Cây chè trên đất Trấn Yên
- Cập nhật: Thứ tư, 5/1/2011 | 2:11:24 PM
YBĐT - Từ năm 2003 đến nay, huyện Trấn Yên đã tích cực chỉ đạo và vận động người dân ở các địa phương trồng và thay thế những diện tích chè già cỗi bằng những giống chè mới như: LDP1, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên.
Nông dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên thu hái chè.
|
Nhờ đó đã nâng tổng diện tích chè chất lượng cao và chè lai của toàn huyện lên gần 600 ha (đạt khoảng 30% tổng diện tích), sản lượng chè búp tươi đạt gần 15.000 tấn/ năm, trong đó sản lượng chè chất lượng cao hơn 2.250 tấn.
Riêng năm 2010, toàn huyện đã trồng mới được 74,13 ha chè chất lượng cao (đạt 99% kế hoạch của năm), tập trung ở một số xã có diện tích trồng cải tạo lớn như: Bảo Hưng, Đào Thịnh, Hưng Thịnh, Vân Hội và Việt Thành.
Tuy nhiên việc phát triển cây chè hiện nay ở Trấn Yên đang có một thực tế là năng suất và chất lượng của cây chè còn hạn chế do tỷ lệ diện tích chè giống mới và chè thương phẩm còn thấp. Người nông dân chưa ứng dụng nhiều khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc và chế biến chè.
Hiện nay, huyện Trấn Yên vẫn chưa quy hoạch được các vùng chè đặc sản tập trung để xây dựng thương hiệu. Bảo Hưng là một trong những xã có diện tích chè lớn của huyện Trấn Yên, toàn xã hiện có hơn 200 ha chè, trong đó có trên 160 ha là chè kinh doanh.
Chủ tịch xã Nguyễn Văn Bẩy cho biết: “hiện nay có đến 80% hộ dân trong xã có thu nhập từ cây chè, vì vậy những năm qua, Bảo Hưng là một trong những xã đi đầu trong chương trình trồng cải tạo chè của huyện”.
Được biết, riêng năm 2010, xã Bảo Hưng đã trồng và cải tạo được 18,3 ha chè, nâng tổng số diện tích chè chất lượng cao của xã lên 65,2 ha. Hiện nay trên địa bàn xã có 2 cơ sở chế biến chè đen tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương (có thu nhập từ 2 đến 2,5 triệu đồng/người/tháng), trung bình mỗi ngày các cơ sở này có thể chế biến từ 5 đến 10 tấn chè búp tươi.
Để có đủ số lượng chè cần thiết cho chế biến thì các cơ sở này vẫn phải thu mua thêm nguyên liệu từ các xã lân cận. Cũng giống như xã Bảo Hưng, trong những năm qua xã Việt Cường đã tập trung vào cải tạo và thay thế diện tích chè trung du, chè già cỗi bằng các giống chè mới nhằm nâng cao năng suất và chất lượng chè. Tuy vậy, mỗi năm Việt Cường chỉ trồng thay thế được khoảng 10 ha, diện tích chè mới, chè lai hiện có của xã khoảng 40ha (chiếm 18% diện tích).
Ông Đỗ Kim Chiến - Phó chủ tịch UBND xã Việt Cường cho biết: “Giống chè cành đòi hỏi nhiều công chăm sóc và phân bón và chỉ phù hợp với những khu vực có độ dốc thấp nên việc chuyển đổi cơ cấu giống chè ở xã cũng gặp nhiều trở ngại, việc quy hoạch trồng cải tạo thành vùng tập trung lại càng khó”.
Thêm nữa, người dân trong xã vẫn chạy theo số lượng, chưa chú trọng nhiều đến việc sản xuất chè đặc sản và ứng dụng kỹ thuật chế biến khoa học. Chính vì vậy, tuy có diện tích chè lớn nhưng ở Việt Cường, các loại cây gỗ lâm nghiệp và cây lúa vẫn là nguồn thu nhập chính của người dân địa phương.
Để khắc phục những hạn chế trong sản suất chè và nâng cao năng suất, chất lượng cây chè, Trấn Yên sẽ tập trung đẩy mạnh trồng mới và thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống chè cành như: LDP1, Bát Tiên và Phúc Vân Tiên...
Bên cạnh đó, sẽ tập trung trồng cải tạo theo từng năm để quy hoạch các vùng sản xuất chè đặc sản gắn với chế biến thay đổi nhận thức của người dân trong trồng và chế biến chè với mục tiêu đưa cây chè không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà sẽ trở thành cây làm giàu cho người nông dân.
Thanh Tiến
Các tin khác
YBĐT - Sau nhiều năm trồng rừng liên tục gặp khó khăn, thì năm 2010 bà con nông dân, các lâm trường quốc doanh… đã trồng mới được 14.721 ha rừng các loại, đạt 105% kế hoạch năm.
Ngày 4-1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, số lượng lợn xuất khẩu sang Trung Quốc hiện không đáng kể. Điều này khác cách đây hơn một tháng, lợn thịt nườm nượp xuất sang Trung Quốc.
YBĐT - Xã Quang Minh nằm cách Trung tâm huyện Văn Yên hơn 30 km, toàn xã có 2.395 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày.
YBĐT - Năm nay, gia đình bà Hà Thị Phòng ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) sẽ đón một cái tết thật sung túc bởi nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), kinh tế đã bớt đi nhiều khó khăn.