Chuyển dịch cơ cấu kinh tế: Bước đi hiệu quả của Văn Tiến
- Cập nhật: Thứ ba, 9/11/2010 | 8:13:08 AM
YBĐT - Những năm gần đây, nhờ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, xã Văn Tiến (thành phố Yên Bái) có những bước chuyển mạnh mẽ trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Mỗi gia đình bằng sự năng động và sáng tạo đã phát huy nội lực để xây dựng cuộc sống no ấm, hạnh phúc.
Cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Lại Xuân Nghiêm đang tiếp tục đầu tư để thu hút nhiều hơn nữa lao động địa phương.
|
Với mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đảng bộ, chính quyền xã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch thành công cơ cấu cây trồng, vật nuôi và tăng cường áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó, diện mạo xã đổi thay rõ nét; nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Xã chủ động phối hợp với Phòng Kinh tế, Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ Thực vật thành phố tổ chức 18 lớp tập huấn kỹ thuật phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi cho 930 lượt nông dân. Tham gia tập huấn, bên cạnh nâng cao trình độ kỹ thuật thâm canh, người dân đã thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao dần thay thế các giống cũ. Từ đầu năm đến nay, địa phương đã gieo cấy 96,2 ha lúa, năng suất đạt 49 tạ/ha, sản lượng đạt 471,3 tấn, trong đó lúa chất lượng cao 21 ha, năng suất 45 tạ/ha; 22 ha ngô, sản lượng 30,6 tấn; 84 ha chè, sản lượng 537,5 tấn; 32,3 ha rừng và hàng trăm héc-ta cây rau màu các loại. Đảng bộ, chính quyền xã cũng tiếp tục lãnh đạo nhân dân tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hàng hóa và có bước phát triển ổn định. Các dự án chăn nuôi gia súc, mô hình kinh tế VAC, VARC, kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc... được phổ biến tới từng gia đình và nhiều hộ đã áp dụng thành công.
Từ hiệu quả kinh tế thiết thực đã góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm của những hộ chăn nuôi trong xã. Đến nay, Văn Tiến có 21 hộ chăn nuôi với số lượng hàng trăm con cho thu nhập từ 100 đến 150 triệu đồng/năm. Điển hình như hộ ông Phạm Xuân Quý ở thôn Nhà Giát; ông Lê Sỹ Lân, ông Lê Văn Bồng ở thôn Lưỡng Sơn...
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Văn Tiến còn thể hiện trên lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. 10 tháng của năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 5,4 tỷ đồng, xấp xỉ 85% kế hoạch. Với ưu thế về vị trí địa lý nên trên địa bàn xã ngày càng xuất hiện nhiều nhà máy, cơ sở, hộ gia đình có quy mô sản xuất, kinh doanh lớn, góp phần tạo việc làm ổn định và tăng thu nhập đáng kể cho lao động địa phương. Là một trong những hộ điển hình trong phát triển kinh tế, cơ sở sản xuất gạch của gia đình ông Lại Xuân Nghiêm, thôn Lưỡng Sơn đã tạo việc làm ổn định cho 20 lao động, mức lương từ 1,8 đến 2 triệu đồng/người/tháng.
Ông Nghiêm cho biết: “Thời gian tới, gia đình sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cấp, mở rộng cơ sở sản xuất nhằm thu hút nhiều hơn nữa lao động của địa phương”. Có cách đi đúng hướng, nhiều gia đình đã vươn lên làm giàu, góp phần đưa số hộ nghèo của xã giảm xuống còn 7%.
Ông Trần Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Văn Tiến cho biết: “Để bộ mặt nông thôn Văn Tiến ngày càng khởi sắc, cùng với chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thời gian tới, xã sẽ chú trọng xây dựng và thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết là giải pháp về quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế cơ sở để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp cũng như thương mại và dịch vụ. Cùng đó là tập trung phát triển một số dịch vụ như nhà hàng ăn uống, nhà nghỉ, khu vui chơi... Đặc biệt sẽ cố gắng khôi phục và phát triển làng nghề phù hợp với điều kiện địa phương, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn của xã”.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT - Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố là một trong những ngành kinh tế chủ lực. Năm 2010, thành phố đã tập trung chỉ đạo công tác xây dựng các dự án, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương; ban hành những cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư nguồn vốn, lao động, chuyển giao công nghệ vào sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
YBĐT - Qua gần 3 năm thực hiện, toàn tỉnh Yên Bái đã có 441 hộ tham gia chương trình chăn nuôi hàng hóa (dự kiến năm 2010 có 135 hộ), đảm bảo các tiêu chí nhận hỗ trợ từ chương trình, trong đó có 202 trang trại nuôi lợn thịt, 113 trang trại nuôi lợn nái và 126 trang trại nuôi gia cầm với tổng số tiền hỗ trợ tới trên 10 tỷ đồng.
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện tại nước về các hồ thủy điện đã được cải thiện nên các nhà máy nhiệt điện vận hành tương đối ổn định. Theo đó, tình hình cung cấp điện trong thời gian tới cũng sẽ an toàn hơn.
YBĐT - Trong 2 ngày 6-7/11/2010, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Hứa Đức Nhị làm trưởng đoàn đã đi kiểm tra tình hình hoạt động của các lâm trường quốc doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái.