Trạm Tấu: Những bất cập trong quy hoạch sử dụng đất

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/2/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Xác định việc sắp xếp, quy hoạch sử dụng đất đai (QHSDĐĐ) là một trong những giải pháp để thúc đẩy kinh tế – xã hội vùng cao. Vì vậy, việc QHSDĐĐ tại huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đang được tiến hành khẩn trương. Tính từ ngày 01/01/2008 đến 31/12/2008, đã có 8/12 xã, thị trấn của huyện hoàn thành việc lập QHSDĐĐ được HĐND, UBND huyện thông qua và phê duyệt.

Một góc khối các cơ quan ở trung tâm huyện Trạm Tấu.
Một góc khối các cơ quan ở trung tâm huyện Trạm Tấu.

Trong năm 2008, huyện  đã tiến hành cấp được 3.576 giấy bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) lâm nghiệp và giấy chứng nhận cấp cho các loại đất khác. Tuy nhiên, việc quy hoạch và tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ diễn ra còn chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Nguyên nhân là do một số xã chưa thực hiện công hữu đất sản xuất nông nghiệp nên không chia, giao đất theo Nghị định số 64/NĐ-CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Vì vậy, khi lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, chính quyền cơ sở đã căn cứ diện tích đất thực tế của các hộ sử dụng nên một số hộ không có đất của ông cha để lại thì không có đất để khai hoang.

Việc sinh đẻ không có kế hoạch dẫn đến không có đất để cấp giấy chứng nhận, hoặc có đất để được cấp thì diện tích lại rất ít. Bên cạnh đó, do việc đầu tư kinh phí cho công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ còn hạn chế, áp lực thu ngân sách nên phần lớn kế hoạch cấp giấy chứng nhận QSDĐ đều ưu tiên cho vùng đô thị hoặc những nơi nông thôn đất có giá trị cao để thu tiền. Việc giao đất cho lâm trường trước đây do chưa được đo đạc chi tiết, chưa làm rõ ranh giới, cắm mốc giới đất rừng phòng hộ với đất sản xuất nông nghiệp của nhân dân; việc quản lý và sử dụng đất chưa tốt nên tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các hộ dân với lâm trường vẫn còn diễn ra.

Bên cạnh những nguyên nhân kể trên, còn nhiều nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng đến quá trình quy hoạch và cấp giấy sử dụng đất ở vùng cao. Đó là, do nhận thức của đồng bào vùng cao còn nhiều hạn chế, nên việc chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật về đất đai chưa được quan tâm, chưa có hình thức tuyên truyền hợp lý trong điều kiện một bộ phận lớn cộng đồng dân cư vùng cao là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhiều người chưa biết tiếng phổ thông, hiểu biết về pháp luật và chấp hành pháp luật đất đai còn nhiều hạn chế nên Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thực hiện luật chưa đi vào đời sống của người dân. Việc sử dụng đất của người dân chủ yếu theo tập quán của từng dân tộc, dòng họ. Các quan hệ về sử dụng đất giữa người dân với nhau chủ yếu theo tục lệ, tập quán của dòng họ, cộng đồng mà chưa dựa trên cơ sở pháp luật của Nhà nước. 

Việc phân bổ quĩ đất tại vùng cao chưa hợp lý, còn tình trạng một bộ phận những người có điều kiện về vốn, nhạy bén hơn trong nhận thức nên đã tích tụ được nhiều đất, trong khi đó, một số hộ nghèo, đông nhân khẩu nhưng thiếu vốn, nhận thức hạn chế lại bị thiếu đất hoặc không có đất sản xuất, nhất là đất lúa nước. Thực trạng trên đã diễn ra phổ biến và kéo dài, nhưng Nhà nước chưa có chính sách để điều chỉnh, khắc phục. Người dân chưa có đầu tư mà chủ yếu quảng canh, khai thác độ phì tự nhiên của đất, cộng với tình trạng phá rừng, đốt nương làm rẫy, giảm độ che phủ làm cho đất đai bị rửa trôi, xói mòn, dẫn đến tiềm năng đất đai bị suy giảm nghiêm trọng, đất sản xuất nông, lâm nghiệp vùng cao đang đứng trước nguy cơ hoang mạc hoá. Đất đai để sản xuất nông nghiệp manh mún và phần lớn là nằm trên đất dốc nên việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất gặp khó khăn; trình độ canh tác còn nhiều hạn chế, mang nặng tập quán lạc hậu; việc ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất còn chậm; đất đai bị bao chiếm không sử dụng, bỏ hoang hoá để luân canh nương rẫy; tình trạng thả rông gia súc... còn xảy ra phổ biến ở các xã vùng cao.

Công tác QHSDĐĐ thực hiện rất chậm, nơi đã có qui hoạch thì việc thực hiện qui hoạch cũng chưa được triển khai, kịp thời theo kế hoạch được phê duyệt. Hầu hết các xã chưa thực hiện việc công hữu đất đai trong thời kỳ xây dựng hợp tác xã; chưa thực hiện việc giao đất nông nghiệp theo bình quân nhân khẩu khi thực hiện Luật Đất đai năm 1993. Từ đó, tạo nên sự không công bằng trong cộng đồng dân cư, người có nhiều đất thì bỏ hoang, canh tác quảng canh, nhiều người lại thiếu đất, không có đất để sản xuất nông nghiệp. Công tác quản lý Nhà nước về đất đai của chính quyền cấp cơ sở còn nhiều hạn chế; tình trạng buông lỏng quản lý còn diễn ra phổ biến ở các xã.

 Tình trạng vi phạm pháp Luật Đất đai  như: tự ý chuyển nhượng, đốt rừng làm nương rẫy... vẫn còn xảy ra. Cán bộ quản lý đất đai cơ sở, hầu hết chưa được đào tạo chuyên ngành, bố trí không ổn định, thiếu hiểu biết pháp luật, trình độ chuyên môn yếu kém, không am hiểu về tình hình đất đai trên địa bàn nên không đủ năng lực tham mưu cho chính quyền cùng cấp trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai. Do đó, hiệu quả khi giải quyết việc chuyên môn  như: lập kế hoạch, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, kiểm kê, thống kê đất, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai... thấp.

Năm 2009, là năm thứ 3 thực hiện Nghị quyết số 03 của Tỉnh uỷ về những nhiệm vụ trọng tâm cấp bách trong phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu 2006 – 2010. Vì vậy, việc đẩy nhanh việc sắp xếp, QHSDĐĐ là hết sức cần thiết. Ngành địa chính cần tiếp tục phối hợp với các, ngành liên quan và UBND huyện Trạm Tấu để chỉ đạo việc đo đạc, kiểm kê diện tích đất của từng hộ gia đình, cá nhân và điều chỉnh đất nông nghiệp của huyện Trạm Tấu, trước mắt làm thí điểm ở 2 xã là Bản Mù và Trạm Tấu. 

Cần tăng cường chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ theo Chỉ thị số 15/2008/CT-UBND của UBND tỉnh; phối hợp tốt với các ngành có liên quan, đặc biệt là Sở NN& PTNT và UBND huyện để tháo gỡ các vướng mắc về đất đai có liên quan đến tài sản cây trồng trên đất là vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho các dự án trong quá trình bàn giao đất đai từ các chủ dự án về địa phương quản lý nhằm xác định rõ chủ sử dụng đất, xử lý vốn đã đầu tư để đẩy nhanh tiến độ giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ, phối hợp tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động phổ biến chính sách, pháp luật đất đai, nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân vùng cao và đi đến  thống nhất quản lý đất đai theo pháp luật; từng bước thay đổi hình thức quản lý và sử dụng đất đai theo phong tục tập quán lạc hậu của các dân tộc thiểu số để tất cả người dân đều ủng hộ và chấp hành; tập trung nguồn nhân lực, hợp đồng các đơn vị tư vấn có đủ năng lực thực hiện việc đo đạc; huy động cán bộ của ngành tài nguyên và môi trường từ tỉnh đến cơ sở để chỉ đạo việc đo đạc, điều chỉnh đất nông nghiệp. Có đẩy nhanh tiến độ cấp và QHSDĐĐ thì những khó khăn trong phát triển kinh tế – xã hội tại vùng cao Trạm Tấu mới được tháo gỡ và Nghị quyết 03 của Tỉnh uỷ mới đi vào cuộc sống.

Nguyễn Đình

Các tin khác
Hỗ trợ chính sách thuế tại bộ phận giao dịch “một cửa” Chi cục thuế huyện Mù Cang Chải. (Ảnh: Linh Nhung)

YBĐT - Năm 2008 vừa qua, Chi cục Thuế huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã chấp hành triệt để các quy trình quản lý, thực hiện nghiêm chỉnh các luật, pháp lệnh thuế để vận dụng vào thực tế của địa phương...

Ngoài 36.000 tỷ đồng trái phiếu đã được Quốc hội phê chuẩn cho kế hoạch năm 2009, Việt Nam sẽ phát hành bổ sung, đưa nguồn vốn dự kiến huy động lên mức cao nhất từ trước đến nay, nhằm phục vụ đầu tư cơ bản và kích cầu.

Tổng công ty Thép VN (VNSteel) trụ sở phía Nam vừa tiếp tục điều chỉnh giá thép xuống 300.000 đồng/tấn so với thời điểm giữa tháng 2-2009. Hiện giá thép cuộn giao tại nhà máy còn 10,65 triệu đồng/tấn, thép cây khoảng 11,19 triệu đồng/tấn. Đây là lần hạ giá thứ hai trong tháng của VNSteel trụ sở phía Nam.

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính bày tỏ quan điểm chỉ nên tăng thuế nhập khẩu đối với sữa tươi, không tăng thuế nhập khẩu đối với sữa bột; nhất trí với các mức tăng thuế do Bộ Tài chính đề xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục