Hiệu quả từ các đề án phát triển kinh tế ở thành phố Yên Bái
- Cập nhật: Thứ ba, 20/1/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Tại kỳ họp thứ 2, HĐND thành phố Yên Bái khoá XVIII đã ban hành 3 Nghị quyết về triển khai Đề án phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp ngoài quốc doanh, thương mại dịch vụ và nông lâm nghiệp thành phố Yên Bái giai đoạn 2004 - 2005 và đến năm 2010.
Sản xuất chế biến gỗ xuất khẩu tại Khu công nghiệp Đầm Hồng.
|
Đến nay, sau 5 năm triển khai thực hiện các đề án đã đạt được những kết quả quan trọng, làm nên diện mạo mới cho thành phố. Tuy nhiên, trong 3 đề án đó thì Đề án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp chưa đạt được mục tiêu đề ra, còn Đề án phát triển CN - TTCN và thương mại dịch vụ đều đạt kết quả khả quan, vượt mục tiêu đề ra.
Đối với Đề án phát triển CN - TTCN, mục tiêu tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 17,3%/năm, giá trị tổng sản lượng đến năm 2010 đạt 140 tỷ đồng. Nhưng đến hết năm 2008, giá trị tổng sản lượng đã đạt 157,5 tỷ đồng, vượt kế hoạch mục tiêu Đề án đề ra 12,5%, hoàn thành mục tiêu Đề án trước 2 năm.
Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2004 - 2008 là 26,75%/năm, cao hơn mức tăng bình quân Đề án đặt ra là 9,45%/năm; giải quyết việc làm cho người lao động đến năm 2008 là 3.725/3.500 người mục tiêu đề ra; vốn đầu tư hiện nay đã đạt 210 tỷ đồng, tăng 45 tỷ đồng so với mục tiêu.
Có 5 ngành ưu tiên phát triển gồm sản xuất thực phẩm và đồ uống, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất sản phẩm từ chất khoáng phi kim loại, chế biến gỗ và mộc dân dụng, sản xuất các loại sản phẩm từ kim loại. Năm 2008, giá trị sản lượng của 5 ngành đạt 141,32 tỷ đồng, chiếm 89,7% tổng giá trị sản lượng toàn ngành, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2004 - 2008 từ 13,75/năm đến 41,55%/năm.
Như vậy, sản xuất CN - TTCN ngoài quốc doanh của thành phố đã tạo ra giá trị sản lượng bằng 28,1% so với tổng giá trị sản lượng công nghiệp trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp. Đặc biệt, đã hình thành được Cụm công nghiệp Đầm Hồng với 14 dự án, vốn đầu tư đạt trên 96 tỷ đồng.
Năm 2008, có 10 đơn vị đã sản xuất và sản xuất thử, giá trị sản lượng ước đạt 15 tỷ đồng, chiếm 9,01% giá trị sản lượng công nghiệp ngoài quốc doanh của thành phố, tạo việc làm cho 495 lao động. Một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư dự án với quy mô lớn như: Công ty Đông Á gần 40 tỷ đồng, Công ty Thành Đạt gần 30 tỷ đồng. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, sản xuất gắn với thị trường nên sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động có thu nhập ổn định...
Trong những năm qua, sản xuất nông lâm nghiệp đã phát triển theo đúng định hướng của Đề án là nâng dần tỷ trọng chăn nuôi, nâng cao chất lượng, quy mô các dự án cải tạo chè, nuôi trâu bò bán công nghiệp, trồng hoa tập trung, rau an toàn tập trung, chăn nuôi lợn, gia cầm theo quy mô công nghiệp, trồng rừng bằng giống keo lai, bạch đàn mô... góp phần thúc đẩy sản xuất nông lâm nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân và đặc biệt là ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 4 mà giá trị đạt được so với mục tiêu Đề án đề ra còn thấp. Giá trị tổng sản lượng đến năm 2008 mới chỉ đạt 40,25 tỷ đồng đạt 80,5% mục tiêu đề án, giá trị trên 1 ha đất canh tác đến năm 2008 đạt 20 triệu đồng, trong khi mục tiêu của đề án là 35 triệu đồng; diện tích trồng rau an toàn tập trung mới chỉ đạt 25% mục tiêu Đề án; mục tiêu mở rộng diện tích nuôi trồng thuỷ sản và tỷ lệ lợn thịt hướng nạc, siêu nạc đều vượt cao so với mục tiêu đề án đề ra.
Đối với Đề án phát triển thương mại dịch vụ, mặc dù trong 5 năm thực hiện, thị trường luôn luôn có những biến động tăng giá, đặc biệt từ đầu năm 2008 có sự tăng giá đột biến, không vay được vốn để kinh doanh, ngập lụt do ảnh hưởng cơn bão số 4 làm thiệt hại trên 20 tỷ đồng, song kinh tế thương mại - du lịch và dịch vụ tăng đáng kể, quy mô kinh doanh ngày càng được mở rộng, hình thức và chất lượng kinh doanh được nâng cao.
Ngành thương mại - dịch vụ và du lịch đã đóng góp lớn trong nguồn thu ngoài quốc doanh của thành phố, tạo nhiều việc làm cho lao động. Năm 2008, giá trị tổng doanh thu thương mại - dịch vụ và du lịch đã đạt 1.798,6 tỷ đồng, vượt mục tiêu Đề án đề ra trước 2 năm, tăng bình quân giai đoạn 2004 - 2008 là 27,2%/năm cao hơn mục tiêu đề án đề ra 15,6%.
Tổng mức lưu chuyển bán buôn bán lẻ tiêu dùng xã hội đều tăng bình quân giai đoạn 2004 – 2008, tương ứng là 35,25%/năm và 26,15%/năm vượt xa mục tiêu Đề án đề ra. Lĩnh vực thương mại - dịch vụ và du lịch năm 2008 có tổng vốn đầu tư ước đạt 210 tỷ đồng tăng bình quân 43,2%, so với đề án tăng 16,2%, sử dụng 8.300 lao động, tăng 4.436 lao động.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, những khó khăn trong quá trình thực hiện, đặc biệt là sau khi có điều chỉnh về địa giới hành chính 6 xã của huyện Trấn Yên sáp nhập về thành phố Yên Bái, UBND thành phố đã có những điều chỉnh về mục tiêu của 3 đề án đến năm 2010.
Cùng với đó là các định hướng, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cho cả 3 đề án phấn đấu đến 2010 giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh thành phố quản lý đạt 240 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 5.100 lao động, vốn đầu tư cho sản xuất đạt 360 tỷ đồng; giá trị tổng sản lượng nông lâm nghiệp thuỷ sản đạt 88,1 tỷ đồng tăng bình quân giai đoạn 2009 – 2010 6%/năm, giảm 0,2% so với đề án; giá trị trên 1 ha đất canh tác đạt 30 triệu đồng, giảm 5 triệu đồng so với mục tiêu đề án; tổng doanh thu thương mại - dịch vụ và du lịch đạt 2.975 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2009 - 2010 là 25%/năm...
Đây sẽ là những điều chỉnh hợp lý để các đề án có cơ sở thành công mang lại sự đổi thay tích cực cho thành phố Yên Bái ngày một phát triển giàu mạnh hơn.
Ngọc Tú
Các tin khác
YBĐT - Từ vụ đông xuân 2008 – 2009, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) chính thức đưa 500 ha ruộng vào thực hiện “Dự án sản xuất vùng lúa hàng hoá năng suất, chất lượng cao giai đoạn 2009 – 2010”.
YBĐT - Có thể nói, năm 2008 là một trong những năm chất lượng các nguồn thu trên địa bàn tỉnh Yên Bái đạt khá tốt và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu thu.
Theo thông báo của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp ngày 15/1 liên quan đến các giải pháp kích cầu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành quyết định giảm 50% thuế giá trị gia tăng với một số hàng hóa, dịch vụ với các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
YBĐT - Hội nông dân thị trấn Thác Bà huyện Yên Bình có 283 hội viên, sinh hoạt ở 8 chi hội. Những năm qua, Hội đã làm tốt chức năng là cầu nối cho mọi hoạt động tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, tạo việc làm, tập huấn KHKT đã giúp cho nhiều gia đình hội viên thoát nghèo.