Sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo đẩy Vinashin tới bờ phá sản
- Cập nhật: Thứ năm, 5/8/2010 | 8:00:23 AM
Theo kết luận chính thức vừa được Chính phủ công bố, những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu khiến tập đoàn này rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản...
Vinashin đối mặt với nguy cơ phá sản nhưng Chính phủ quyết tâm tái cơ cấu để vực dậy tập đoàn này.
|
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của Vinashin trong nền kinh tế đất nước nên quyết tâm cơ cấu lại để tập đoàn này có thể vượt qua khó khăn, tiến tới làm ăn có lãi vào năm 2013-2014.
>> Vinashin từng "qua mặt" Chính phủ
>> Chủ tịch HĐQT lái Vinashin đến bờ vực phá sản!
Đầu tư dàn trải, vay nợ chồng chất dẫn tới nguy cơ phá sản
Tương tự như cuộc họp báo thường kỳ tháng 6, chiếm phần lớn thời gian cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 7 tổ chức chiều 4/8 tại Hà Nội là các vấn đề liên quan đến Vinashin, trong đó đáng chú ý là sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng tại cuộc họp báo và kết luận của Chính phủ về tình hình hoạt động, chủ trương giải pháp phát triển Vinashin.
Theo đánh giá của Chính phủ, cùng với các nền kinh tế thế giới và trong nước, Tập đoàn Vinashin chịu tác động hết sức nặng nề, đặc biệt về thị trường và nguồn vốn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Ngân hàng thắt chặt cho vay, các dự án đầu tư đang triển khai thiếu vốn không hoàn thành được để đưa vào sản xuất. Ngành vận tải viễn dương bị đình đốn, các chủ tàu đã hủy hợp đồng và các thỏa thuận đóng tàu trị giá hơn 8 tỷ USD. Riêng trong năm 2010 số hợp đồng đóng tàu có nguy cơ bị hủy lên tới trên 700 triệu USD.
Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, do công tác dự báo còn nhiều bất cập nên việc lập kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư không chính xác. Các dự án đầu tư quá nhiều, dàn trải, vượt khả năng cân đối tài chính, hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang...
Đặc biệt, để giải quyết khó khăn nêu trên, Tập đoàn Vinashin đã phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn, thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư. Kết quả là từ năm 2009 Tập đoàn Vinashin kinh doanh thua lỗ. Đến tháng 6/ 2010, tổng tài sản của Tập đoàn Vinashin khoảng 104 nghìn tỷ đồng nhưng tổng số nợ là 86 nghìn tỷ đồng, vốn điều lệ thấp lại sử dụng vốn dàn trải nên tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người...
Yếu kém và sai phạm của lãnh đạo là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu
Về nguyên nhân dẫn tới nguy cơ phá sản tại Vinashin, Chính phủ nhận định yếu tố khách
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc trình bày kết luận của Chính phủ về Vinashin. ảnh Vũ Lân |
Tuy nhiên, Chính phủ cũng nhận định, yếu kém và sai phạm của lãnh đạo Vinashin là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu dẫn tới tình trạng trên. Cụ thể, những yếu kém đó là năng lực quản trị doanh nghiệp và dự báo yếu kém, trình độ cán bộ lãnh đạo quản lý chưa đáp ứng yêu cầu; xây dựng và thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, kế hoạch đầu tư của doanh nghiệp quá nhanh, quá nóng, không phù hợp với nguồn vốn, năng lực quản lý và quy hoạch phát triển được cấp có thẩm quyền phê duyệt; quản lý đầu tư, quản lý tài chính lỏng lẻo, kém hiệu quả, nhiều quyết định trái quy định của pháp luật; tổ chức phát triển hệ thống doanh nghiệp quá dàn trải và quản lý nhân sự cán bộ không chặt chẽ.
Nghiêm trọng hơn, Vinashin đã báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn, về đầu tư, về phát triển thêm doanh nghiệp, ngành nghề kinh doanh và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, mỗi lần báo cáo số liệu khác nhau. Năm 2009 và Quý I năm 2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi.
"Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu Tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên nắm không đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ"- Chính phủ khẳng định.
Ngoài ra, Vinashin đã quyết định thực hiện nhiều dự án đầu tư ngoài quy hoạch, không đúng quy định của pháp luật hiện hành; quyết định sử dụng vốn kém hiệu quả, có biểu hiện sai trái; sử dụng một số vốn lớn để mua tàu vận tải biển của nước ngoài, trong đó có những con tàu mua quá cũ; không nghiêm túc thực hiện những ý kiến chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền.
"Những yếu kém và sai phạm nghiêm trọng, nhất là về đầu tư, về sử dụng vốn của lãnh đạo Tập đoàn cộng với những yếu tố khách quan tác động nặng nề, đã làm cho Tập đoàn thua lỗ, không vay được vốn, mất khả năng chi trả, không còn vốn để hoạt động. Từ năm 2008, nhiều dự án đầu tư phải dừng lại, một số đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, một bộ phận không nhỏ người lao động bỏ việc, mất việc" - Chính phủ kết luận.
Cũng tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ đã thừa nhận việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và Tập đoàn Vinashin nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả
Quyết tâm tái cơ cấu
Tại phiên họp thường kỳ, Chính phủ khẳng định, việc hình thành, phát triển Tập đoàn Vinashin mạnh để làm nòng cốt trong việc phát triển ngành công nghiệp tàu thủy của đất nước, đáp ứng nhu cầu kinh tế quốc dân, quốc phòng, an ninh là chủ trương đúng đắn, rất cần thiết, phù hợp với các Nghị quyết liên quan của Đảng, quyết định của Chính phủ.
Trao đổi với báo giới tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng cũng cho biết: "Kinh tế Việt Nam là kinh tế biển, hàng hải, đóng tàu là ngành quan trọng, đi theo đó Vinashin vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trong khả năng giải quyết, chưa tuột khỏi tầm tay. Nếu chúng ta cho phá sản thì lại phải dựng lên một doanh nghiệp mới, kể cả đóng tàu, vận tải, chưa kể hàng loạt nhà máy, tàu ....trở thành sắt vụn cũng như tác động dây chuyền tới các ngành khác".
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (ngồi giữa) tin tưởng Vinashin mới sẽ sớm vượt qua khó khăn. |
Từ những diễn biến vừa qua, sau khi báo cáo Bộ chính trị, Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và của các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển Tập đoàn Vinashin với hiệu quả ngày càng cao, trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển; với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Yêu cầu cụ thể mà Chính phủ đặt ra là: 1- Không để ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và môi trường đầu tư chung của nền kinh tế; 2- Tái cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn Vinashin theo hướng giữ và từng bước ổn định, phát triển có hiệu quả ngành đóng tàu, cơ sở nghiên cứu thiết kế và đào tạo; khai thác sử dụng có hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại những tài sản đã, đang đầu tư và cố gắng giữ đội ngũ công nhân kỹ thuật ngành đóng, sửa chữa tàu biển đã được hình thành; 3- Làm rõ và công khai về những kết quả đã đạt được, cũng như những khuyết điểm, yếu kém, sai phạm và xử lý đúng pháp luật đối với các cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật.
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, chủ trương của Chính phủ là tập trung sự nỗ lực của Nhà nước, của DN để sòng phẳng về nợ nần: bán, chuyển nhượng, cổ phần hóa để Vinashin có tiền trả nợ. Về phía Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ cho Vinashin mới (trước chỉ cấp 50% - PV); đồng thời, cơ cấu lại các khoản tín dụng, đàm phán tín dụng trong ngoài nước để giãn ra, tiếp tục trả. Riêng những khoản đầu tư cho sản xuất thì tiếp tục cho vay.
Theo tính toán của Hội đồng quản trị Vinashin mới, sơ bộ tính toán các năm 2010-2012 còn lỗ, dự báo năm 2013, 2014 bắt đầu có lãi và sau 2015 phát triển ổn định.
(Theo VnMedia)
Các tin khác
YBĐT - Để thực hiện việc mở tiếp đoạn đường có chiều dài trên 5 km trong tổng chiều dài hơn 15 cây số vào bản Làng Giàng, xã Nậm Có (huyện Mù Cang Chải) giúp cho 33 hộ đồng bào dân tộc Mông đi lại dễ dàng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Yên Bái đã huy động 50 cán bộ, chiến sỹ với nhiều phương tiện, máy móc, xe vận tải hiện đại cùng 300 dân quân tự vệ do Ban Chỉ huy quân sự huyện Mù Cang Chải huy động từ 5 xã là: Púng Luông, Dế Su Phình, Kim Nọi, Cao Phạ và Nậm Có đến làm việc trên công trường.
YBĐT - Để có vùng sản xuất lúa hàng hoá như hôm nay là do sự cụ thể hoá từ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Văn Yên lần thứ XIII về đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá, năng suất, chất lượng, tăng thu nhập cho người trồng lúa và khai thác tiềm năng vùng thâm canh lúa của huyện và Đại Phác là một ví dụ điển hình.
YBĐT - "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" là cuộc vận động do Bộ Chính trị phát động đã và đang được các cấp, các ngành, các địa phương, các tầng lớp nhân dân trong cả nước triển khai một cách đồng bộ.
YBĐT - Hơn 2 năm tích cực triển khai chuyển dịch cơ cấu vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, với tổng nguồn vốn hỗ trợ đạt trên 650 triệu đồng, Văn Yên (Yên Bái) đã xây dựng được 18 cơ sở trang trại chăn nuôi lợn thịt, 12 cơ sở trang trại chăn nuôi lợn nái và 3 cơ sở trang trại chăn nuôi gia cầm.