Yên Thái: Vươn lên từ đất đồi gò

  • Cập nhật: Thứ tư, 12/3/2008 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Toàn xã Yên Thái, huyện Văn Yên (Yên Bái) có 3457 ha đất tự nhiên thì đã có tới 3218 đất đồi rừng. Nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước mà 100% diện tích rừng tự nhiên đã được người dân nhận khoán bảo vệ. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại đều giao cho dân để sản xuất, kinh doanh. Trong xã không có các trang trại quy mô lớn hàng chục ha, nhưng bù lại nhà nào cũng có vài ha để trồng sắn, bồ đề, keo.

(Ảnh minh họa) Ảnh: Khánh Linh.
(Ảnh minh họa) Ảnh: Khánh Linh.

Anh Nguyễn Hồng Thái - Phó chủ tịch UBND xã Yên Thái huyện Văn Yên nói với chúng tôi rằng: Yên Thái còn nghèo lắm, nguyên nhân của đói nghèo thì nhiều như: trình độ dân trí thấp, không có nghề phụ, ruộng ít và xấu... Mấy năm trở lại đây, đời sống người dân trong xã đã khá hơn nhờ phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương là kinh tế đồi rừng. Sắn, bồ đề đã là hai cây trồng chính đem lại cuộc sống khá cho bà con người Dao, người Tày, người Kinh ở mảnh đất này.

Những ngày đầu xuân, nông dân đã hoàn thành việc khôi phục cấy lúa do rét đậm, rét hại và tập trung trồng sắn và thu hoạch sắn, trồng rừng. Đường vào xã khó đi thật, những chiếc xe tải chở sắn đi tiêu thụ. Bên mảnh nương ngay thôn 1, gia đình bác Hoà đang nhổ sắn để kịp thời làm đất trồng tiếp vụ nữa. Bác tâm sự: “Năm nay nhà cũng được trên 4 chục tấn, thu được gần 50 triệu đồng, năm ngoái cũng bằng tầm này nhưng năm sau keo trồng xen lớn rồi nên chắc được ít hơn. Cái anh sắn này hay quá, nhờ nó mà tôi xây được nhà, mua được xe”. Vào thời điểm năm 2000 - 2001 vận động nông dân trồng sắn là rất khó, nhưng cán bộ huyện, xã vẫn kiên trì vận động nên sắn đã vào được dân và đã vào được rồi, hiệu quả rồi thì phanh không kịp.

Câu chuyện mà bác Hoà tâm sự cho tôi hiểu, nhờ sắn mà nhiều gia đình ở Yên Thái, huyện Văn Yên vươn lên và vấn đề đất đai bạc màu do sắn đang được người dân xử lý bằng việc xen canh sắn - keo; bồ đề - keo; luân canh sắn - cây lâm nghiệp tức là khi cây lâm nghiệp lớn thì nghỉ sắn mấy năm cho đất phục hồi rồi lại trồng.

Toàn xã Yên Thái có 3457 ha đất tự nhiên thì đã có tới 3218 đất đồi rừng. Nhờ chính sách giao đất, giao rừng của Nhà nước mà 100% diện tích rừng tự nhiên đã được người dân nhận khoán bảo vệ. Diện tích đất lâm nghiệp còn lại đều giao cho dân để sản xuất, kinh doanh. Trong xã không có các trang trại quy mô lớn hàng chục ha, nhưng bù lại nhà nào cũng có vài ha để trồng sắn, bồ đề, keo.

Mấy năm trước đồng bào chưa nhận thức được lợi ích kinh tế của trồng rừng kinh tế và giá trị của cây sắn nên rừng cứ để tái sinh, cây mọc tự nhiên sản phẩm chỉ là củi đóm, nguyên liệu giấy... hiệu quả kinh tế thấp. Giờ thì có đất là bà con trồng bồ đề, trồng keo tai tượng. Rừng Yên Thái đã ổn định chu kỳ mỗi năm trồng và khai thác vài trăm ha, thu vài nghìn khối gỗ. Giá gỗ bồ đề đang được thương lái thu mua khoảng 400 nghìn đồng/m3 nên những nhà thu vài chục, vài trăm triệu đồng như: ông Đặng Văn Thiện; Nguyễn Văn Thân, Nguyễn Văn Vinh... không phải hiếm.

Cùng với cây lâm nghiệp, sắn là cây trồng đem lại việc làm và thu nhập chủ yếu cho người dân Yên Thái. Được quy hoạch là vùng nguyên liệu của Nhà máy Sắn Văn Yên, nên Yên Thái đã duy trì ổn định diện tích sắn 320 ha. Do trình độ thâm canh chưa cao, đất có độ dốc lớn... nên sắn ở Yên Thái chỉ đạt năng suất 20 đến 25 tấn/ha. Tuy thấp nhưng đó cũng là điều rất đáng mừng vì 1 kg sắn tươi, giá bình quân vụ này đã là 1000 đồng. Như vậy nhà nông Yên Thái thu được trên 20 triệu đồng mỗi ha.

“Nhờ sắn mà có nhà xây, có xe máy, có ti vi” là câu nói của bất kỳ ai ở thôn Trạng - một thôn 100% đồng bào Tày, đường đi lối lại rất khó khăn nhưng lại là thôn trồng được nhiều sắn nhất: 120 ha; vụ sắn vừa qua 76 hộ dân ở đây thu được trên 2 tỷ đồng tiền sắn và cũng nhờ sắn mà cả thôn Trạng không còn gia đình nào đói nghèo.

Được biết vụ xuân này, Yên Thái đã hoàn thành kế hoạch trồng 40 ha rừng bằng hai loại cây keo và bồ đề. Đối với kế hoạch trồng 320 ha sắn thì mới trồng được 200 ha, lẽ ra thời điểm này đã hoàn thành việc trồng sắn nhưng vì bà con phải tập trung cho cấy lại lúa xuân nên bây giờ mới tiếp tục thu nốt sắn để trồng diện tích còn lại.

Lê Phiên

 

Các tin khác

YBĐT - Không biết bao năm rồi, sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Văn Chấn luôn tồn tại câu hỏi: Trồng cây gì trên chân ruộng một vụ? Giống cây gì gieo trồng thuận lợi, có hiệu quả trong vụ xuân, đáp ứng được các yêu cầu phù hợp với điều kiện canh tác ở vùng cao mà không ảnh hưởng đến vụ lúa mùa? Và sau rất nhiều năm, tốn rất nhiều công sức thì câu trả lời đã được khẳng định. Đó là cây đậu tương!

Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự án "Đóng mới giàn khoan dầu khí" do Công ty cổ phần chế tạo giàn khoan dầu khí (PV Shipyard) thực hiện.

Thông tin Việt Nam lọt vào top 30 nước xuất khẩu hàng nhiều nhất sang Hoa Kỳ, trong năm 2007 mang về trên 10,5 tỉ USD, đã làm nhiều người lạc quan trong những ngày đầu năm.

Ông Nguyễn Quốc Ánh, Tổng giám đốc Kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) cho biết, theo bầu chọn của Tạp chí Fairplay cuối năm 2007, Việt Nam đã lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu thế giới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục