Chăn nuôi gia cầm - chăn cả “gốc” lẫn “ngọn”

  • Cập nhật: Thứ sáu, 3/8/2012 | 9:29:34 AM

YBĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi gia cầm. Thời gian qua, tỉnh đã có những chính sách khuyến khích động viên người dân phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia cầm nói riêng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khi chăn nuôi gia cầm từ nhỏ lẻ “bứt phá” lên xây dựng theo hướng hàng hóa.

Sau một thời gian nuôi quy mô 1.000 con gia cầm/lứa, bà Phạm Thị Thắm lại trở về với mô hình nuôi gà thả vườn 200 con.
Sau một thời gian nuôi quy mô 1.000 con gia cầm/lứa, bà Phạm Thị Thắm lại trở về với mô hình nuôi gà thả vườn 200 con.

Chính sách hỗ trợ chăn nuôi hàng hóa được thực hiện từ năm 2008.  Giai đoạn 2008 - 2011, toàn tỉnh đã có 149 cơ sở chăn nuôi gia cầm từ 1.000 con/lứa trở lên được nhận hỗ trợ. Mục tiêu của chính sách hỗ trợ là tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Trong năm qua, từ các cơ sở chăn nuôi này đã có hàng vạn con gia cầm, hàng triệu quả trứng được chăn nuôi an toàn cung cấp ra thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của địa phương và một phần xuất ra thị trường bên ngoài.

Để khuyến khích người dân mở rộng chăn nuôi, chính sách đã điều chỉnh mức hỗ trợ từ 10 triệu đồng/cơ sở lên 15 triệu đồng/cơ sở vào năm 2011. Trong năm 2012, kế hoạch đề ra là hỗ trợ 70 cơ sở và 6 tháng đầu năm các huyện, thị, thành phố đã đăng ký được 49 cơ sở. Điều đó cho thấy có rất nhiều nông dân tâm huyết với việc chăn nuôi gia cầm.

Tuy nhiên, để chăn nuôi bền vững không phải đơn giản. Mạnh dạn phát triển, mạnh dạn đầu tư nhưng duy trì được lâu dài hay không lại là chuyện khác. Hiện nay, trong số hàng trăm cơ sở chăn nuôi kể trên đã có không ít cơ sở phải dừng hoạt động hoặc quay trở về với quy mô nhỏ hơn.

Nguyên nhân thì có nhiều nhưng chủ yếu xuất phát từ dịch bệnh và giá cả thị trường bấp bênh. Đã lâu rồi, khu chuồng trại được xây dựng kiên cố, rộng rãi với quy mô hơn 100m2 của gia đình bà Phạm Thị Thắm, thôn Đồng Vật, xã An Thịnh (Văn Yên) bị bỏ trống. Bao công sức của gia đình đổ vào đấy, từ cải tạo chuồng trại, tìm mua gà giống chất lượng, tham gia tập huấn chăn nuôi an toàn, bà đã mở rộng chăn nuôi từ vài ba trăm con lên 1.000 con/lứa. Tâm huyết là thế nhưng cũng chỉ được vài tháng là bà lại quay trở về với quy mô 200 con như trước kia.

Bà Thắm cho biết: “Có chính sách  của tỉnh, nông dân cũng phấn khởi, mặc dù số tiền đó chỉ giúp được phần nào trong việc đầu tư nhưng không hiểu sao tiêm phòng đầy đủ rồi mà gà vẫn mắc nhiều loại bệnh, nay khô chân, khô mỏ, mai lại chướng diều, bệnh này chưa khỏi đã đến bệnh khác. Gia đình tôi chọn nuôi không đúng thời điểm, giá gà thấp, bán được có 40 - 50.000 đồng/kg. Lúc bán lại khó khăn, thỉnh thoảng bán cho đám cưới được vài chục con, còn lại là bán lẻ. Nản quá nên thôi, nuôi mấy trăm con gà thả vườn, vừa nhàn mà người mua cũng thích”.

Từ ngày chuyển sang nuôi gà “đi bộ”, gà “lấm chân”, lại dễ bán hơn vì tâm lý nhiều người tiêu dùng cho đây là gà “sạch”, thịt thơm ngon, loáng cái bà Thắm có thể bán hết lứa gà trăm con với giá 90 - 100 nghìn đồng/kg. Vậy là dự định chăn nuôi lớn coi như tắt hẳn, cái chuồng mới xây vẫn chưa hết mùi vôi vữa có lẽ sẽ được dùng vào việc khác.

Với các cơ sở chăn nuôi, duy trì được số lượng đầu đàn đã khó, tìm được đầu ra cho sản phẩm còn nan giải hơn. Hầu hết, các chủ cơ sở phải loay hoay tự tìm đầu ra cho sản phẩm. Quy mô chăn nuôi hàng nghìn con nhưng nhiều cơ sở vẫn chủ yếu bán nhỏ lẻ tại các chợ địa phương. Huyện Yên Bình là một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển, từ năm 2008 đến nay, nông dân của huyện đã đầu tư xây dựng 51 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô 1.000 con/lứa.

Theo thống kê của Trạm Khuyến nông huyện, đến tháng 3/2012, đã có 5 cơ sở dừng chăn nuôi, 23 cơ sở duy trì chăn nuôi nhưng với quy mô dưới 1.000 con/lứa, 23 cơ sở vẫn duy trì ở mức trên 1.000 con/lứa.

Mỗi chủ cơ sở ở đây lại có những cách tiêu thụ sản phẩm khác nhau. Khu chăn nuôi của gia đình ông Nguyễn Văn Cát (thôn Hợp Thịnh, xã Phú Thịnh) nằm riêng biệt trên một quả đồi. Với trên 2.000 con/lứa, ông nuôi từ gà nuôi nhốt, gà thả vườn, gà đẻ trứng, gà thịt, gà con…Ông cho biết: “Sản phẩm cần phong phú để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng. Gà giống, gà thịt, gà thả vườn, nhà tôi đều có cả”.

Mỗi ngày bán vài chục cân gà thịt, cộng lại từ đầu năm đến giờ ông cũng đã bán được hơn 34 triệu đồng, chưa kể trứng và con giống. Anh Bùi Minh Hoàng (tổ 12, thị trấn Yên Bình) lại khác. Mỗi chiều, anh chở hơn 1.200 quả trứng từ trang trại 1.600 con gà đi giao cho các đầu mối, gà thịt anh lại bán cho đầu mối chuyên cung cấp cho các đám cưới.

Với số lượng gia cầm trên 3 triệu con, sản lượng thịt đạt trên 2.000 tấn mỗi năm nhưng mới đảm bảo cung cấp cho thị trường tiêu thụ tại chỗ, rất ít cơ sở có thể cung cấp cho thị trường ngoại tỉnh. Một nghịch lý đang tồn tại hiện nay trong khi các cơ sở tìm cách bán gà thì tại các chợ vẫn thấy xuất hiện gà đông lạnh, gà có nguồn gốc xuất xứ từ bên ngoài mà chưa rõ chất lượng.

Nhiều ý kiến từ các cơ quan chuyên môn cũng như các hộ nông dân đều cho rằng quy mô đầu tư ban đầu 1.000 con/lứa là quá lớn, việc đầu tư quản lý, chăm sóc tìm đầu ra cho sản phẩm gặp nhiều khó khăn, chưa phù hợp với điều kiện thực tế về cả đất đai và vốn đầu tư của nông dân.

Nếu giảm mức hỗ trợ xuống 500 con/lứa và có những chính sách hỗ trợ phù hợp đối với trang trại quy mô lớn vài nghìn con sẽ tạo động lực mạnh mẽ hơn cho chăn nuôi gia cầm. Chăn nuôi cần đầu tư lớn, một trang trại quy mô 1.000 con/lứa cần số vốn khoảng 100 triệu đồng, chưa kể tiền thức ăn khoảng 1 triệu đồng/ngày, do đó, cần có cơ chế tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư và duy trì sản xuất lâu dài. Chăn nuôi muốn bền vững cần nhiều điều kiện, trong đó, khâu chủ động con giống tại chỗ, phòng trừ dịch bệnh là việc phải làm ngay.

Bên cạnh đó, vấn đề đầu ra cho sản phẩm có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, cần có liên kết “4 nhà” trong chăn nuôi gia cầm để tạo hướng đi bền vững, tạo thị trường và giá cả ổn định. Người chăn nuôi cũng cần chủ động tìm nơi tiêu thụ sản phẩm trước khi bắt tay vào đầu tư lớn và trong quá trình chăn nuôi nên tạo ra các loại sản phẩm đa dạng, chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ngoài ra, lực lượng quản lý thị trường, thú y cần kiểm soát chặt chẽ việc nhập gia cầm từ bên ngoài, không để gà nhập lậu, gà kém chất lượng tiêu thụ trên thị trường. Điều đó có nghĩa chăn nuôi muốn phát triển cần phải chăm lo cả “phần gốc” lẫn “phần ngọn”.

Hồng Khanh

Các tin khác

Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước về thực hiện tạm ứng vốn đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (NSNN) và trái phiếu chính phủ (TPCP).

YBĐT - Chiều ngày 2/8, Hội đồng Bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Yên Bái đã tổ chức trao giải cho 16 sản phẩm đạt giải sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2012.

Ông Giàng A Của - Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ huy PCCCR xã Chế Cu Nha giới thiệu các điểm có chòi trông coi rừng trên địa bàn xã trên sơ đồ trực cháy.

YBĐT - Cách giữ rừng của xã Chế Cu Nha không phải là phấn đấu lập thành tích để nhận giấy khen hay bằng khen mà bà con giữ rừng bằng tình yêu sâu sắc đối với rừng và trân trọng những giá trị mà rừng đã đem lại cho cuộc sống của con người.

Các đồng chí lãnh đạo xã Tân Hợp kiểm tra diện tích trồng thanh hao hoa vàng.

YBĐT - Có diện tích rộng trên 6.200 ha, trong đó có 5.800 ha rừng, xã Tân Hợp, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã xác định mục tiêu tập trung phát triển kinh tế nông lâm nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi nhằm tạo sự chuyển biến, thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ năm 2012.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục