Ruộng “khát” bên hồ nước đầy
- Cập nhật: Thứ năm, 12/8/2010 | 9:22:10 AM
YBĐT - Nhiều thửa ruộng màu mỡ nhưng lại không chủ động được nguồn nước, tất cả đều trông vào nước mưa, dẫu ngay cạnh đó là cả một hệ thống kênh mương đã được kiên cố hoá và đập đầu mối luôn đầy nước. Đó là nghịch lý mà nhiều năm nay người nông dân ở các thôn Hán Đà 1, Hán Đà 2, Hán Đà 3 thuộc xã Hán Đà, huyện Yên Bình (Yên Bái) phải hứng chịu.
Ruộng nứt nẻ bên cạnh hồ nước đầy ở đập Cầu Đá.
|
Trong khi ở nhiều nơi vào mùa hạn các đập nước đã xuống mực nước chết không đủ nước tưới thì đập Cầu Đá, ở xã Hán Đà vẫn đầy nước. Cùng với đó là hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa bằng nguồn vốn đầu tư không nhỏ, thế nhưng những ruộng lúa ở đây vẫn khô khốc thấp thỏm chờ nước, còn những người nông dân trồng lúa vẫn phải chạy đôn, chạy đáo tìm đủ mọi cách để lo nước về ruộng. Để có được nước cấy, nhiều người dân đã phải bỏ tiền thuê máy bơm bơm nước về ruộng, những thửa ruộng nào ở xa quá thì đành bỏ hoang.
Ông Trần Văn Khoa, Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết: “Đập Cầu Đá được xây dựng từ năm 1968 do nhân dân tự làm, đã nhiều năm đập là nơi cung cấp nước cho những thửa ruộng ở các thôn Hán Đà 1, Hán Đà 2, Hán Đà 3. Để chủ động cho việc tưới tiêu, từ năm 2004 hệ thống kênh mương đã được đầu tư xây dựng với nguồn vốn kích cầu của Nhà nước, trong đó Nhà nước đầu tư 60% còn lại nông dân đóng góp 40%. Tuyến kênh này có chiều dài khoảng 2 km, được thiết kế trên cơ sở kênh đất trước đó. Trước đây, để có nước tưới, xã có trạm bơm bơm nước từ đập lên hệ thống kênh mương dẫn nước ra các thửa ruộng. Theo đúng chức năng thì tuyến kênh này sẽ dẫn nước từ đập Cầu Đá phục vụ tưới tiêu cho gần 20 ha ruộng ở đây. Nhưng do thiết kế không đúng, nhiều chỗ mương thấp hơn ruộng dẫn đến nước không chảy và cả hệ thống kênh mương này đã ngừng hoạt động nhiều năm nay”.
Chúng tôi có mặt trên cánh đồng thôn Hán Đà 3, dẫu vừa trải qua trận mưa khá lớn, nhưng mặt ruộng vẫn nứt nẻ. Bà Mai Thị Ngọt, đang nhặt cỏ ruộng than vãn: “Làm ruộng ở đây chủ yếu ngóng nước trời chú ạ. Hệ thống kênh mương treo hết cả, khi cấy phải bơm nước sông cách ruộng đến 150 m, với giá 50.000 đồng/tiếng. Không có tiền thuê máy bơm thì đành ngóng nước trời thôi. Mọi năm chỉ vụ đông xuân mới bị hạn, nhưng năm nay vụ mùa cũng hạn, nhà nông ở đây khó trăm bề”.
Tuyến kênh mương đã được kiên cố hóa này chưa khi nào có nước chảy.
Đi dọc tuyến kênh có những chỗ sâu đến gần 2 m cỏ mọc um tùm, rác thải chất đầy, chúng tôi ghé thăm nhà bà Đỗ Hồng Phúc ở cuối thôn Hán Đà 3, bà Phúc cho biết: “Nhà có 5 sào ruộng đều khô hạn vì không có nước, phải bơm nước từ ngòi vào. Ở đây lắm khi cãi nhau vì nước, bởi phía trên có tý nước thì họ chặn lại, phía dưới đành nhịn. Bụng đói mà nhìn ruộng khát”. Ruộng gần đã vậy, những thửa ruộng ở xa theo người dân Hán Đà thì chỉ có nước chờ trời mưa. Nhiều hộ ở đây đã phải bỏ cấy vì không có nước. Chẳng riêng gì nhà bà Ngọt, bà Phúc mà đây là thực trạng chung của nhiều hộ làm nông nghiệp ở Hán Đà. Mong ước của người dân là hệ thống kênh mương đi vào hoạt động để người trồng lúa bớt phần khó khăn.
Chủ tịch UBND xã Hán Đà cho biết thêm: Hán Đà là xã thuần nông với diện tích lúa nước 100 ha, trong đó cánh đồng các thôn 1, 2, 3 là cánh đồng màu mỡ. Nhưng cứ mưa thì tốt còn nắng nóng thì người trồng lúa khổ trăm bề. Xã đã đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát và trình phương án làm lại hệ thống kênh mương nổi và dùng máy bơm nước vào hệ thống tưới cho đồng ruộng. Nếu như phương án làm kênh mương được thực hiện, thì Hán Đà có thể khai hoang thêm được hơn chục ha lúa nước và 30 -40 ha đất trồng các loại cây ăn quả khác nữa.
Hệ thống kênh mương làm xong nhưng không phát huy tác dụng, gây lãng phí tiền của Nhà nước và nhân dân, trong khi đó người nông dân vẫn phải chạy đôn chạy đáo tìm nước tưới. Lỗi này thuộc về ai? Chỉ biết rằng nông dân đang phải gánh chịu hậu quả. Những cánh đồng đang "khát" nước tưới ở Hán Đà rất cần sự vào cuộc của các ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Với tổng nguồn vốn đầu tư đạt 198,5 tỷ đồng, tăng 78% so với giai đoạn 2000 – 2005, trong 5 năm của nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ huyện Văn Chấn (Yên Bái), đã có 60 km đường ô tô được làm mới, 25,3 km đường được rải nhựa, 52,7 km thảm bê tông, trên 200 km đường liên huyện, liên xã được rải cấp phối.
Dịch lợn tai xanh cũng vừa phát sinh thêm ở 1 tỉnh mới là Lâm Đồng, nâng tổng số tỉnh có dịch chưa qua 21 ngày trong cả nước lên 17 tỉnh, thành.
YBĐT - Đã 6 năm nay, nhiều hộ dân ở xã An Lạc, huyện Lục Yên (Yên Bái) phải sống trong cảnh không có điện sinh hoạt bên cạnh các trạm biến áp đang dần bị xuống cấp.
YBĐT - Thực hiện chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp tại vùng nông thôn, năm 2009, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn công nghiệp thuộc Sở Công thương và UBND huyện Yên Bình đã giúp đỡ 5 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn xây dựng và đề nghị UBND tỉnh Yên Bái hỗ trợ 5 đề án với kinh phí 155 triệu đồng từ nguồn khuyến công địa phương. Các đề án được hỗ trợ, hoạt động trên lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng, chế biến chè, khai thác cát sỏi.