Luôn đồng hành cùng sự phát triển nông - lâm nghiệp
- Cập nhật: Thứ hai, 21/2/2011 | 3:39:07 PM
YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, sản xuất - nông lâm nghiệp Yên Bái có những bước phát triển mạnh mẽ.
|
Từ một địa phương sản xuất nhỏ lẻ nay đã hình thành những vùng chuyên canh lớn gắn với chế biến thu hút hàng chục vạn lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Đạt được những kết quả đó là có sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, ngành nông nghiệp và sự nỗ lực của bà con nông dân, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp chế biến nông - lâm sản.
Ai đã từng gắn bó với với nông - lâm nghiệp Yên Bái mới thấy hết được sự phát triển không ngừng nghỉ của ngành nông - lâm nghiệp tỉnh nhà. Từ một tỉnh hàng năm thiếu hàng chục ngàn tấn lương thực thì hôm nay, không những chỉ đảm bảo được an ninh lương thực mà mỗi năm sản xuất được hàng chục ngàn tấn lúa gạo hàng hoá chất lượng cao. Một loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã liên doanh, liên kết với nông dân sản xuất, hình thành vùng lúa chất lượng cao ở Văn Chấn, Nghĩa Lộ, Trấn Yên, Văn Yên với diện tích hàng ngàn ha.
Trong sản xuất chế biến chè đã hình thành vùng nguyên liệu chè tập trung với diện tích gần 13 ngàn ha. Chè trồng đến đâu doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy đến đó. Nếu như vào những năm 90 của thế kỷ trước, toàn tỉnh mới có 4 đến 5 nhà máy chế biến chè, mỗi khi vào vụ thu hoạch nông dân lo ngay ngáy đầu ra cho sản phẩm thì nay đã có 71 nhà máy chế biến chè, sản xuất ra đến đâu thu mua hết đến đó.
Chỉ tính riêng trong năm 2010, nông dân trong tỉnh đã thu hái được 85 ngàn tấn chè búp tươi, các nhà máy thu mua hết với giá bình quân 2500 - 3000 đồng/kg và chế biến 25 ngàn tấn chè thành phẩm. Giá trị thu nhập từ chè đạt trên 300 tỷ đồng, tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động công nghiệp và hàng vạn hộ dân nông nghiệp. Sản phẩm chè Yên Bái đã và đang có chỗ đứng trên thị trường, nhiều sản phẩm chè xanh, chè đen, chè Ô Long được xuất khẩu sang các thị trường Đông - Tây Âu, Đài Loan, Nhật Bản và vùng Trung Đông.
Cùng với cây chè thì một hai năm trở lại đây, hàng ngàn hộ dân huyện Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn đang giàu khá lên nhờ cây sắn. Từ một nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên, đến nay trên địa bàn đã có 7 nhà máy chế biến với công suất hàng ngàn tấn củ mỗi năm. Nhà máy được xây dựng đồng nghĩa với việc phát triển vùng nguyên liệu tập trung với diện tích trên 12 ngàn ha; sản lượng đạt từ 250-270 ngàn tấn sắn củ mỗi năm.
Vùng quê Quang Minh huyện Văn Yên vài năm trước còn nghèo xơ nghèo xác thì nay đã trù phú hơn nhiều. Nhà xây, xe máy, ti vi cũng nhiều hơn. Chúng ta còn nhớ người dân Văn Yên khổ sở vì cành quế và lá quế sau mỗi vụ thu hoạch, bỏ đi không được, đốt đi không xong. Ấy thế mà từ khi nhà máy chế biến tinh dầu quế Văn Yên được đầu tư xây dựng, thế là “rác” cũng trở thành một nguồn thu đáng kể cho người trồng quế. Hàng ngày xe lớn, xe nhỏ nối đuôi nhau chở lá quế từ Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Yên Hợp... về nhà máy để chưng cất tinh dầu. Từ một vùng quế Văn Yên, nay cây quế đã được trồng khắp các địa phương trong tỉnh với diện tích trên 32.500 ha, sản lượng khai thác quế vỏ đạt 3 ngàn tấn, trong đó xuất khẩu trên 1.500 tấn.
Là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế trong phát triển lâm nghiệp, trong những năm qua, tỉnh Yên Bái đã có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho trồng rừng kinh tế. Đến nay toàn tỉnh đã có 200 ngàn ha rừng kinh tế, trên 229 ha rừng tự nhiên, sản lượng khai thác hàng năm đạt 200 ngàn m3 gỗ keo, bạch đàn, bồ đề và trên 130 ngàn tấn tre, vầu, nứa.
Rừng phát triển mạnh nhưng đầu ra cho sản phẩm cũng liên tục gặp khó khăn. Phần lớn gỗ rừng kinh tế đến chu kỳ khai thác bán cho Nhà máy Giấy Bãi Bằng, chỉ có số ít được đưa 2 công ty chế biến nông sản của tỉnh dẫn tới giá trị kinh tế thấp, lại bị ép cấp, ép giá.
Với quyết tâm đưa kinh tế rừng trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách thu hút đầu tư, nhất là trong chế biến nông - lâm sản. Thế là hàng loạt các nhà máy chế biến được xây dựng và đến nay trên địa bàn toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp, 31 hợp tác xã và 744 cơ sở chế biến gỗ. Nhà máy mọc lên không chỉ tiêu thụ nguyên liệu cho nông dân, giải quyết việc làm mà còn tăng giá trị kinh tế lên rất nhiều. Nhiều doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy với công nghệ hiện đại, sản xuất ra nhiều loại sản phẩm như: ván ghép thanh, ván ghép sàn, đồ gỗ gia dụng, ván bóc, ván ép... đạt chất lượng cao, đáp ứng cho xuất khẩu.
Có thể nói các doanh nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp đã làm thức dậy nhiều làng quê, nhà máy được xây dựng ở đâu cuộc sống người dân ở nơi đó được nâng lên. Nhìn một cách tổng thể thì các doanh nghiệp chế biến nông-lâm sản đóng góp chưa phải là nhiều vào ngân sách Nhà nước nhưng đã giải quyết khá nhiều lao động từ trực tiếp đến gián tiếp. Quan trọng hơn là các doanh nghiệp ngoài nhiệm vụ sản xuất kinh doanh để có lãi còn luôn đồng hành, chia sẻ cùng nông dân và vì sự phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh.
Ngọc Trúc
Các tin khác
YBĐT - Công ty TNHH Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam là Công ty con của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, một Tập đoàn có uy tín lớn tại thị trường Ấn Độ và trên thế giới với sản lượng khai thác hàng năm trên 1,5 triệu tấn.
YBĐT - Điện lực Yên Bái nhận thức rằng, chủ trương thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Yên Bái là việc làm đúng đắn và rất cần thiết.
YBĐT - Để phát triển kinh tế, quan điểm của lãnh đạo tỉnh Yên Bái là phải tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp nhanh chóng vươn lên, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh địa phương.
YBĐT - Công tác thu ngân sách luôn được huyện Trạm Tấu quan tâm và coi là một nhiệm vụ chính trị quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.