“Mũi nhọn” của thị trấn Yên Bình

  • Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2012 | 3:55:39 PM

YBĐT - Với việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ cơ chế, chính sách đến thủ tục vay vốn, ngành thương mại-dịch vụ ở thị trấn Yên Bình (Yên Bình) đã có sự tăng trưởng khá và đang dần trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Khách hàng đến mua sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại ô tô Hoà Bình.
Khách hàng đến mua sản phẩm tại Công ty TNHH Thương mại ô tô Hoà Bình.

So với nhiều địa phương khác, thị trấn Yên Bình có vị trí địa lý thuận lợi, là cửa ngõ vào thành phố Yên Bái, nằm trên tuyến đường Hà Nội - Lào Cai rất thuận lợi để phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ.

Ông Lương Mạnh Hùng - Bí thư Đảng bộ thị trấn cho biết: “Tài nguyên và diện tích đất phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp ít nên chủ trương của thị trấn là tập trung phát triển thương mại -dịch vụ, coi đây là mũi nhọn trong phát triển kinh tế”. Theo ông Hùng, để thúc đẩy ngành thương mại-dịch vụ phát triển, thị trấn đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đồng thời tăng cường thu hút đầu tư thông qua việc tạo hàng lang thông thoáng cho các doanh nghiệp từ mặt bằng sản xuất, kinh doanh cho đến thủ tục vay vốn…

Theo thống kê, hiện thị trấn có khoảng 800 hộ và hàng chục doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh thương mại, trong đó có một số trung tâm thương mại lớn, góp phần nâng mức tăng trưởng kinh tế trên địa bàn thị trấn đạt 16 - 17%.

Ông Lại Trung Đoàn, chủ nhà hàng Đoàn Oanh, một trong những nhà hàng lớn trên địa bàn, cho biết: “Với diện tích trên 400m2, nhà hàng của chúng tôi có thể phục vụ cho trên 700 người. Đặc biệt, với việc hoàn thiện cơ sở vật chất, thời gian tới chúng tôi sẽ phục vụ thêm cho các đám cưới, hội nghị, đảm bảo phục vụ cho 200 mâm”.

Được biết, doanh thu hàng năm của nhà hàng lên tới trên 1 tỷ đồng và tạo công ăn việc làm ổn định cho từ 10-12 lao động với mức thu nhập 1,5-4 triệu đồng/tháng. Ngoài một số dịch vụ phụ trợ phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp như: sửa chữa cơ khí, vận tải, chế biến gỗ rừng trồng, dịch vụ ăn uống, du lịch đã hình thành và phát triển, hiện nay trên địa bàn thị trấn đã có mặt nhiều công ty, doanh nghiệp lớn. Với mặt hàng kinh doanh chính là ô tô Thaco Trường Hải, Công ty TNHH thương mại ô tô Hòa Bình là một trong số những doanh nghiệp lớn đóng trên địa bàn với tổng vốn đầu tư gần 20 tỷ đồng.

Chị Hà Thị Hảo - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty cho biết: “Sau khi đi vào hoạt động, tình hình sản xuất kinh doanh rất thuận lợi, doanh thu năm 2011 của công ty đạt 150 tỷ đồng”. Bí thư Đảng bộ thị trấn cho biết: “Nhằm phục vụ nhu cầu của người dân, thời gian qua thị trấn đã chỉ đạo phát triển thêm ngành nghề chăm sóc, tạo hình sinh vật cảnh. Từ đó đã có nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng từ bán cây cảnh”.

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, thị trấn sẽ vận động thành lập các hợp tác xã, công ty hoạt động trong các ngành nghề mũi nhọn của địa phương nhằm tạo việc làm cho người lao động; tiếp tục khuyến khích đối với lĩnh vực dịch vụ nhà hàng, khách sạn, phấn đấu đến năm 2015, công nghiệp, thương mại, dịch vụ chiếm 80% cơ cấu nền kinh tế với mức tăng trưởng bình quân 13%.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo ông Hùng, thị trấn đang tiến hành khảo sát một số địa điểm, vị trí để đề nghị huyện tạo mặt bằng giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất; xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển thương mại - dịch vụ; tiến hành thảo luận, đưa ra phương hướng chiến lược để thúc đẩy ngành thương mại - dịch vụ phát triển; thực hiện tốt các chính sách về thủ tục hành chính, vay vốn để giúp các hộ gia đình và doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất.

Cường Hùng

Các tin khác

YBĐT - Mỗi người dân khi phát hiện thấy có gia cầm chết bất thường phải tiến hành cách ly và báo các cơ quan chức năng, tuyệt đối không ăn thịt gia cầm ốm, chết.

YBĐT - Năm 2012, QTDND Đông An phấn đấu đưa tổng số thành viên lên trên 1.000 người, tăng vốn điều lệ lên 860 triệu đồng, huy động tiền gửi đạt 30 tỉ đồng, phấn đấu dư nợ cuối năm 2012 đạt 13,2 tỉ đồng...

Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030.

Ngày 16-2, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết đã cho Vinashin vay 292 tỷ đồng với lãi suất 0% và thời hạn tối đa 12 tháng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục