FDI bị “hút” mạnh vào công nghiệp
- Cập nhật: Thứ năm, 13/3/2008 | 12:00:00 AM
Trong tổng số 1.445 dự án đầu tư nước ngoài được cấp phép trong năm 2007, có 823 dự án đầu tư vào ngành công nghiệp.
|
Các dự án này có tổng số vốn đăng ký 8,06 tỷ USD, chiếm 57% tổng số dự án đầu tư nước ngoài và 45,2% tổng số vốn đăng ký cả nước.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong công nghiệp có lợi thế về máy móc thiết bị và kỹ thuật hiện đại, có thị trường ổn định, được khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng nên trong những năm qua đã phát triển khá nhanh và ổn định, luôn có xu hướng tăng nhanh hơn các khu vực khác trong nền kinh tế.
Ông Cao Quốc Hưng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Công Thương, đưa ra dẫn chứng: nếu như tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân 5 năm 1991 - 1995 chỉ đạt 12% thì từ năm 1996 - 2000 luôn đạt trên 20%/năm (1996 đạt 21,7%; 1997 đạt 23,2%; 1998 đạt 24,4%; 1999 đạt 20%; 2000 đạt 21,8%); trong 9 tháng đầu năm 2007, mặc dù sản lượng khai thác dầu khí giảm 6,1% song tốc độ tăng giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khác vẫn tăng 23,4%, đạt tốc độ tăng trung bình 18,3%...
Tốc độ tăng trưởng cao, tỷ trọng ngày càng lớn nên đầu tư nước ngoài trong công nghiệp đã góp phần quan trọng đảm bảo nhịp độ tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp cả nước trên 10% liên tục suốt thập niên 90 của thế kỷ trước.
Việc đầu tư nước ngoài trong công nghiệp phát triển nhanh cũng đã tạo ra một môi trường kinh doanh cạnh tranh, góp phần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, đổi mới và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, đầu tư nước ngoài trong ngành công nghiệp đã gián tiếp đào tạo cho Việt Nam một đội ngũ cán bộ, công nhân lành nghề, được tiếp xúc với công nghệ mới, cũng như các kỹ năng quản lý tiên tiến, kỷ luật công nghiệp chặt chẽ.
Theo chủ trương chung, trọng tâm của việc thu hút đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2008 - 2010 tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, trong ngành công nghiệp đó là phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng. Hiện nay, nhu cầu năng lượng của cả nước tăng trưởng với tốc độ trên 10%/ năm, đặc biệt nhu cầu điện tăng rất cao, từ 15 - 20%/năm, tạo ra áp lực lớn đối với nguồn cung cấp điện.
(Theo TBKTVN)
Các tin khác
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa yêu cầu các địa phương cắt giảm 1.000 MW điện trong ngày 15/3 và 500 MW trong ngày 16/3 với lý do thiếu khí để sản xuất điện.
YBĐT - Ngày 12/3, tại Khu công nghiệp Bắc Văn Yên, Công ty TNHH thương mại sản xuất - xuất nhập khẩu Đạt Thành tổ chức khánh thành Nhà máy chế biến tinh dầu quế hiện đại nhất tỉnh hiện nay.
YBĐT - Năm 2008, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) được giao chỉ tiêu thu vào ngân sách Nhà nước 16,05 tỷ đồng, trong đó, thu ngoài quốc doanh 5,5 tỷ, thu tiền giao đất 6,7 tỷ, thuế chuyển quyền sử dụng đất 250 triệu, thuế nhà đất 900 triệu đồng...
Ngày 12/3, Bộ trưởng Bộ TNMT Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi với báo chí. Ông cho biết sẽ thành lập Cục Định giá đất. Cục Định giá đất sẽ đảm trách nhiệm vụ định giá đất phù hợp với thị trường.