"Xanh mặt" vì "tai xanh"
- Cập nhật: Thứ năm, 29/3/2012 | 9:43:30 AM
YBĐT - “Cơn bão tai xanh" đang bùng phát mạnh tại huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ đã khiến hàng nghìn hộ chăn nuôi lợn đứng trên bờ vực phá sản. Cùng với đó là những hiệu ứng của "tai xanh" khiến cho người dân “xanh mặt”. >> Văn Chấn quyết tâm khống chế dịch tai xanh
Đã 5 giờ chiều mà quầy thịt của cô Phúc vẫn còn quá nửa.
|
Tính đến ngày 27/3, dịch lợn tai xanh đã xuất hiện ở hai xã Hạnh Sơn, Phúc Sơn và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Dịch cũng đã và đang tấn công đàn lợn của người dân ở 6/7 xã, phường của thị xã Nghĩa Lộ làm cho 492 con lợn mắc bệnh.
Dịch ập đến quá nhanh khiến các hộ chăn nuôi điêu đứng. Song, điều đáng nói ở đây là hậu quả của dịch tai xanh không chỉ làm thiệt hại đến các hộ chăn nuôi "dính" dịch mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi có lợn không mắc bệnh. Trước khi có dịch, giá lợn hơi đã giảm nay thêm dịch tai xanh giá lại càng tụt thê thảm.
Khi nghe tin huyện Văn Chấn có dịch tai xanh, gia đình chị Lường Thị Loan ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) có đàn lợn gần chục con đến kỳ xuất chuồng, tư thương lợi dụng thông tin này chỉ trả chị 25.000 đồng/kg lợn hơi nên chị quyết định không bán. Vì theo chị, nếu nuôi 1 con lợn bán được giá như trước đây là 48.000 đồng/kg mới lãi có hơn 200.000 đồng nay bán giá này thì lỗ to. Dịch tai xanh bùng phát không chỉ ảnh hưởng đến người chăn nuôi mà còn gây tâm lý hoang mang cho các bà nội trợ.
“Gia đình tôi hơn tuần nay rồi không ăn thịt lợn, thịt bán ở chợ chẳng biết thế nào, có bị bệnh tai xanh hay không nên tốt nhất là không ăn” – bác Phạm Thị Thạo, tổ 13, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ cho biết.
Bác sỹ Nguyễn Đình Liên - Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Virus tai xanh không lây sang người, chỉ cần nấu chín là virus đã chết. Vì thế, người dân vẫn có thể hoàn toàn yên tâm, không nên quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn”. |
Chị Vũ Thị Ngân, phường Pú Trạng (thị xã Nghĩa Lộ) cho biết: "Mặc dù thịt lợn gần như là món ăn chính của gia đình nhưng phải đến gần chục ngày nay khi nghe tin có dịch tai xanh trên địa bàn gia đình mình không dám ăn nữa, bây giờ chỉ tôm, cá, thịt gà… thôi. Vài tuần trước, tôi đi chợ không dám mua thịt lợn, lúc đấy dẫu ở đây chưa có dịch tai xanh nhưng tốt nhất là không ăn bởi lượng thịt xuất ra thị trường ai đứng ra đảm bảo là an toàn vệ sinh thực phẩm, không mang dịch bệnh”.
Chợ Mường Lò có khoảng trên 30 phản thịt, nhiều ngày nay ế ẩm. Đã gần 5 giờ chiều nhưng phản thịt của cô Vũ Thị Phúc tại chợ Mường Lò vẫn còn quá nửa. Cô Phúc cho biết: Trước đây, quầy thịt của cô bán chạy như tôm tươi, hàng xóm quanh đây ngày nào cũng mua. Nhưng gần đây do có dịch tai xanh nên thịt lợn ế ẩm. Và đó là tình trạng chung của các quầy thịt tại chợ Mường Lò. Những ngày trước, bình quân mỗi quầy bán 1 tạ lợn hơi thì giờ giảm xuống còn một nửa.
Người nuôi có đàn lợn khỏe mạnh cũng không khỏi lo lắng.
Thấy chúng tôi đi tìm hiểu về lợn tai xanh, một bác đang chần chừ trước quầy thịt ngoảnh sang hỏi: "Thịt này có phải bị tai xanh không, mấy cháu? ". Tôi trả lời: "Bác yên tâm, các ổ dịch đều có các trạm kiểm dịch nên không thể vận chuyển lợn ra ngoài được đâu". "Các cháu không biết chứ tôi thấy người ta đúc lợn vào bao tải chở đi có giời mới biết được!"- nói xong, bác quày quả bỏ ra hàng cá.
Lời nói của người khách hàng cũng phản ánh một phần, trong thời điểm nhạy cảm này, việc kiểm dịch, kiểm soát giết mổ đang gặp những khó khăn nhất định. Dấu kiểm dịch do ngành thú y đóng là dấu hiệu để chứng minh lợn sạch. Tuy nhiên, hiện nay không ít lượng thịt bán ngoài thị trường không có dấu kiểm dịch. Bên cạnh đó, chưa kể đến hầu hết việc đóng dấu lợn chủ yếu bằng cảm quan, dẫn đến những người kỹ tính chọn cách nhịn ăn thịt lợn hoặc có ăn thì cũng hạn chế. Có thể nói, dịch bệnh tai xanh ập đến không chỉ người chăn nuôi trong ổ dịch lao đao mà người ngoài vùng dịch cũng đang "xanh mặt", người tiêu dùng thì hoang mang.
Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Đình Liên- Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn cho biết: “Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn (còn gọi là bệnh tai xanh) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh, làm chết nhiều lợn. Tuy nhiên, virus tai xanh không lây sang người, chỉ cần nấu chín là virus đã chết. Vì thế, người dân vẫn có thể hoàn toàn yên tâm, không nên quá hoang mang mà tẩy chay thịt lợn”.
Để phòng chống dịch một cách triệt để và bảo vệ sức khỏe người dân, cơ quan thú y và chính quyền địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác giám sát, khống chế dịch; tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về dịch bệnh tai xanh; tăng cường kiểm tra, kiểm soát công tác vận chuyển, giết mổ, buôn bán lợn, sản phẩm từ lợn. Người tiêu dùng không nên ham rẻ mua thịt lợn ốm, mua thịt không rõ nguồn gốc, đặc biệt không gây tư tưởng hoang mang người tiêu dùng như tẩy chay thịt lợn làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
Văn Thông - Hồng Duyên
Các tin khác
Việt Nam và Campuchia sẽ hợp tác chặt chẽ trong việc thu thập, phát triển và phân tích thông tin liên quan đến những giao dịch tài chính bị nghi ngờ liên quan đến rửa tiền, tài trợ cho khủng bố.
Theo Trung Nguyên, nhà máy cà phê hòa tan thứ hai tại Bắc Giang nhằm đáp ứng nhu cầu gia tăng sử dụng sản phẩm thị trường Trung Quốc.
YBĐT - Bằng nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và sự quan tâm của chính quyền địa phương, diện mạo nông thôn xã Phúc An, huyện Yên Bình những năm gần đây đã và đang có bước khởi sắc.
YBĐT - Hiện nay, vấn đề giải phóng mặt bằng (GPMB) đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đoạn qua tỉnh Yên Bái (dài trên 80 km qua 3 huyện, thành phố) đã được các cấp, các ngành và địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.