Nghề làm tranh đá quý ở Lục Yên
- Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2012 | 8:52:02 AM
YBĐT - Lâu nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) được biết đến như “thủ phủ” của đá quý. Không những vậy, những tác phẩm tranh được làm từ đá đã đem lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo ở địa phương. >>Ngọc vào tranh đá Lục Yên
Dạy nghề làm tranh đá quý tại cơ sở Hồng Ngọc.
|
Các cơ sở chế tác tranh đá quý trên địa bàn huyện Lục Yên luôn gây ấn tượng đặc biệt với khách thăm quan bởi những bức tranh cỡ lớn được làm từ nguyên liệu đá quý, đa dạng về đề tài và màu sắc. Cơ sở chế tác đá quý Hồng Ngọc là một trong những điểm thu hút đông đảo khách hàng đến thăm quan và mua sắm bởi có những tác phẩm tranh đẹp, mang tính nghệ thuật cao. Hoạt động từ hơn 10 năm nay, cơ sở không những ăn nên làm ra mà còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho trên 30 lao động.
Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở chế tác tranh đá quý Hồng Ngọc cho biết: “Chuyên sản xuất, chế tác đá quý, bên cạnh việc coi trọng chất lượng của sản phẩm, chúng tôi luôn quan tâm giải quyết việc làm cho lao động, đặc biệt là lực lượng thanh niên nông thôn có mức thu nhập trung bình từ 2 đến 4 triệu đồng mỗi tháng”.
Kỹ thuật làm tranh đá quý hết sức công phu, từ khâu sơ chế đá, chuốt đá, chọn đá màu đến vẽ tranh, ghép đá… đều thể hiện sự tài hoa, khéo léo của bàn tay con người. Trung bình từ hai đến ba ngày mới có thể hoàn thành một bức tranh đá quý khổ nhỏ, còn đối với những bức tranh cỡ lớn, nhiều họa tiết thì phải mất cả tuần.
Mỗi bức tranh thành công là sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng phối cảnh của người họa sĩ với đôi bàn tay khéo léo của người ghép đá, chăm chút công phu từng họa tiết. Hầu hết lao động của của các cơ sở chế tác tranh đá quý đều là các thanh niên trẻ, có óc sáng tạo, ham học hỏi nên có thu nhập tương đối ổn định từ nghề này.
Chị Vương Thị Hằng ở xã Minh Xuân cho hay: “Tôi làm nghề chế tác tranh đá quý được hơn 7 năm. Nghề này nói chung phải chịu khó, ham học hỏi và sáng tạo thì tay nghề sẽ được nâng lên”. Hiện nay, trên địa bàn huyện Lục Yên có hơn 30 cơ sở sản xuất tranh, tập trung chủ yếu ở thị trấn Yên Thế.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Lục Yên cho biết: “Hiện nay, Lục Yên có hơn 30 hộ vừa làm vừa bán tranh đá quý, mỗi hộ có từ 5 đến 30 lao động. Tính riêng nghề làm tranh đá đã giải quyết việc làm cho 250 lao động địa phương”.
Nghề chế tác, làm tranh đá quý ở Lục Yên đang có nhiều triển vọng. Huyện hiện có nhiều cơ sở lớn như: Công ty Việt Phương, các cơ sở Tích Tuyết, Ngọc Sơn Lâm, Dung Mến, Công ty TNHH Đức Tín - Ngọc Đại Phát… kinh doanh cả mặt đá trang sức, tranh và đá gốc. Các cơ sở này đã và đang góp phần không nhỏ tạo việc làm ổn định cho lao động nông thôn địa phương.
Khắc Điệp
Các tin khác
Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tiến độ dự án nhà ở công nhân, nhà ở học sinh, sinh viên và nhà ở cho người thu nhập thấp, nêu rõ những vấn đề tồn tại và đề xuất, kiến nghị giải pháp.
YBĐT - Nhiều người gọi HTX Dịch vụ tổng hợp Hoàng Thắng (thôn 6, xã Hợp Minh, thành phố Yên Bái) là HTX của những người lính.
Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Phạm Văn Phượng đã có văn bản số 630/VPCP-KTTH đề nghị Bộ Tài chính xem xét khả năng giảm thuế nhập khẩu khí gas hoá lỏng (LPG) từ 5% xuống 2% như đề nghị của Hiệp hội Gas Việt Nam.
Mở cửa phiên đầu tuần, giá vàng châu Á tăng gần 10 USD so với giá chốt phiên cuối tuần trước hôm 11/2, cũng tại thị trường này.