Văn Chấn: Đường ta, ta làm, ta đi
- Cập nhật: Thứ năm, 12/8/2010 | 9:13:47 AM
YBĐT - Với tổng nguồn vốn đầu tư đạt 198,5 tỷ đồng, tăng 78% so với giai đoạn 2000 – 2005, trong 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái), đã có 60 km đường ô tô được làm mới, 25,3 km đường được rải nhựa, 52,7 km thảm bê tông, trên 200 km đường liên huyện, liên xã được rải cấp phối.
Nhân dân xã Quang Minh (Văn Yên) bê tông hóa đường giao thông liên thôn. (Ảnh: Trường Phong)
|
Để có được kết quả trên, huyện Văn Chấn đã huy động mọi nguồn lực đầu tư như: từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đóng góp của nhân dân, của các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn... Vì vậy, ngoài tuyến quốc lộ 37, 32 đã ổn định, những tuyến đường mới được xây dựng làm mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện từng bước hoàn thiện. Khó có thể diễn tả hết niềm vui của hàng vạn hộ dân 8 xã vùng ngoài là: Đại Lịch, Minh An, Chấn Thịnh, Nghĩa Tâm, Bình Thuận… khi tuyến đường Đại Lịch - Chấn Thịnh - Minh An được đầu tư và đưa vào sử dụng.
Với tổng chiều dài toàn tuyến là 26,1 km, được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp V miền núi tổng vốn đầu tư trên 61 tỷ đồng, sau hơn hai năm thi công, tuyến đường đã được đưa vào khai thác, nối thông các xã vùng Chiến khu Vần, với quốc lộ 32, tuyến đường hoàn thành đã phá thế độc đạo của tuyến quốc lộ 37 nối với thành phố Yên Bái. Những tác dụng do tuyến đường mang lại vô cùng lớn, đã đưa kinh tế của 8 xã vùng ngoài có sự thay đổi nhanh chóng bởi các sản phẩm của địa phương như: cam, quýt, chè, gỗ rừng trồng... trước đây khó tiêu thụ do không có đường, nay đã được vận chuyển tiêu thụ dễ dàng.
Hàng hóa các nơi được đưa về phục vụ nhân dân khu vực này cũng đã phong phú đa dạng, đặc biệt là sự chênh lệch về cước vận chuyển đã giảm nhiều. Có đường tốt, việc đầu tư của các doanh nghiệp ngoài địa bàn, của nhân dân cũng dễ dàng hơn. Hơn nữa, từ sự giao thương đã làm nhận thức của nhân dân về phát triển kinh tế được nâng lên rõ rệt. Vì vậy chỉ thời gian ngắn, những ngôi nhà tranh tre, nứa lá trước kia đã dần được thay thế bằng ngôi nhà xây kiên cố. Các phương tiện đã được thay đổi từ thủ công sang phương tiện cơ giới.
Với địa bàn rộng, trong đó có nhiều xã vùng cao, miền núi giao thông đi lại khó khăn, do đó, Văn Chấn hết sức quan tâm chỉ đạo phong trào “đường ta, ta làm, ta đi” phát triển giao thông miền núi. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã với sự đóng góp của nhân dân đã hình thành, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, phát triển kinh tế của nhân dân. Những xã vùng cao, vùng sâu khó đi như: An Lương, Sùng Đô, Nậm Mười... nay có đường đi lại thuận lợi đã trở thành những xã có kinh tế phát triển.
Không chỉ phát triển giao thông ở địa bàn vùng xa, vùng khó khăn, phát triển giao thông tại vùng thấp phục vụ sản xuất cũng được huyện quan tâm. Nhiều tuyến đường nội đồng ở các xã vùng cánh đồng Mường Lò từng bước được kiên cố đã góp phần giúp Văn Chấn xây dựng các vùng chuyên canh lúa, ngô, chè... để những sản phẩm này thành hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đem lại cuộc sống ấm no cho bà con nơi đây.
Có thể nói, những con đường, cây cầu đã đánh thức những vùng quê, đánh thức những tiềm năng Văn Chấn. Từ những con đường đã góp phần quan trọng để kinh tế Văn Chấn duy trì tốc độ tăng trưởng cao, bình quân 5 năm (2005 - 2010) đạt 12,9%, vượt 0,9% mục tiêu đề ra; đời sống nhân dân từ vùng thấp đến vùng cao được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người đạt 9,7 triệu đồng, bình quân mỗi năm giảm 4% hộ nghèo, năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 17,67%, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng thuận lợi đã làm bộ mặt huyện miền núi nhanh chóng đổi thay theo hướng hiện đại.
Những thành tích trên là cơ sở để Văn Chấn đề ra mục tiêu cao hơn trong những năm tiếp theo, từng bước phát triển hệ thống giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh trên địa bàn. Huyện phấn đấu đến năm 2015 có 80% thôn, bản các xã vùng cao, vùng xa có đường xe máy đi lại dễ dàng, 65% các tuyến đường thuộc khu vực các xã vùng ngoài, vùng cánh đồng Mường Lò được cải tạo, nâng cấp, cứng hóa, 85% tuyến đường từ huyện xuống xã được cứng hoá, 100% các xã có đường ô tô đi lại trong 4 mùa, mỗi năm làm mới 40 - 45 km đường cấp phối.
Đình Tứ
Các tin khác
Dịch lợn tai xanh cũng vừa phát sinh thêm ở 1 tỉnh mới là Lâm Đồng, nâng tổng số tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày trong cả nước lên 17 tỉnh, thành.
YBĐT - Đã 6 năm nay, nhiều hộ dân ở xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) phải sống trong cảnh không có điện sinh hoạt bên cạnh các trạm biến áp đang dần bị xuống cấp.
YBĐT - Thực hiện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại vùng nông thôn, năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp thuộc Sở Công thương và UBND huyện Yên Bình đã giúp đỡ 5 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn xây dựng và đề nghị UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ 5 đề án với kinh phí 155 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Các đề án được hỗ trợ, hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè, khai thác cát sỏi.
Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang đang áp dụng đồng thời đề nghị từ 2011 cho điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu.