Bao giờ Trạm Tấu thoát nghèo?

  • Cập nhật: Thứ ba, 29/3/2011 | 2:48:10 PM

YBĐT - Cái mà nơi non cao này rất cần đó là sự tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể cho tỉnh đề ra chủ trương, chính sách đúng, trúng, sát với tình hình thực tế, từng bước đưa các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Tập kết vật liệu chuẩn bị làm đường giao thông vào xã Hát Lừu.
Tập kết vật liệu chuẩn bị làm đường giao thông vào xã Hát Lừu.

Những năm qua, nhờ sự đầu tư của Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, các ngành trong tỉnh, Trạm Tấu đã và đang có sự chuyển biến theo hướng tích cực. Cùng với đó là sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo, tạo khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tất cả đều vì mục tiêu đưa Trạm Tấu thoát khỏi tốp 61 huyện nghèo của cả nước.

Yếu tố ngoại lực

Thực hiện Thông báo số 06 - TB/TU ngày 10/1/2006 của Tỉnh ủy Yên Bái và sau khi điều chỉnh tại Thông báo số 613-TB/TU ngày 7/5/2010, đã có 11 ban, ngành, đoàn thể của tỉnh được Tỉnh ủy Yên Bái phân công phụ trách xã của huyện TrạmTấu.

Huyện ủy Trạm Tấu phân công 72 đồng chí, trong đó có 7 đồng chí trong Ban Thường vụ, còn lại là các trưởng, phó các cơ quan, ban, ngành của huyện phụ trách xã, thị trấn, thôn bản.

Với nhiệm vụ được giao, các đơn vị của tỉnh và huyện đã thực hiện tốt công tác phụ trách theo qui chế của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và huyện thực hiện theo Qui định đối với cán bộ phụ trách cơ sở.

Các ban, ngành đã thường xuyên chỉ đạo, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể có bước chuyển tích cực.

Cùng với động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh lao động sản xuất để nâng cao đời sống, từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán không còn phù hợp, xây dựng đời sống văn hóa mới.

Các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và tổ công tác của huyện đã thường xuyên chia sẻ, ủng hộ, giúp đỡ các xã về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc tại trụ sở xã, nhà trường, trạm y tế.

Các cháu học sinh được ủng hộ sách bút, chăn màn, quần áo, tổ chức vui tết Trung thu, ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6, tết cổ truyền của dân tộc Mông… Các hộ nghèo, gia đình chính sách được quan tâm hỗ trợ kinh phí, quà tết, được các cán bộ y tế tuyến trên về khám chữa bệnh.  

Các ngành phụ trách xã đã quan tâm tăng cường cán bộ để giúp cơ sở, huy động cán bộ đoàn viên tại đơn vị lên lao động tình nguyện từ hướng dẫn đồng bào ăn ở theo nếp sống văn hóa mới đến ủng hộ kinh phí khắc phục phục diện tích rừng bị cháy, giúp đỡ xây dựng nhà văn hóa, hỗ trợ gia súc sinh sản cho các hộ nghèo có điều kiện phát triển kinh tế… 

Tạo khâu đột phá 

Ngoài sự giúp đỡ tận tình từ các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, nguồn lực đầu tư của Nhà nước thông qua các chương trình dự án 134, 135, 30a... Trạm Tấu đã phát huy nội lực, tạo bước đột phá với mục tiêu đưa huyện thoát nghèo.

Đồng chí Ngô Ngọc Tuấn - Bí thư Huyện ủy cho biết: “Để đạt được mục tiêu trên, ngay từ những ngày đầu nhiệm kỳ mới Đảng bộ huyện đã triển khi thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trên các lĩnh vực, trong đó, tập trung vào một số khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, phòng - an ninh. Đối với sản xuất nông lâm nghiệp huyện đã chuyển dần diện tích trồng lúa nương, sắn sang trồng cây ngô đồi".

Được biết, ngay trong các tháng đầu năm, toàn huyện đã triển khai gieo cấy 740 ha lúa đông xuân, tăng 253 ha, nhân dân đã chủ động làm đất để gieo trồng 1.681 ha ngô, tăng 371 ha.

Để đáp ứng nhu cầu thức ăn chăn nuôi, huyện chỉ đạo trồng 165 ha cỏ voi, mỗi xã xây dựng từ 2 mô hình sản xuất và chăn nuôi áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nhân dân học tập và nhân rộng.

Trong tập trung tạo khâu đột phá, huyện đã có kế hoạch xây dựng 2 đề án sản xuất công nghiệp và đưa vào hoạt động là cơ sở sản xuất cơ khí và gạch không nung phục vụ nhu cầu tại địa phương.

Đồng thời, kiểm tra, rà soát việc triển khai thực hiện các dự án đã được cấp phép trên địa bàn như thủy điện, khai khoáng nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa vào hoạt động.

Chương trình 3 không “Không phá, không đốt rừng làm nương; không trồng không hút thuốc phiện; cư trú theo qui định và sản xuất theo quĩ đất đã được bố trí, không di dịch cư tự do” cũng là một trong những khâu quan trọng được huyện đề ra và triển khai thực hiện tốt.

Huyện đã xác định 100 điểm nhạy cảm, có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao chỉ đạo các lực lượng kiên quyết cưỡng chế đối với các hộ tự ý đốt nương làm rẫy tại các điểm nhạy cảm nên không còn hiện tượng đốt rừng làm nương tại các điểm này, không có cháy rừng xảy ra.

Huyện đã giao cho xã thành lập các tổ kiểm tra sát sao công tác phòng chống cháy rừng, tái trồng cây thuốc phiện. Do vậy, trong các tháng đầu năm toàn huyện phát hiện triệt phá kịp thời trên 2.500m2 diện tích cây thuốc phiện mới trồng tại Làng Nhì, Tà Xi Láng.

Thời gian qua, tỷ lệ học sinh đến lớp ở cấp tiểu học và trung học cơ sở đạt thấp (khoảng 60-80%). Do vậy, từ giữa tháng 3 vừa qua huyện đã có chủ trương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn ủng hộ kinh phí, cơ sở vật chất tạo điều kiện để các trường bán trú dân nuôi trên toàn huyện mua sắm trang thiết bị tổ chức nấu cơm trưa cho các cháu học sinh.

Đây là một động thái tích cực, kịp thời, bảo đảm  học sinh đi học đầy đủ, đạt tỷ lệ chuyên cần cao.

Cần giải pháp thoát nghèo

Trạm Tấu nay đã khác, không những có điện mà ngay cả đường, trường, trạm… đã được đầu tư khang trang, cuộc sống nơi đây đang có những bước chuyển tích cực nhờ sự đầu tư của Nhà nước sự quan tâm giúp đỡ nhiều về mọi mặt của các cấp ngành trong tỉnh.

Tuy nhiên, Trạm Tấu vẫn là huyện nghèo, số hộ nghèo hiện chiếm tới 69,5%, nếu tính mỗi năm giảm vài phần trăm thì bao giờ Trạm Tấu mới thoát nghèo? Để trả lời câu hỏi này là cả một vấn đề hết sức khó khăn.

Trước hết, Trạm Tấu rất cần sự quan tâm sát sao hơn từ các cấp, ngành, nhất là các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh được phân công phụ trách huyện, xã. Việc giúp đỡ, ủng hộ kinh phí cho địa phương và đồng bào vẫn chỉ là cho "con cá".

Cái mà nơi non cao này rất cần đó là sự tham mưu của các ban, ngành, đoàn thể cho tỉnh đề ra chủ trương, chính sách đúng, trúng, sát với tình hình thực tế, từng bước đưa các xã thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Song song với đó, cấp ủy - chính quyền địa phương cần phát huy nội lực, quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương, đặc biệt là các thế hệ học sinh - nguồn cán bộ tương lai của huyện.

Đó mới là nhân tố tích cực, quyết định đưa Trạm Tấu thoát nghèo một cách bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Trạm Tấu lần thứ XIV đã đề ra (đưa huyện thoát khỏi diện nghèo vào năm 2015).

Văn Trung

Các tin khác

Sáng 29-3, giá vàng trong nước tiếp tục đà giảm mạnh từ chiều hôm trước, xuống ngưỡng 36,5 - 36,7 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, tỷ giá USD trong hệ thống ngân hàng thương mại cũng giảm.

Đơn giản thủ tục hành chính tiến 10 bậc so với năm 2009, Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 trong số 10 nền kinh tế cải cách nhiều nhất về mức độ thuận lợi của môi trường kinh doanh.

Hầu hết các nhà máy sản xuất sắn trên địa bàn đều khó khăn trong xử lý ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa

YBĐT - Do không tuân thủ nghiêm những biện pháp để bảo vệ môi trường, năm 2009, nhà máy sắn Nghĩa Lộ của Công ty TNHH Minh Quang đầu tư đã bị đình chỉ hoạt động.

Yên Bái đã giãn tiến độ thi công 73 dự án để điều tiết vốn sang các dự án trọng điểm khác. Ảnh minh họa

YBĐT - Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, toàn tỉnh Yên Bái đã hoãn dừng khởi công 25 dự án với tổng mức đầu tư trên 45 tỷ đồng

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục