Đập Xayabury sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam

  • Cập nhật: Thứ ba, 22/2/2011 | 7:59:29 AM

Lào đang có kế hoạch xây dựng đập thủy điện Xayabury trên dòng chính sông Mekong gây nhiều tranh cãi.

Ngày 22-2, Ủy ban sông Mekong Việt Nam sẽ có cuộc họp tại Hạ Long để tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học xung quanh vấn đề này. Trước cuộc họp, TS Tô Văn Trường, chuyên gia về thủy lợi, nhận định:

Hiện nay vào mùa khô, nhánh sông Hậu qua địa bàn xã Đa Phước và thị trấn An Phú, huyện An Phú (An Giang) thường xuyên bị khô cạn. Việc đi lại, vận chuyển bằng đường thủy hết sức khó khăn.

Vị trí Lào dự định xây đập Xayabury.

Ông Tô Văn Trường 

- Xayabury là đập dâng có chiều dài 820m, chiều cao 32,6m, cao độ đỉnh đập: 254m, diện tích hồ chứa 49km2, dung tích hữu ích 225 triệu m3, công suất lắp máy 1.285 MW.

Tôi chưa được xem bản vẽ chi tiết thiết kế, nếu công trình đập dâng có cống xả cát thì việc lắng đọng phù sa trong lòng hồ không đáng kể. Các hồ chứa lớn có dung tích chết để chứa cát. Mặc dù có thiết kế đường đi cho cá nhưng thực tế sông rộng đến 820m, chắc chắn ảnh hưởng đến thủy sản.

Đối với các nhà máy thủy điện kiểu đập dâng thường là loại nhà máy điều tiết ngày, có chức năng trữ nước trong ngày và phát điện giờ cao điểm. Khi trữ nước thì phía hạ lưu không có dòng chảy nên sẽ ảnh hưởng tới việc sử dụng nước dưới hạ lưu, ảnh hưởng các loài thủy sinh, giao thông thủy gặp khó khăn, xâm nhập mặn ở hạ lưu sông Mekong - tức là đồng bằng sông Cửu Long - sẽ sâu hơn.

- Không chỉ là đập Xayaburi, theo quy hoạch thì Lào, Thái Lan và Campuchia có thể xây dựng tới 12 bậc thang thủy điện trên dòng chính Mekong, có thể hình dung ra tác động đến Việt Nam như thế nào?

- Năm 1994, khi tôi còn làm việc ở Ban thư ký Mekong ở Bangkok, các chuyên gia thủy điện đã tranh cãi rất nhiều về tác hại của các hồ chứa thủy điện nên họ đã chuyển hướng hầu hết từ hồ chứa sang dạng đập dâng. Muốn đánh giá cụ thể phải xem xét đặc trưng của từng hồ như vị trí, quy mô, quy trình vận hành...

Nguyên tắc các hồ có dung tích lớn, càng gần Việt Nam như Sambor và Stung Treng (Campuchia) thì tác động càng nhiều đến môi trường sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long, kể cả đa dạng sinh học. Khi xây dựng cả 12 bậc thang sẽ phải phá rừng nhiều, lắng đọng phù sa trong lòng hồ, tác động đến thủy sản, thay đổi chế độ dòng chảy gây xói lở hạ lưu...

Nếu gặp trường hợp vỡ đập sẽ xảy ra hiện tượng “domino” là thảm họa không lường hết được.

- Việt Nam nên có hành động gì để Lào có thể hoãn việc xây dựng đập Xayabury? Vai trò của Ủy hội sông Mekong ở đây thế nào?

- Ban thư ký Ủy hội sông Mekong (MRC) đã yêu cầu phía Lào cung cấp các thông tin theo đúng quy định của thủ tục thông báo, tham vấn và thỏa thuận của MRC (PNPCA). Hiện nay MRC đã lập nhóm công tác và đang tiến hành tiến trình “tham vấn” các quốc gia ven sông.

Theo quy định tại PNPCA, cần sáu tháng cho tiến trình này, và MRC dự kiến tháng 4-2011 sẽ hoàn tất. Qua nghiên cứu tài liệu đánh giá môi trường chiến lược của MRC và một số tài liệu liên quan, cho thấy các tài liệu cơ bản của chủ đầu tư cung cấp còn rất hạn chế, chưa có đánh giá tác động môi trường, tác động tích lũy, xuyên biên giới...

Việt Nam cần dựa vào hiệp định Mekong 1995, công luận quốc tế, nghiên cứu đưa ra các yêu cầu cụ thể có tính pháp lý cả về luật pháp và quản lý lưu vực sông vì quyền lợi chung của các nước trong lưu vực.

Đặc biệt, yêu cầu phải có tham vấn các cộng đồng dân cư bị ảnh hưởng. Công việc này còn tốn rất nhiều thời gian, qua bài toán đánh đổi “được, mất” mới có thể đi đến sự đồng thuận cao.

- Có ý kiến cho rằng nếu Lào, Thái Lan và Campuchia xây dựng 12 bậc thang thủy điện thì Việt Nam là một trong số các nước được nhập khẩu điện để bù đắp phần năng lượng hiện đang rất thiếu, và nếu Việt Nam không đầu tư vào thủy điện ở Lào thì các nước khác cũng đầu tư? Quan điểm của ông ra sao?

- Chắc chắn nếu Việt Nam không đầu tư thì Trung Quốc, Thái Lan và một số nước khác sẽ quan tâm đầu tư công trình thủy điện ở hạ lưu Mekong. Trước đây, Việt Nam cũng đã cử Tập đoàn Dầu khí sang giúp Lào nghiên cứu xây dựng đập thủy điện Luang Prabang theo hình thức BOT để chuyển điện về Sơn La.

Một số công trình thủy điện trên dòng nhánh như Xekaman 1, 2, 3 mục đích cấp điện cho Kon Tum. Tuy nhiên, hầu hết các nhà máy thủy điện khác rất khó cung cấp nguồn điện cho Việt Nam vì giá thành còn phụ thuộc vào đường truyền tải điện.

Về nguyên tắc, điện áp càng cao, tổn thất dọc đường sẽ nhỏ nhưng do địa hình đồi núi hiểm trở, khoảng cách xa nên giá thành rất cao.

- Cá nhân ông kiến nghị những gì để hiểm họa của việc xây đập trên sông Mekong bị chặn lại?

- Về khía cạnh khoa học kỹ thuật và cơ sở pháp lý trong hiệp định MRC, các cơ quan chức năng của Việt Nam phải yêu cầu phía Lào cung cấp đầy đủ các cơ sở dữ liệu cơ bản, chủ động nghiên cứu, lượng hóa các tác động xấu của việc xây đập đến hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam. Vận động, tranh thủ tiếng nói của cộng đồng quốc tế, các tổ chức môi trường, ý kiến của người dân để tăng sức ép với chủ đầu tư.

Mặt khác, phải tính toán đến phương án nếu Lào vẫn cương quyết xây dựng thì phải đưa ra các giải pháp giảm thiểu các tác động đến môi trường như quy mô thiết kế, quy trình vận hành các hồ chứa...

- Xin cảm ơn ông.

55% chiều dài Mekong thành hồ chứa nước?

Nếu cả 12 dự án trên đây được thực hiện thì 55% tổng chiều dài của sông sẽ biến thành các hồ chứa nước. Nhưng tất cả các dự án đó được triển khai và vận hành cũng chỉ cung cấp 6-8% nhu cầu đỉnh (thời điểm sử dụng điện cao nhất) năm 2025 của bốn nước Việt Nam, Thái Lan, Lào và Campuchia.

Vì vậy, sự đóng góp của 12 đập này chỉ đúng bằng mức tăng trưởng điện một năm. Điều đáng lưu ý là Lào dự kiến xây dựng thủy điện mật độ dày đặc nhưng chỉ sử dụng 4%, 96% còn lại được xuất khẩu chủ yếu sang Thái Lan và VN.

Nếu các con đập được xây lên, hạ lưu sông Mekong sẽ không còn thời gian chuyển mùa trong năm, lượng phù sa sẽ thay đổi, độ phì nhiêu sẽ bị giảm đi rất nhiều. Các con đập sẽ tích một lượng nước khổng lồ nhất trong lịch sử.

Giả định các con đập cùng xả nước, xả lũ khẩn cấp thì trong vòng 1-2 giờ, mực nước vùng hạ lưu có thể dâng lên 3-6m. Như vậy, chúng ta có thể thấy tác động kinh hoàng của nó trong trường hợp xấu. Vậy mà chưa thấy ai đề cập việc xây đập điều tiết ở phía hạ lưu. Nếu 12 đập thủy điện được xây dựng thì cần ba con đập để điều tiết nước.

Ai sẽ xây ba con đập, vận hành và chi trả kinh phí cho nó: Lào, Thái Lan hay Việt Nam?

TS Jeremy Carew-Raid (giám đốc Trung tâm quốc tế về quản lý môi trường, chuyên gia dự án đánh giá môi trường khu vực hạ lưu sông Mekong)

(Theo TTO)

Các tin khác
Quầy giao dịch khách hàng của BIDV Yên Bái.

YBĐT - Những năm qua, BIDV Yên Bái luôn đi đầu trong việc hiện đại hóa công nghệ, phát triển các sản phẩm dịch vụ cũng như áp dụng chính sách nhằm chia sẻ cơ hội với các khách hàng.

Cửa hàng vật liệu xây dựng thuộc Tổng công ty Hòa Bình Minh phục vụ tốt người tiêu dùng.

YBĐT - Tổng công ty Hoà Bình Minh tiền thân là Công ty trách nhiệm hữu hạn TNHH Hoà Bình (tỉnh Yên Bái) được thành lập ngày 20/04/1993. Buổi ban đầu thành lập chỉ có 8 lao động với ngành nghề kinh doanh chính là vật liệu xây dựng như: xi măng, sắt thép, trang thiết bị nội thất.

YBĐT - Trong vài năm trở lại đây, sản xuất - nông lâm nghiệp Yên Bái có những bước phát triển mạnh mẽ.

YBĐT - Công ty TNHH Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam là Công ty con của Tập đoàn R.K Marble Ấn Độ, một Tập đoàn có uy tín lớn tại thị trường Ấn Độ và trên thế giới với sản lượng khai thác hàng năm trên 1,5 triệu tấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục