Hỗ trợ lãi suất vốn vay: Cơ hội chưa được nắm bắt!

  • Cập nhật: Thứ sáu, 11/9/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Việc sử dụng ngân sách Nhà nước hỗ trợ lãi suất (HTLS) vốn vay cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn năm 2009 đã tạo điều kiện tháo gỡ những khó khăn về vốn; giảm chi phí đầu vào, góp phần duy trì phát triển sản xuất kinh doanh; ổn định thu nhập và tạo việc làm cho người lao động địa phương... Nhưng quá trình triển khai thực hiện cũng đang b

Hỗ trợ lãi suất tiếp sức cho doanh nghiệp

Phải khẳng định, thời gian qua tỉnh Yên Bái đã thực hiện tốt chủ trương, những giải pháp tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong sản xuất kinh doanh. Các quyết định 131, 443, 497 về HTLS vốn vay của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 328 của UBND tỉnh đã được các ngành chức năng triển khai nhanh chóng và chặt chẽ.

Ông Nguyễn Hồng Quang - Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh (Văn Chấn) cho hay: Việc HTLS cho vay đã giúp cho doanh nghiệp giảm chi phí được trên 100 triệu đồng. Do đó, giảm được giá bán sản phẩm gạch Tuynel, tăng doanh số bán ra, đồng thời đẩy nhanh việc khởi công xây dựng dây chuyền 2 của nhà máy, giải quyết việc làm cho 120 lao động trong khu vực.

Từ nguồn vốn vay HTLS, các doanh nghiệp chế biến chè như: Nam Thịnh, Hương Lý đã điều chỉnh giá mua chè búp tươi cho nông dân bình quân đạt 3.100- 3.300 đồng/kg. Động thái này giúp doanh nghiệp chè giữ vững được vùng nguyên liệu và cải thiện tốt mối quan hệ với người trồng chè.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất xi măng, bột đá siêu mịn, tinh bột sắn... trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn trong thời kỳ kinh tế suy giảm. Các gói kích cầu của Chính phủ và của tỉnh đã giúp các doanh nghiệp này ổn định sản xuất kinh doanh Công ty cổ phần Xi măng Yên Bình là một ví dụ. Trong giai đoạn suy giảm kinh tế, tình trạng chung của các nhà máy xi măng trên cả nước là không chạy hết công suất nhưng phải gánh toàn bộ suất đầu tư, cả lãi và gốc. Công ty này mới đi vào hoạt động nên ngoài việc huy động tối đa vốn tự có, Công ty duy trì vay vốn lưu động theo Quyết định 131 và 443 với số tiền 52 tỷ đồng và được HTLS của 6 tháng là 1 tỷ/2,7 tỷ đồng số lãi thực trả ngân hàng, Công ty đã tạo việc làm cho 550 lao động địa phương, với mức lương bình quân 3,2 triệu đồng/người/tháng.

Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Yên Bái được vay vốn theo Quyết định 131 số tiền 8 tỷ đồng, nhờ đó đã ổn định sản xuất kinh doanh cung ứng trên 500 ngàn giống cây lâm nghiệp, 280 tấn giống lúa các loại. Nhiều doanh nghiệp được tiếp sức từ vay vốn HTLS với số tiền lớn đồng như:  Tổng công ty Hoà Bình Minh 120 tỷ đồng, Công ty cổ phần Lương thực Yên Bái 80 tỷ đồng, Công ty cổ phần Mông Sơn ...

Những bất cập

Hiệu quả của việc HTLS là tương đối lớn và không thể phủ nhận. Thế nhưng, quá trình ngành chức năng triển khai tới doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân thì quả là “lắm mối tơ vò”. Việc thực hiện Quyết định 328 của UBND tỉnh, Sở Tài chính đã ban hành Văn bản số 289/STC- TCDN ngày 14/4/2009 hướng dẫn chi tiết về HTLS cho các tổ chức và cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh các sản phẩm: tinh bột sắn, sản phẩm chè, giấy đế, bột Penspat, ván ép thanh, bột đá siêu mịn, hỗ trợ chi phí vận chuyển sắn củ tươi...

Sở Tài chính mới thẩm định xong hoàn chỉnh 19/34 bộ hồ sơ đề nghị HTLS và chi phí vận chuyển sắn củ tươi, số tiền hỗ trợ là 1,5 tỷ/2,8 tỷ đồng theo các đơn vị đề nghị. Một số hồ sơ không đạt yêu cầu và chậm do có doanh nghiệp thu mua sắn ngoài vùng qui hoạch hoặc giá mua dưới 500 đồng/kg. Có doanh nghiệp đề nghị HTLS 2%/năm đối với ván ghép thanh, trong khi qui định của tỉnh chỉ có ván ép thanh mới được hỗ trợ nên vấn đề này cũng cần phải có ý kiến chỉ đạo của tỉnh.

Trong lập hồ sơ làm thủ tục, thậm chí có doanh nghiệp ở một huyện đã lập khống khối lượng thu mua sắn củ tươi đề nghị hỗ trợ phí vận chuyển với số tiền 868 triệu đồng, gây khó khăn và mất thời gian cho công tác thẩm định hồ sơ. Các đơn vị thuộc diện hỗ trợ chủ yếu là các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể thường là thuê người làm kế toán nên việc lập hồ sơ chậm và thiếu theo qui định, phải đợi bổ sung.

Mặt khác, theo Hướng dẫn 289 của Sở Tài Chính thì nhiều đơn vị khó tiếp cận được chính sách vì trong 11 mục của hồ sơ xét hỗ trợ có những mục khó thực hiện. Đối với kinh tế hợp tác xã thì chưa hợp tác xã nào thực hiện làm báo cáo tài chính quí, nếu để đến cuối năm thì đã mất cơ hội...

Tính đến hết tháng 7/2009, các ngân hàng đã giải ngân cho vay HTLS được 9.625 khách hàng, tổng dư nợ cho vay HTLS đạt 1.362 tỷ đồng, chiếm 28,9% tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng. Cơ cấu dư nợ cho vay HTLS khoản vay ngắn hạn theo Quyết định 131/QĐ-TTg là 1.055 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 77,52%; khoản vay trung hạn, dài hạn theo Quyết định 443/QĐ-TTg là 212 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,58%; khoản vay mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp và vật liệu làm nhà ở khu vực nông thôn theo Quyết định 497/QĐ-TTg là 22 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 1,62%. Tổng dư nợ cho vay HTLS tính đến 20/8 đạt 1.412 tỷ đồng, số lãi tiền vay hỗ trợ khách hàng là 10,76 tỷ đồng.

Việc cho vay HTLS chưa thể đáp ứng hết nhu cầu của các đối tượng, nhất là theo Quyết định 497/QĐ-TTg kết quả đạt rất thấp, có ngân hàng chưa triển khai được cho một đối tượng nào, vì phạm vi và thủ tục HTLS  qui định chặt chẽ hơn. Chẳng hạn như qui định phân bón NPK có hàm lượng dinh dưỡng từ 18% trở lên rất khó kiểm chứng. Nhiều khách hàng, nhất là đối tượng cá nhân khi tiếp cận nguồn vốn HTLS gặp không ít trở ngại, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ của máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp...

Trong điều kiện hiện nay, việc thanh toán bằng chuyển khoản và việc sử dụng hoá đơn chứng từ trong thanh toán tiền hàng hoá như mua máy móc, thiết bị chưa phổ biến, tính minh bạch về kế toán, tài chính của một số doanh nghiệp chưa cao. Thực tế, nhiều cá nhân, tổ chức khi vay vốn đều mua máy móc thiết bị ngoại nhập và thường không lấy hoá đơn đỏ (hình thức trốn thuế). Nhiều hộ dân ở Mường Lò, Văn Chấn khi được hỏi sao không làm thủ tục HTLS thì đều cho rằng: “Nếu mua máy móc có hoá đơn đỏ phải thêm tiền thuế VAT và được hỗ trợ xong có khi còn cao hơn là mua hàng không lấy hoá đơn....”.

Theo qui định phải mua hàng trong nước sản xuất mới được HTLS, trong khi chất lượng hàng nội thì thấp, giá thành lại cao, người dân không mặn mà cho lắm với hàng nội. Chẳng thế mà cả huyện Văn Chấn có khoảng 600 hộ kinh doanh cá thể nhưng đến nay chỉ có 33 hộ gia đình, cá nhân tiếp cận được với nguồn vốn HTLS. Còn việc HTLS vay mua vật liệu làm nhà ở khu vực nông thôn hầu như người dân chưa quan tâm vì nhu cầu và thời gian HTLS ngắn (12 tháng), nếu vay thì chưa thể hoàn vốn.

Ngoài vướng mắc về thủ tục qui định chặt chẽ, một điều nữa khiến nhiều người dân chưa nắm bắt kịp, đó là công tác tuyên truyền đến các hộ nông dân, các hộ sản xuất, nhất là khu vực nông thôn chưa sâu rộng. Ngành ngân hàng đã tích cực nhưng chỉ trong hệ thống, tại các hội nghị doanh nghiệp; quan tâm tới khách hàng truyền thống, doanh nghiệp lớn là chủ yếu mà chưa có sự phối hợp đồng bộ của các cấp, ngành, đoàn thể khác.

Cần chủ động nắm bắt thời cơ

Việc thực hiện HTLS vốn vay cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong sản xuất kinh doanh năm 2009 trên địa bàn tỉnh như chiếc xe chưa kịp “bon” thì đã chuẩn bị gặp địa hình phải “giảm tốc”. Theo ông Bùi Trung Thu- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh Yên Bái thì, gói kích cầu 9 tỷ USD của Chính phủ sắp kết thúc vào 31/12/2009, tới đây có thể sẽ tiếp tục gói kích cầu mới nhưng tỷ lệ HTLS thấp hơn và phạm vi, đối tượng thu hẹp hơn.

Đây cũng là cách giảm dần kích cầu để đề phòng lạm phát có thể trở lại. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện tăng trưởng tín dụng đã đạt tới mức khống chế tối đa từ 25- 27%. Một số chi nhánh phải giảm mức dư nợ xuống bằng mức dư nợ tại thời điểm 30/6/2009.

Ông Hà Hữu Tứ- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Yên Bái phân trần: Hiện tại, Chi nhánh chỉ còn 24 tỷ đồng hạn mức tín dụng và mới bị cắt giảm tăng trưởng tín dụng nóng 25 tỷ đồng, trong khi đó nhu cầu vay vốn HTLS còn lớn như các dự án xây dựng thuỷ lợi, thuỷ điện (Văn Chấn 80 tỷ, Hồ Bốn 10 tỷ).  Về nhu cầu chung, các phương án sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đang triển khai xây dựng để tiếp cận nguồn vốn (Quyết định 497/QĐ-TTg thực hiện từ 1/5/2009), do đó các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn khó có thể đáp ứng được kịp thời và hiệu quả.

Việc sử dụng ngân sách Nhà nước HTLS vốn vay không chỉ doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân được hưởng lợi, góp phần củng cố và thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho đơn vị mà các ngân hàng thương mại ngoài mục đích phục vụ nhiệm vụ kinh tế- chính trị, các gói kích cầu này cũng giúp các ngân hàng tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, cơ hội thì không nhiều đòi hỏi cả doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, ngành ngân hàng, các cấp, ngành địa phương phải chủ động nắm bắt thời cơ, kịp thời đề xuất, tháo gỡ khó khăn, nhanh chóng tận dụng cơ hội. 

   Văn Trung

Các tin khác
Nhà máy gạch tuynel công suất 10 triệu viên/năm của Công ty cổ phần Xây dựng Quang Thịnh (Văn Chấn). (Ảnh: Anh Dũng)

YBĐT - 7 tháng đầu năm 2009, vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện Văn Chấn (Yên Bái) vẫn tiếp tục phát triển ổn định. Đa số các doanh nghiệp đã phát huy được tiềm năng lợi thế của địa phương phát triển sản xuất và làm ăn có lãi, điển hình như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông lâm s

YBĐT - Mù Cang Chải (Yên Bái) là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, 13/14 xã, thị trấn đều thuộc vùng 135, tính đến năm 2004 toàn huyện còn gần 80% hộ nghèo. Thực hiện Quyết định 134, từ năm 2004 đến hết năm 2008, toàn huyện có 3.063/3.300 hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ gần 35 tỷ đồng đã làm được nhà chắc chắn để ở (đạt 93% kế hoạch), trong đó, ngân sách, Quỹ Vì người nghèo g

Phát triển chăn nuôi gia cầm đem lại thu nhập cao cho các hộ nông dân xã Bạch Hà (Yên Bình). (Ảnh: Quỳnh Nga)

YBĐT - Chăn nuôi trang trại tại Trấn Yên (Yên Bái) phát triển chủ yếu là chăn nuôi lợn và gia cầm. Nếu như năm 2005, tổng đàn lợn của huyện mới đạt 52.700 con, đàn gia cầm 470.000 con thì đến năm 2009 đàn lợn đã duy trì ở 57.000 con và đàn gia cầm trên 500.000 con. Chăn nuôi tập trung phát triển mạnh ở các xã như: Minh Quán, Nga Quán, thị trấn Cổ Phúc.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 176/2009/TT-BTC hướng dẫn về việc giảm thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân làm việc tại khu kinh tế.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục