí điểm trồng cây đậu tương xuân bằng các giống ĐT99, ĐT84, ĐT2000 với phương châm huyện đầu tư toàn bộ giống, phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, dân góp ruộng, bỏ công lao động và làm theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, trên tinh thần làm nghiêm túc, đạt hiệu quả, qua đó đúc rút được kinh nghiệm để thuyết phục bà con làm theo... Kết thúc vụ xuân 2005, gần 10 ha đậu tương ở các xã vùng cao như: Nậm Mười, Nậm Lành, Gia Hội... phát triển rất tốt, năng suất nhiều nơi đạt 3 tấn/ha; năm đó, giá đậu tương chỉ 7 - 8 nghìn đồng/kg mà dân đã rất phấn khởi.
Thành công bước đầu là cơ sở để năm 2006, huyện tiếp tục mở rộng mô hình thí điểm lên 20 ha ở tất cả các xã vùng cao và năm thứ hai đậu tương xuân trên đất ruộng một vụ và đất màu bãi, nương đồi tiếp tục đạt hiệu quả kinh tế khá. Để ăn chắc hơn, huyện Văn Chấn đã mời các chuyên gia của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn xây dựng quy trình canh tác đậu tương chuẩn ở vùng cao Văn Chấn (trên cơ sở nghiên cứu kỹ chất đất, lượng phân bón, bình tuyển giống...). Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp còn hỗ trợ huyện chương trình khuyến nông và đào tạo cán bộ khuyến nông chuẩn cho huyện, xã và 126 khuyến nông hạt nhân tự nguyện tại các thôn, bản. Các bước đi bài bản để đưa cây đậu tương vào gieo trồng một cách đại trà đã được triển khai đầy đủ: Ban thường vụ Huyện ủy Văn Chấn đã ra nghị quyết chuyên đề về cây đậu tương.
Theo đó, từ huyện đến xã thành lập ban chỉ đạo gieo trồng đậu tương xuân và phấn đấu gieo trồng 200 ha đậu tương trên đất hai vụ lúa ở tất cả các xã vùng cao trong năm 2007; tiếp tục hỗ trợ giống cho nông dân; sử dụng giống đậu tương ĐT 84 vì giống này có ưu thế phổ thâm canh rộng, năng suất tịnh tiến theo giá trị đầu tư, khả năng chịu hạn, chống sâu bệnh cao, đặc biệt là thời gian sinh trưởng ngắn (90 đến 100 ngày)... Có thể nói nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện đã được các cấp, các ngành, nhất là khối nông lâm nghiệp nghiêm túc triển khai.
Đồng chí Trần Mộc - Phó bí thư Huyện ủy kể: "Vụ xuân năm trước, anh em trong Ban Thường vụ, Thường trực đi cơ sở bao giờ cũng dành sự quan tâm kiểm tra việc trồng đậu tương vì đây là cây trồng mới, lại đưa vào vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi không cho đây là mạo hiểm nhưng nhận thức rõ rằng đưa ra diện rộng rất khó thành công, nhưng thành công rồi lại có ý nghĩa lớn". Khó thành công nhưng quyết tâm cao nên đã thành công lớn. Đó là điều đáng mừng! Mặc dù thời điểm thu hoạch đậu tương gặp mưa bão, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng hạt nhưng năng suất bình quân vẫn đạt 1,7 tấn/ha. Điều đáng mừng hơn là giá đậu tương hạt đã lên đến 12 nghìn đồng/kg và thời điểm này đã là 16 - 17 nghìn đồng.
Năm 2008, huyện Văn Chấn phấn đấu gieo trồng 720 ha đậu tương xuân ĐT 84, trong đó các xã vùng cao trồng 450 ha (xã vùng cao được hỗ trợ giống), một chỉ tiêu lớn nhưng chắc chắn không khó. Đến thời điểm này, nông dân đã cơ bản chuẩn bị xong đất và nhận từ huyện 25 tấn giống về gieo trồng trong khung thời vụ trước 20/3. Chúng tôi vượt núi lên xã vùng cao Nậm Mười, nơi có diện tích gieo trồng đậu tương lớn của huyện. Bí thư Đảng ủy xã Bàn Kim Thanh nói: "Người Dao Nậm Mười khoái cây đậu tương lắm, năm nay xã sẽ trồng 40 ha, trong đó có 10 ha lúa xuân chết rét nay không cấy lại nữa mà làm đậu tương thôi". Theo lời giới thiệu của Bí thư Thanh, chúng tôi về thôn La Háo Pành để chứng kiến bà con người Dao trong thôn đang làm cỏ, bắt nước về ruộng trồng đậu tương. Trưởng thôn La Háo Pành đang cùng vợ cuốc đất, cho biết: "Thôn mình có 60 hộ thì cả 60 hộ làm đậu tương xuân. Hiệu quả kinh tế từ đậu tương thì rõ rồi, giờ làm đậu tương trên ruộng, rồi mai đây đậu tương “bò” cả lên đồi cho mà xem!".
Cái câu “bò” cả lên đồi” khiến tôi cứ thấy vui vui vì như thế là cây đậu tương đã khẳng định được vị trí của mình trên đồng ruộng và nương đồi vùng cao Văn Chấn, thực sự thấm sâu vào nhận thức của nhân dân. Cán bộ vui mừng vì đã đưa lên vùng cao được một cây trồng mới; nông dân hả hê vì có thêm đồng tiền, bát gạo từ loại cây mới này. Hẹn Nậm Mười vào trung tuần tháng 6 để ngắm nhìn những thửa ruộng đậu tương vàng rực trong nắng chiều vùng cao.
Lê Phiên
Các tin khác
Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự án "Đóng mới giàn khoan dầu khí" do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện.
Thông tin Việt Nam lọt vào top 30 nước xuất khẩu hàng nhiều nhất sang Hoa Kỳ, trong năm 2007 mang về trên 10,5 tỉ USD, đã làm nhiều người lạc quan trong những ngày đầu năm.
Ông Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) cho biết, theo bầu chọn của Tạp chí Fairplay cuối năm 2007, Việt Nam đã lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu thế giới.
Sau khi một số doanh nghiệp vận tải đường bộ đòi tăng giá cước lần 2; đến lượt ngành đường sắt cũng “rục rịch” tăng giá cước vận tải và hàng hóa.