Hiệu quả từ mô hình trồng rừng kinh tế ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ tư, 12/1/2011 | 9:32:27 AM
YBĐT - Sau 5 năm mô hình trồng rừng kinh tế bằng giống keo lai, keo hạt nhập nội, bạch đàn mô ở Văn Chấn đã cho kết quả tốt, xóa tan mọi nghi ngại về khí hậu, thổ nhưỡng...
Rừng bạch đàn mô 5 tuổi năng suất đạt 130 m3/ha.
|
Đất đai có nhiều nhưng do phong tục, tập quán canh tác cùng với những nghi ngại về khí hậu, thổ nhưỡng cho rằng vùng Mường Lò (Văn Chấn) không trồng được rừng kinh tế nên hàng ngàn ha đất màu mỡ bị bỏ hoang.
Năm 2006, Chi cục Phát triển lâm nghiệp tỉnh và huyện Văn Chấn xây dựng mô hình trồng rừng kinh tế bằng giống keo lai, keo hạt nhập nội, bạch đàn mô và sau 5 năm đã cho kết quả tốt, xóa tan mọi nghi ngại về khí hậu, thổ nhưỡng.
Thông qua mô hình nhân dân trong vùng đã phát triển trồng mới hàng ngàn ha rừng kinh tế, nay đã và đang phát triển mạnh góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp - nông thôn.
Nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương phát triển kinh tế - xã hội các huyện miền Tây, nhất là để công tác trồng rừng đạt hiệu quả, nâng cao nhận thức, làm thay đổi thói quen, tập quán canh tác của người dân và lựa chọn được cây trồng phù hợp đem lại hiệu quả kinh tế cao, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững. Năm 2006, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng huyện Văn Chấn xây dựng mô hình trồng thử nghiệm rừng kinh tế trên diện tích 10 ha, nằm trên địa bàn thôn Hồng Sơn, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
Tham gia thực hiện có 18 hộ dân trồng bằng giống bạch đàn mô, keo lai, keo hạt nhập nội, trong quá trình trồng và chăm sóc, thường xuyên tổ chức rút kinh nghiệm và có sự giám sát chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật. Các biện pháp kỹ thuật được thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế, rừng trồng được chăm sóc 3 lần/năm: lần 1 thực hiện vào tháng 3, tháng 4; lần 2 vào tháng 7 và tháng 8; lần 3 thực hiện vào tháng 10 và tháng 11, chủ yếu phát thực bì dây leo cây bụi cạnh tranh với cây trồng chính, chặt chồi, rẫy cỏ xung quanh gốc, tiếp tục bón phân NPK với liều lượng 0,2 kg/gốc.
Bên cạnh đó, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp còn tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho 60 lượt hộ nông dân, cấp phát 150 bộ tài liệu, tờ rơi, khuyến cáo nhân dân trồng rừng, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng…
Mặc dù trong quá trình trồng bà con trồng trên nhiều lô đất khác nhau (trồng ở chân đồi, đỉnh đồi, trồng ở sườn đồi nơi đất trống và trồng ở nơi đất canh tác lâu năm, trồng xen sắn, chè) nhìn chung cây sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 5 năm kể từ khi trồng, mặc dù diễn biến thời tiết khá phức tạp, năm 2008 rét đậm, rét hại kéo dài, có nhiều thời điểm xuất hiện sương muối, năm thì hạn hán 4 - 5 tháng trên địa bàn không có mưa hoặc lượng mưa thấp nhưng nhìn chung cây vẫn sinh trưởng và phát triển tốt, đồng đều.
Đối với diện tích trồng bằng giống bạch đàn mô đường kính trung bình đạt 13 cm, chiều cao đạt 13,7 m năng suất đạt trên 126 m3/ha; cây keo hạt nhập ngoại đường kính trung bình đạt 13,5 cm, chiều cao 12,8 m, năng suất đạt 128,8 m3/ha; đối với cây keo lai đường kính trung bình đạt 14,1 cm, chiều cao đạt 12,5 m, năng suất đạt trên 135 m3/ha. Như vậy, sau 5 năm thực hiện mô hình cho kết quả rất tốt, trữ lượng trung bình cả 3 loại giống đều đạt 130m3/ha, với giá bán gỗ nguyên liệu hiện tại thấp nhất là 600 ngàn đồng/m3 đã đem về cho người dân 78 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi 50 triệu đồng/ha. Nếu tiếp tục đầu tư thêm 2 năm nữa với tốc độ tăng trưởng bình quân 26m3/năm thì sản lượng sẽ đạt 182 m3, giá bán tạm tính bằng giá thấp nhất hiện tại thì lợi nhuận đạt 95 - 100 triệu/ha.
Qua đó cho thấy được hiệu quả kinh tế từ trồng rừng rất cao và khẳng định vùng Mường Lò hoàn toàn có thể trồng tốt được rừng kinh tế bằng giống keo lai, keo giống nhập nội và cây bạch đàn mô. Cũng qua mô hình này, người dân đã nhận thức rõ được tầm quan trọng của rừng cũng như nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và phát triển các loại cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao. Kết quả đó được thể hiện rõ diện tích trồng rừng của huyện Văn Chấn ngày một tăng qua các năm, từ 1.800 ha năm 2006 đã tăng lên 2.700 ha năm 2010 và là tiền đề cho quy hoạch, mở rộng vùng trồng rừng công nghiệp vào các huyện, thị phía Tây.
Tuy nhiên, để đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng lâm nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập giúp dân xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống người dân bằng nghề rừng, ngoài nỗ lực của bà con nông dân, sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, chúng ta cần tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ cho trồng rừng, xây dựng thêm các điểm mô hình để nhân dân cùng làm theo.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Đội ngũ kiến trúc sư ở Yên Bái đã góp phần làm nên nhiều công trình công cộng, các trường học theo chương trình kiên cố hóa, khu công nghiệp, các công trình y tế...
Chính phủ cần có những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, để giữ giá đồng tiền nội địa, từng bước giảm dần lãi suất huy động và cho vay, "kìm" tỷ giá ngoại tệ (đặc biệt là đồng USD).
YBĐT - Trưa 11/1, thông tin từ huyện Mù Cang Chải cho biết, diện tích mạ phục vụ cho gieo cấy 60% diện tích vụ xuân trên địa bàn huyện vẫn phát triển tốt.
YBĐT - Ở thành phố Yên Bái đã có 16 doanh nghiệp đã hoàn thành việc in hoá đơn trong năm 2010, 35 doanh nghiệp sẽ nhận hoá đơn trong tháng 1/2011.