Trạm Tấu: Chuyển đổi rừng phòng hộ sang rừng sản xuất

  • Cập nhật: Thứ ba, 14/2/2012 | 2:52:57 PM

YBĐT - Việc chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất sẽ giúp các xã ở Trạm Tấu (Yên Bái) có thêm tư liệu sản xuất  và việc quản lý các diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện cũng thuận lợi hơn.

Là xã có diện tích rừng dự kiến chuyển đổi lớn nhất huyện, hiện nay xã Bản Mù huyện Trạm Tấu có hơn 6.200ha rừng.

Đồng chí Sùng A Lù - Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho biết, ngay sau khi có văn bản hướng dẫn của tỉnh và của huyện, xã đã phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý rừng phòng hộ và Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức rà soát thực địa các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sau đó tổ chức họp dân xin ý kiến về các diện tích rừng dự kiến chuyển đổi.

 Theo đó xã Bản Mù dự kiến sẽ chuyển đổi 1.697,9ha trong đó diện tích có rừng trồng là 619,8ha, diện tích có rừng khoanh nuôi tái sinh là 308,4 ha, diện tích có rừng tự nhiên là  17,1 ha và diện tích đất trống là 752,2ha.

Hiện nay, huyện Trạm Tấu có hơn 49 nghìn ha đất lâm nghiệp theo Quyết định 261 của UBND tỉnh Yên Bái, trong đó có hơn 35 nghìn ha rừng phòng hộ.

Đồng chí Nguyễn Phúc Cường - Phó chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Thực hiện Công văn số 1904 ngày 09/09 năm 2011 của UBND tỉnh Yên Bái về việc báo cáo tình hình quản lý sử dụng đất lâm nghiệp, UBND huyện Trạm Tấu đã họp thống nhất với  các ngành chức năng, thành lập  tổ rà soát  khảo sát hiện trường đất, rừng đã quy hoạch cho phòng hộ dự  kiến chuyển sang sản xuất".

Theo đó đối tượng rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng là đất trống, đất có rừng phòng hộ gồm rừng trồng đang trong thời kỳ chăm sóc, rừng trồng đã chuyển sang bảo vệ, rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh.

Địa điểm chuyển đổi là những diện tích được phân cấp phòng hộ theo kết quả rà soát 3 loại rừng năm 2007, đối tượng xung yếu, ít xung yếu, đối tượng đất gần khu dân cư, đất gần đường giao thông,đất dự kiến quy hoạch cho xây dựng các công trình, đất dân bao chiếm, bãi chăn thả gia sức, những xã có ít diện tích sản xuất... phù hợp với việc phát triển rừng sản xuất.

Việc chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất sẽ giúp các xã có thêm tư liệu sản xuất  và việc quản lý các diện tích rừng phòng hộ trên địa bàn huyện cũng thuận lợi hơn.

Là cơ quan trực tiếp phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ huyện trong việc rà soát diện tích đất, rừng quy hoạch cho phòng hộ  dự kiến chuyển sang sản xuất, Hạt Kiểm lâm huyện đã cử cán bộ kiểm lâm địa bàn trực tiếp phối hợp với Ban quản lý rừng phòng hộ xuống các xã tổ chức đi rà soát thực tế trong quá trình rà soát đặc biệt chú ý đến các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu cần phải chuyển đổi, các diện tích là bãi chăn thả, đất dân bao chiếm, đất dự kiến quy hoạch xây dựng các công trình phúc lợi công cộng... để các diện tích dự kiến chuyển đổi có hiệu quả sát thực.

Theo Công văn 334 ngày 15/2/2006 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc rà soát quy hoạch 3 loại rừng thì tiêu chí quy hoạch các diện tích rừng  phải đến khoảnh, đến thửa, tức là diện tích quy hoạch phải đảm bảo từ 80-100ha. Áp dụng theo tiêu chí này, thực tế việc chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu của huyện Trạm Tấu sang rừng sản xuất gặp không ít khó khăn do đặc điểm địa hình bị chia cắt, có độ dốc cao.

Ông Thào A Tàng - Chủ tịch UBND xã Túc Đán phân bua: "Việc chuyển đổi các diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu sang rừng sản xuất là một chủ trương đúng đắn, thông qua việc chuyển đổi này nhân dân trong xã sẽ có thêm đất để canh tác phát triển sản xuất nhưng có những tình huống rất khó xử.

Ví dụ xã có một khoảnh rừng phòng hộ dự kiến được chuyển đổi sang rừng sản xuất là 50 ha nhưng thực tế chỉ có khoảng 3 ha là có thể canh tác được còn lại là các vách đá nên chưa biết xử lý thế nào.

Đối với trường hợp này, huyện Trạm Tấu chủ trương đề nghị chỉ chuyển đổi những diện tích có thể canh tác được diện tích còn lại chuyển sang khoanh nuôi.

Sau một thời gian chỉ đạo tích cực với sự chỉ đạo sát sao của UBND huyện mà trực tiếp là đồng chí Phó chủ tịch UBND huyện, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban quản lý rừng phòng hộ, Hạt Kiểm lâm huyện, sự vào cuộc tích cực của chính quyền các xã và sự đồng thuận của nhân dân, huyện Trạm Tấu đã có kết quả rà soát diện tích đất, rừng quy hoạch cho phòng hộ dự kiến chuyển sang sản xuất.

Theo đó huyện dự kiến chuyển đổi 6.697,4ha rừng phòng hộ ở 10 xã trên địa bàn huyện sang rừng sản xuất trong đó đất có rừng trồng là 1.704,9ha, đất có rừng khoanh nuôi tái sinh là 1.492,9ha, đất có rừng tự nhiên là 496,4ha  và đất trống là 3.003,2ha.

Một số xã dự kiến có diện tích chuyển đổi lớn là: Bản Mù 1.697,9ha, Xà Hồ 961,3ha, Tà Xi Láng 877,2 ha, Bản Công 772,6ha...

Đồng chí Lại Văn Quang - Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ cho biết: Bên cạnh thuận lợi là có thêm tư liệu đất sản xuất cho nhân dân, diện tích mà Ban quản lý rừng phòng hộ của huyện quản lý sẽ tập trung hơn chứ không manh mún... thì việc chuyển đổi các diện tích rừng trên cũng không tránh khỏi khó khăn vì Ban quản lý sẽ mất đi quyền lợi tổ chức bộ máy quản lý.

Mặt khác sau khi chuyển đổi mục đích rừng từ phòng hộ sang sản xuất, đối tượng là rừng trồng phòng hộ, nguồn tài sản do Ngân sách Nhà nước đầu tư  nên khi giao cho hộ gia đình quản lý thì người nhận có tiếp nhận toàn bộ vốn đầu tư hay không?.

Cùng với đó, các diện tích rừng trồng phòng hộ đang trong thời kỳ chăm sóc năm 2-3 thì người tiếp nhận phải cam ký cam kết tiếp tục bỏ vốn để chăm sóc đối tượng rừng này hay không. Do loại rừng này trồng bằng những đối tượng cây với mục đích là phòng hộ có chu kỳ kinh doanh dài, năng suất thấp nên dễ bị chặt bỏ để trồng cây có giá trị kinh tế cao, điều này sẽ rất khó khăn cho công tác bảo vệ rừng.

Thêm vào đó, nguồn hỗ trợ cho diện tích rừng trồng lâu nay nhân dân được hưởng sẽ bị cắt giảm, các hộ dân sẽ thiếu vốn đầu tư vào  trồng rừng sản xuất. Do vậy để đảm bảo cho việc quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp trên địa bàn vùng cao Trạm Tấu có hiệu quả, tỉnh nên có chương trình khảo sát thực tế, xây dựng phương án, quy hoạch chi tiết theo giai đoạn từ 10-15 năm để các cơ quan chức năng tại cơ sở căn cứ thực hiện vụ sản xuất  trên diện tích được giao đúng mục đích đạt hiệu quả.

Thu Hằng

Các tin khác

YBĐT - Ngày 14/2, Ban Chỉ đạo Chống thất thu NSNN tỉnh Yên Bái tổ chức sơ kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 12/2011/CT- UBND tỉnh Yên Bái về tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nợ đọng đối với các loại thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác của Ngân sách Nhà nước.

Nhiều cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn thành phố Yên Bái nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.

YBĐT - Tính đến thời điểm tháng 10/2011, thành phố Yên Bái có 24 cơ sở kinh doanh gas, các cơ sở này thực hiện nộp thuế khoán tại các đội thuế, tập trung chủ yếu tại các phường: Nguyễn Thái Học 4 cơ sở, Đồng Tâm 4 cơ sở, Yên Thịnh 6 cơ sở, Minh Tân 3 cơ sở, Yên Ninh 3 cơ sở...

Dạy nghề làm tranh đá quý tại cơ sở Hồng Ngọc.

YBĐT - Lâu nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) được biết đến như “thủ phủ” của đá quý. Không những vậy, những tác phẩm tranh được làm từ đá đã đem lại giá trị kinh tế cao, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo ở địa phương. >>Ngọc vào tranh đá Lục Yên

Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo tiến độ dự án nhà ở công nhân, nhà ở học sinh, sinh viên và nhà ở cho người thu nhập thấp, nêu rõ những vấn đề tồn tại và đề xuất, kiến nghị giải pháp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục