Xanh hóa vùng cao

  • Cập nhật: Thứ bảy, 28/1/2012 | 10:24:04 AM

YBĐT - Đây là mục tiêu đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Mù Cang Chải (Yên Bái) đề ra nhằm phát triển kinh tế vùng cao theo hướng bền vững.

Rừng trồng phòng hộ ở xã Púng Luông.
(Ảnh: Thanh Miền)
Rừng trồng phòng hộ ở xã Púng Luông. (Ảnh: Thanh Miền)

Một tư duy mới với quyết tâm mới đã tạo ra những chuyển động quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả tích cực thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế vùng cao, đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống…

Xanh đồng, xanh rừng, xanh nhà

Tăng diện tích gieo cấy lúa vụ xuân vẫn là khâu đột phá trong sản xuất nông nghiệp vùng cao. Năm 2011 là năm sản xuất vụ xuân hết sức khó khăn do diễn biến bất thường, bất lợi của thời tiết. Với quyết tâm cao, chỉ đạo sát sao và có giải pháp khắc phục kịp thời, chủ động, Mù Cang Chải đã thực hiện gieo cấy trên 730ha lúa vụ xuân. Trên 6.900 tấn lúa giống Nhị ưu 838 đã được cấp bổ sung cho nông dân để gieo cấy những diện tích mạ chết do rét đậm, rét hại. Mạng lưới thủy lợi Nhà nước đầu tư và nhân dân tu sửa, tham gia nâng cấp đã bảo đảm nước cho 97% diện tích.

Trong điều kiện rất khó khăn do ảnh hưởng của thời tiết, năng suất lúa vụ xuân bình quân vẫn đạt 45 tạ/ha, sản lượng thóc thu hoạch trên 3.280 tấn. Khắc phục hạn chế về diện tích gieo cấy lúa, huyện chỉ đạo quyết liệt phát triển mạnh cây ngô đông xuân với diện tích 1.100ha; ở những nơi không thể trồng lúa, ngô, các xã chỉ đạo nhân dân trồng trên 300ha đậu tương, lạc xuân. Kết thúc vụ đông xuân 2011, sản lượng lương thực đạt 6.475 tấn, tăng 14,2% so với vụ đông xuân trước.

Cơ cấu mùa vụ, cây trồng tiếp tục chuyển dịch mạnh trong sản xuất vụ mùa. Trong 2.468ha lúa ruộng cấy, huyện đưa vào gieo trồng chủ yếu là các dòng lúa lai năng suất cao, phù hợp điều kiện tự nhiên vùng cao. Các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và dịch vụ nông nghiệp được thực hiện đồng bộ, kịp thời tạo thuận lợi cho sản xuất.

Sản lượng thóc vụ mùa thu hoạch đạt trên 9.640 tấn, năng suất bình quân gần 39 tạ/ha. Cây ngô đã trở thành cây trồng quan trọng, chủ lực trong hai vụ sản xuất chính và vụ thu đông. Vụ hè thu, diện tích ngô gieo trồng cho thu hoạch là trên 850ha, sản lượng ngô hạt trên 2.476 tấn. Vụ thu đông đã gieo trồng thêm 645ha ngô, đưa tổng diện tích ngô cả năm lên trên 2.000ha.

Những nỗ lực trong tăng vụ, chuyển dịch cơ cấu cây trồng đã đem lại những kết quả phấn khởi trong sản xuất lương thực vùng cao. Tổng sản lượng lương thực năm 2011 của Mù Cang Chải đạt trên 21.500 tấn, chia bình quân lương thực đạt 400 kg/người, vượt chỉ tiêu đề ra. Mục tiêu đề ra của huyện tới năm 2015 là đưa diện tích sản xuất hai vụ chính và vụ đông xuân lên 3.250ha, tăng giá trị trên diện tích canh tác lên từ 30% - 35% so với hiện nay, riêng cây ngô trồng và thâm canh từ 3 - 4 vụ/năm.

Lúa lai năng suất cao được thâm canh ở Nậm Khắt. (Ảnh: A Mua)

Rừng là thế mạnh của vùng cao, tiềm năng đất đai của Mù Cang Chải để phát triển rừng còn rất lớn. Hướng đi của huyện là đẩy mạnh phát triển rừng phòng hộ gắn với sản xuất, giải pháp là chuyển dịch mạnh cơ cấu cây lâm nghiệp, mục tiêu là tăng độ che phủ rừng nhưng để người dân tiến tới sống được nhờ rừng. Huyện đã chỉ đạo thực hiện phân loại rừng, quy hoạch sử dụng đất, thực hiện tốt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, trong đó có đất lâm nghiệp.

Ban Quản lý rừng phòng hộ làm nòng cốt trong việc phát triển vốn rừng và hỗ trợ dịch vụ lâm nghiệp cho người dân. Năm 2011, huyện đã trồng mới 850ha rừng các loại, trong đó đã đưa vào trồng mới 50ha cây sơn tra, vối thuốc, chủ yếu là sơn tra. Một số xã như Nậm Có, La Pán Tẩn… đã chuyển dịch diện tích đất trồng lúa nương năng suất, hiệu quả thấp sang trồng sơn tra.

Mù Cang Chải phấn đấu trong vòng 5 năm phát triển vùng sơn tra tập trung từ 250 - 300ha, thiết thực “xanh hóa” vùng cao, đưa tỷ lệ che phủ của rừng lên 63% (năm 2011, tỷ lệ này đã đạt 56%). Trong phong trào “Ba xanh”, Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo, thực hiện “xanh nhà” với các chỉ tiêu cụ thể để người dân tận dụng đất đai, sản xuất rau màu, bảo đảm nhu cầu sử dụng hàng ngày như: mỗi hộ trồng từ 3 - 5 gốc su su, 300 - 500m2 rau xanh. Một việc bình thường ở vùng thấp nhưng có ý nghĩa thiết thực ở vùng cao.

“Ngô hóa” đất nương

Mô hình trồng rau sạch ở xã Khao Mang. 

Đất sản xuất lương thực luôn là vấn đề “nóng” ở vùng cao. Tổng diện tích ruộng gieo cấy lúa nước của Mù Cang Chải chưa nổi 2.500ha/năm, tăng vụ lúa xuân cũng chỉ thêm khoảng 1.000ha. Trong khi đó, còn trên 1.200ha đất nương chỉ dùng sản xuất lúa một vụ, năng suất ì ạch 1,1 tấn/ha, giá trị từ 5 - 7 triệu đồng/ha. Về lý thuyết, tổng sản lượng lương thực của Mù Cang Chải ở mức bảo đảm an ninh lương thực nhưng vẫn chưa thực đủ cho người dân vùng cao, lương thực làm ra có tăng nhưng vẫn chưa thực đủ ăn. Hàng năm, số lượng gạo hỗ trợ cho dân vẫn khoảng 500 - 600 tấn, năm 2011 là trên 550 tấn.

Thực hiện Nghị quyết của Tỉnh ủy về điều chỉnh đất đai, tăng giá trị và hiệu quả sử dụng đất vùng cao, trong đó có đất sản xuất nông nghiệp, Đảng bộ Mù Cang Chải đã nghị quyết hàng năm chuyển từ 150 - 200ha nương trồng lúa sang trồng ngô, sắn cao sản. Với quyết tâm cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã đề ra mục tiêu tới năm 2014 chuyển xong 1.200ha đất trồng lúa nương sang trồng ngô và cây lương thực khác có giá trị kinh tế cao, chủ yếu là ngô.

Năm 2011, Huyện ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ này. Các cấp chính quyền, đoàn thể đã vào cuộc với quyết tâm cao, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi, trong đó thông qua các mô hình chuyển đổi cho hiệu quả cao. Người dân đã nhận thức được lợi ích của việc chuyển đổi, 1ha trồng ngô cho giá trị kinh tế gấp từ 3 - 6 lần trồng lúa nương.

Vụ đông xuân 2011 - 2012, nhân dân đã đăng ký chuyển đổi 427ha đất lúa nương sang trồng ngô, đó là một thành công có tính đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ ở Mù Cang Chải, mở ra hướng phát triển mới có tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, góp phần “xanh hóa” vùng cao.

Quốc Khánh

Các tin khác

YBĐT - Không phải bây giờ mà có lẽ đã từ rất lâu đời cây bưởi Đại Minh đã gắn bó vời người dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Không ai có thể nhớ rõ cây bưởi có từ bao giờ, nhưng có một điều mà người dân nơi đây thầm tự hào về quê hương họ là hương bưởi Đại Minh đã bay xa tới nhiều địa phương, bưởi đã làm nên cuộc sống của người dân nơi đây giúp họ ngày một khá giả.

Lãnh đạo Sở Kế hoạch & Đầu tư, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Yên Bái cùng các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn trong san tạo mặt bằng tại Khu công nghiệp phía Nam.

YBĐT - Năm 2012 và những năm tiếp theo, Yên Bái tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút các nhà đầu tư vào địa bàn tập trung vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, công nghiệp chế biến, chế biến sâu trong lĩnh vực nông - lâm sản, khai khoáng và du lịch.

Các cơ sở kéo sợi tơ tằm ở Trấn Yên cho thu nhập kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. (Ảnh: Hoàng Đô)

YBĐT - Có phải xuân hay lòng người dân Tân Đồng phơi phới xuân khi mà công cuộc xây dựng nông thôn mới đang mở ra bao vận hội tốt đẹp để mỗi người dân nơi đây được thoả sức lựa chọn cho mình, cho con cháu mình những cơ hội đổi đời mà chỉ nay mới có; được chung tay góp sức cùng Đảng, cùng Chính phủ xây dựng nông thôn mới trên quê núi ngày một giàu đẹp, văn minh.

Ba ba trong ao nuôi của ông Đoàn Vũ Nghề.

YBĐT - Tân Mão qua đi - một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nông dân Yên Bái khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư, phân bón, thị trường nhiều biến động... nhưng với sự năng động, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, những nhà nông cũng đã cùng nhau vượt qua khó khăn và giành được một mùa vụ bội thu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục