Văn Chấn: Tìm lời giải cho bài toán “Cách mạng xanh”
- Cập nhật: Thứ năm, 10/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Với diện tích đất nông nghiệp trên 16.000 ha, hàng năm sản lượng lương thực có hạt của huyện Văn Chấn (Yên Bái) đạt trên 50.000 tấn, chiếm gần 40% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của toàn huyện. Tuy nhiên, hộ nghèo trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn. Thu nhập và đời sống của những người nông dân Văn Chấn vẫn còn nhiều khó khăn. Nâng cao thu nhập cải thiện đời sống của nông dân là bài toán mà ngành nông nghiệp huyện đang tích cực tìm lời giải.
Hàng năm, sản lượng lương thực có hạt của Văn Chấn chiếm gần 40% tỷ trọng trong cơ cấu kinh tế của huyện song số nông hộ nghèo vẫn rất lớn. (Ảnh: Tô Anh Hải)
|
Buồn, vui chuyện sản xuất lương thực
Người dân Văn Chấn nói riêng và nhân dân nhiều tỉnh trong cả nước nói chung đều biết đến đặc sản nếp Tan của xã Tú Lệ. Với diện tích trên 150 ha, đã tạo ra vùng chuyên canh tập trung cho sản lượng 700 tấn mỗi năm. Giá trị và khả năng tiêu thụ lớn, lẽ ra đời sống của nhân dân Tú Lệ phải thuộc hàng khá giả. Song, trên 60% nông dân Tú Lệ lại thuộc diện nghèo. Việc canh tác chưa hợp lý cùng những chi phí trong quá trình sản xuất và sản phẩm bán ra phụ thuộc vào tư thương đã làm giảm hiệu quả sản xuất của những người nông dân Tú Lệ.
Không có được loại nông sản quý như Tú Lệ nhưng xã Hạnh Sơn lại có được cánh đồng bằng phẳng, thuận lợi trong việc tưới tiêu. Đất đai ở đây được sử dụng với hệ số khá cao và áp dụng nhiều tiến bộ KHKT nên giá trị sản xuất một năm trên 1 ha đất nông nghiệp ở Hạnh Sơn đạt 70-80 triệu đồng. Tuy nhiên, 40% nhân dân Hạnh Sơn vẫn thuộc diện nghèo. Đó cũng chính là thực trạng chung của quá trình sản xuất lương thực ở Văn Chấn. Nguyên nhân sâu xa của thực trạng này ở mỗi địa phương có khác nhau, song đều có chung một tồn tại là: sản xuất còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát, chưa thực sự mang lại hiệu quả lâu dài và bền vững, đầu ra cho sản phẩm đều phụ thuộc vào thị trường, một khi thị trường có biến động thì sự ảnh hưởng cũng không nhỏ.
Giải pháp triển khai
Nhận thức những tồn tại của quá trình sản xuất cây lương thực, những năm qua, huyện Văn Chấn đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển, bám sát chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng, bằng việc đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từng bước xây dựng vùng chuyên canh, sản xuất nông sản hàng hóa chất lượng cao tiến tới xây dựng thương hiệu một số nông đặc sản được nhiều người biết đến.
Nhờ đẩy mạnh sản xuất, ứng dụng tiến bộ KHKT và liên kết với các nhà khoa học, huyện Văn Chấn đã nghiên cứu khảo nghiệm lựa chọn một số loại giống có chất lượng đưa vào sản xuất trên diện rộng như giống ngô lai B06 và C919 của Mỹ, giống đậu tương DT84. Việc lựa chọn hạt giống phù hợp đã tạo điều việc mở rộng diện tích tăng vụ hàng năm.
Đến nay, sản xuất ngô và rau màu vụ đông đã trở thành truyền thống ở khu vực cánh đồng Mường Lò, diện tích gieo trồng đậu tương không ngừng tăng ở các xã vùng cao. 2 năm trở lại đây, huyện tiếp tục mở rộng nhiều mô hình lựa chọn giống lúa thuần chất lượng cao, thâm canh lúa cải tiến SRI, hay mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc... Có thể nói, các mô hình bước đầu đã khẳng định hiệu quả, tuy nhiên khi đưa vào sản xuất đại trà vẫn gặp không ít khó khăn.
Theo tiến sĩ Lê Quốc Doanh - Viện trưởng Viện Nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc đánh giá: “Nông dân Văn Chấn thuộc diện nghèo, khả năng áp dụng KHKT vào sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, khi lựa chọn giữa mô hình sản xuất có hiệu quả lâu dài nhưng cần mức đầu tư lớn thì nhân dân vẫn chọn phương thức sản xuất truyền thống”. Chẳng hạn, mô hình canh tác ngô bền vững trên đất dốc, năng suất tăng trung bình 10-15%, hiệu quả chống xói mòn cao và hạn chế cỏ dại thì lại ít được người nông dân quan tâm.
Nguyên nhân là do thời gian làm đất kéo dài, việc sử dụng thân ngô chưa qua xử lý để che phủ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về sâu bệnh. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến việc triển khai các mô hình trên diện rộng gặp nhiều khó khăn, đó là việc chưa có cơ sở thu mua, chế biến nông sản tập trung. Thành thử, khi sản xuất ở dạng mô hình thì có giá trị kinh tế cao nhưng khi sản xuất đại trà hiệu quả không hơn sản xuất thông thường. Điều này dẫn đến tình trạng nông dân chờ nhà máy, nhà máy lại chờ vùng nguyên liệu của nông dân. Việc chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, trữ lượng, chủng loại nông sản rõ ràng, ít doanh nghiệp dám mạnh dạn đầu tư.
Hiện nay trên 80% số lao động của huyện Văn Chấn thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người đạt 450 - 500m2. Lương thực bình quân đầu người đạt 341 kg/năm. Huyện đang xây dựng một số mô hình sản xuất lúa chất lượng cao như Shéng Cù, Chiêm Hương, nếp Tan Tú Lệ; triển khai thử nghiệm dồn điền đổi thửa và quy hoạch dân cư một số điểm thuộc cánh đồng Mường Lò...
Theo ông Nguyễn Văn Toản – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn thì để thúc đẩy phát triển nông nghiệp, trong thời gian tới huyện cần triển khai những giải pháp đồng bộ trên cơ sở sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, trong đó có vấn đề xây dựng hạ tầng cơ sở kết cấu hạ tầng nông thôn. Trong phát triển chung của nội ngành cần đầu tư có định hướng, để có sự cân đối với mục tiêu công nghiệp hóa trong nông nghiệp, đặc biệt sản xuất nông nghiệp công nghệ cao nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị cao, từ đó, ngành nông nghiệp ngoài bảo đảm an ninh lương thực còn mang tính chất ổn định chung cho toàn xã hội.
Thực tế nhiều năm qua, huyện Văn Chấn đã có kế hoạch xây dựng các vùng chuyên canh chất lượng cao, song vấn đề đặt ra là ruộng đất của nhân dân còn manh mún, hệ thống thủy lợi và giao thông nông nghiệp chưa đồng bộ. Vì vậy, ưu tiên trước mắt là xây dựng khu vực chuyên canh mẫu, tổ chức dồn điền, đổi thửa, quy hoạch và xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nông nghiệp bảo đảm cho quá trình cơ giới hóa, sản xuất bền vững. Đây là việc làm khá tốn kém, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau, song vì lợi ích lâu dài và hiệu quả lâu dài, nhìn chung nông dân các địa phương rất hào hứng và ủng hộ chủ trương này.
Yếu tố quyết định
Thực hiện chủ trương nâng cao tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp mà Đảng bộ huyện Văn Chấn đã đề ra, những năm qua huyện Văn Chấn đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến nông sản nói riêng. Đây là một trong nhiều yếu tố quan trọng thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Chế biến nông sản sẽ tạo ra hàng hóa có khối lượng lớn, phẩm cấp, chất lượng cao, đồng đều để có khả năng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm. Đó chính là yếu tố quyết định đến giá trị và khả năng tiêu thụ ổn định.
Mặt khác, chế biến nông sản sẽ chuyển một lượng lớn lao động trực tiếp trên đồng ruộng, giảm áp lực về nhu cầu đất nông nghiệp. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu này, điều quan trọng hơn cả là mỗi người nông dân cần thay đổi tư duy sản xuất, tập quán canh tác lạc hậu, mạnh dạn đầu tư nguồn vốn và áp dụng KHKT vào sản xuất. Mặt khác, cần chia sẻ, hy sinh một phần lợi ích trước mắt cho cộng đồng, liên kết với Nhà nước, nhà khoa học và các doanh nghiệp, hãy nhìn xa hơn để làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp ở Văn Chấn.
Với điều kiện tự nhiên sẵn có cùng truyền thống sản xuất nông nghiệp lâu đời và được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nông dân Văn Chấn đang có đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, đó là vận hội để thay đổi một nền nông nghiệp đang chưa xứng tầm với những giá trị vốn có của địa phương.
Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Lục Yên (Yên Bái), vùng đất của hai loại cây ăn quả đặc sản là cam sành và hồng không hạt. Nhờ nó mà đời sống của người dân đã được cải thiện và nhiều nông dân thoát nghèo vươn lên giàu có. Nhưng giờ đây, diện tích của nó đang bị thu hẹp từng ngày và hai thứ cây này đang đứng trước nguy cơ bị xoá sổ.
Ngoài khẳng định việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) quyết không hạ giá gạo xuất khẩu dù lượng tồn kho còn hơn 1,6 triệu tấn, ông Nguyễn Thọ Trí - Phó Chủ tịch VFA còn cho hay, sẽ tiếp tục triển khai mua lúa đợt 2, quy ra gạo khoảng 500.000 tấn cho dân để giữ vững giá nội địa...
Bộ Tài chính vừa có công văn lý giải về công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua, trong đó khẳng định việc giá xăng tăng thêm 1.000 đồng/lít ngày 30/8 là do các doanh nghiệp xăng dầu lỗ 1.190 đồng/lít.
Xét đề nghị của các địa phương về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Văn phòng Chính phủ ngày 9/9 ra thông báo yêu cầu các địa phương tiếp tục công việc cấp giấy như cũ.