Giảm thuế cho DN nhỏ và vừa từ quý 3/2011?
- Cập nhật: Thứ sáu, 22/7/2011 | 7:51:35 AM
Chiều 21/7, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thay mặt Chính phủ chính thức trình Quốc hội việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và các nhân.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh.
|
Giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp
Về thuế thu nhập doanh nghiệp, theo tờ trình của Chính phủ, sẽ giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2011 đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm, thủy hải sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế xã hội và một số ngành nghề sản xuất, kinh doanh quan trọng.
Đồng thời, giảm 50% mức thuế khoán (bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp) từ quý III/2011 đến hết năm 2011 đối với cá nhân, hộ kinh doanh cho thuê đối với công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh…
Tuy nhiên, tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị chỉ xem xét giảm thuế đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ (236.500 doanh nghiệp), không giảm đối với các doanh nghiệp như tờ trình của Chính phủ.
Cơ quan này cho rằng, khó khăn hiện nay cần tháo gỡ là phải tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với mức lãi suất hợp lý. Và việc vừa giãn thuế vừa giảm thuế trên diện rộng sẽ tạo tiền lệ không tốt trong thực hiện pháp luật.
Mặc dù, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính - Ngân sách đều đồng ý áp dụng giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho công nhân, sinh viên, học sinh xa nhà, song đề nghị cân nhắc việc giảm 50% mức thuế khoán. Hiện, mức thu thuế khoán chỉ mang tính tương đối và mức thu khá thấp nên việc miễn cho các đối tượng khoán thuế là chưa hợp lý. Trong khi đó, nếu thực hiện việc giảm 50% thuế khoán sẽ hụt thu khoảng 800-900 tỷ đồng.
Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị cân nhắc không nên miễn toàn bộ thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân, chỉ trường hợp thật cần thiết có thể giảm thuế với một tỷ lệ nhất định.
Theo đó, chuyển nhượng chứng khoán là hoạt động kinh doanh vì lợi nhuận nên việc miễn toàn bộ thuế là chưa công bằng với nhiều lĩnh vực khác. Hơn nữa, tại thời điểm hiện nay, lợi nhuận thu được từ hoạt động kinh doanh chứng khoán mặc dù có giảm hơn so với trước song thuế thu nhập cá nhân đánh theo tỷ lệ % nên cơ bản vẫn đảm bảo tính công bằng, hợp lý.
Việc Chính phủ đề nghị thực hiện miễn thuế TNCN từ 1/8 đến hết 31/12 đối với cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế TNCN ở bậc 1 cơ bản nhận được sự đồng ý từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách. Song, cũng không ít ý kiến đề nghị cân nhắc việc miễn thuế vì phương án mà Chính phủ đưa ra chỉ mang tính chất động viên, sức lan tỏa của chính sách không lớn, chưa đảm bảo tính công bằng, không giúp nhiều vì mức thuế được miễn quá ít.
Dự kiến, việc thông qua Nghị quyết về việc ban hành bổ sung một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2011 sẽ được Quốc hội thảo luận vào phiên Bế mạc (chiều 6/8).
Nhiều khoản chi tăng đột biến
Cũng trong chiều 21/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cũng đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2009.
Theo đó, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước là 629.187 tỷ đồng, tổng chi 715.216 tỷ đồng, trong đó chi trả nợ, viện trợ chiếm hơn 13%. Bội chi ngân sách là 114.442 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP.
Ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong năm 2009 để chặn đà suy giảm kinh tế, nhưng Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng cho rằng, chính sách tài khóa và tiền tệ nới lỏng cũng đã gây áp lực lên mặt bằng giá, tạo nguy cơ lạm phát cao.
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tài chính - Ngân sách, nhiều khoản chi tăng đột biến. Tổng chi ngân sách năm 2009 đạt 561.273 tỷ đồng, tăng 142% trong đó tăng chi đầu tư phát triển là 60,8%.
Dù việc giải ngân đã được đẩy nhanh hơn, chỉ còn 13% số dự án đầu tư chậm giải ngân, nhưng vẫn có những bộ, ngành giải ngân năm 2009 chưa đạt 50% kế hoạch như: Đài truyền hình Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt, Bộ Xây dựng...
Riêng với vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc bổ sung vốn khá lớn "chưa căn cứ vào khả năng ngân sách, chưa có cơ chế quản lý, phân cấp trách nhiệm phù hợp". Không ít trường hợp bổ sung nhiều hạng mục không đúng mục tiêu của chương trình, dàn trải đầu tư, nợ đọng lớn…
Số sai phạm về quản lý đầu tư vẫn nhiều và tăng so với năm trước. Sai phạm xảy ra ở tất cả các khâu, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến quyết toán dự án.
Việc đánh giá hiệu lực, hiệu quả chi đầu tư phát triển hạn chế. Tình trạng xây dựng cơ bản dở dang, nợ khối lượng xây dựng cơ bản… có xu hướng tăng đột biến, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Trong khi các lĩnh vực đảm bảo phát triển bền vững: y tế, giáo dục, khoa học công nghệ chi không đạt dự toán được giao thì khoản chi cần tiết kiệm như chi quản lý hành chính lại tăng 4,2%. 19/32 địa phương được kiểm toán chi quản lý hành chính tăng trên 30% so với dự toán.
(Theo VTC)
Các tin khác
YBĐT - Tháng 7, trời chuyển mưa nhiều cũng là lúc vụ thu hoạch lạc bắt đầu. Trên đất bán ngập vùng hồ Thác Bà, nhân dân khẩn trương thu hoạch lạc trước khi lũ tiểu mãn đổ về. Cùng với niềm vui về một vụ lúa bội thu, nhân dân vùng hồ lại phấn khởi trước một vụ lạc được giá.
YBĐT - Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo và các thôn, bản thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên quá trình điều tra rất thuận lợi, người dân cung cấp thông tin đúng, đủ, chính xác.
Nguy cơ lạm phát cao, bất ổn kinh tế vĩ mô đã trở thành thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam năm 2011.
YBĐT - Những năm gần đây, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và sự năng động của người dân Giới Phiên, thành phố Yên Bái đang dần, vươn lên, xây dựng quê hương ấm no, hạnh phúc.