Tháo gỡ khó khăn cho ngành chăn nuôi
- Cập nhật: Thứ hai, 6/8/2012 | 9:20:40 AM
YBĐT - Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2012, lượng đàn gia súc sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ, trong đó đàn trâu giảm 8.372 con, đàn bò giảm 6.403 con, đàn lợn giảm trên 17 ngàn con.
Nuôi trâu, bò sinh sản của một hộ dân xã Minh Bảo (thành phố Yên Bái). (Ảnh: H.N)
|
Theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/4/2012, lượng đàn gia súc sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ, trong đó đàn trâu giảm 8.372 con, đàn bò giảm 6.403 con, đàn lợn giảm trên 17 ngàn con. Lý giải cho việc sụt giảm này, các địa phương và ngành nông nghiệp cho rằng do nhu cầu sức kéo bằng trâu, bò giảm vì sản xuất nông nghiệp đang có xu hướng cơ giới hoá việc làm đất gieo trồng.
Lý giải đó không hoàn toàn đúng nhưng ngành nông nghiệp và các huyện thị cần xác định lại việc chăn nuôi gia súc trong giai đoạn hiện nay là một ngành kinh tế mũi nhọn. Việc lấy gia súc làm sức kéo chỉ còn phù hợp với một số địa bàn đồi núi và vùng sâu vùng cao mà thôi. Sản xuất nông nghiệp đi lên hàng hóa lớn thì không thể áp dụng theo cái thời “con trâu đi trước, cái cày theo sau” và con trâu không còn đầu cơ nghiệp nữa mà phải là cả đàn trâu, đàn bò. Do đó chúng ta cần có một cái nhìn khách quan và thẳng thắn hơn, đúng thực trạng hơn trong vấn đề chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng.
Nhìn tổng thể thì ngành chăn nuôi Yên Bái đã có những bước phát triển khá hơn nhưng so với nguồn lực đầu tư và tiềm năng sẵn có thì chưa tương xứng. Mặc dù vẫn chưa có ai thống kê trong vòng 10 năm trở lại đây Yên Bái đã có bao nhiêu chương trình, dự án cho phát triển chăn nuôi, vốn đầu tư bao nhiêu và có bao nhiêu dự án thành công cũng như thất bại nhưng nông dân Yên Bái thì chắc không thể nào quên dự án Sin hóa đàn bò, nạc hóa đàn lợn, dự án chăn nuôi bò hộ nghèo, chương trình chăn nuôi trâu, bò theo hướng hàng hóa thị trường rồi hàng chục tỷ đồng hỗ trợ mua bò, trâu giống, trồng cỏ.
Rõ ràng, ngành chăn nuôi luôn nhận được quan tâm chỉ đạo cũng như tạo mọi nguồn lực cho đầu tư từ dài hạn cho đến ngắn hạn, thậm có nhiều địa phương được đầu tư tăng đàn cơ học thế nhưng chăn nuôi không phát triển được và đang có nguy cơ tụt hậu.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chăn nuôi gia súc kém là chăn nuôi thiếu an toàn và sự đầu tư hời hợt của các chủ trang trại, hộ chăn nuôi. Nếu như mùa đông năm 2008 là năm được coi là rét kỷ lục trong vòng hơn 50 năm qua cả về cường độ lẫn thời gian, toàn tỉnh cũng chỉ có trên 4.000 con gia súc bị chết rét, nhưng mùa đông 2010-2011 số trâu, bò chết rét lên trên 7.000 con, mặc dù cường độ và thời gian không bằng mùa đông 2008. Trước đây số gia súc chết rét chủ yếu tập trung ở các xã vùng cao, thì nay số trâu bò chết rét xảy ra ở hầu hết các xã, phường trong toàn tỉnh.
Qua thực tế cho thấy số gia súc chét rét thì ít mà chủ yếu chết do thiếu thức ăn, gia súc gầy, yếu gặp rét không trụ được mà chết. Bên cạnh đó gia súc, gia cầm giảm còn do dịch bệnh hoành hành, hết lở mồm long móng, lại đến dịch tai xanh, tụ huyết trùng, cúm gia cầm, thuỷ cầm. Ngay trong những tháng đầu năm 2012 này, dịch tai lợn tai xanh đã bùng phát ở 6/9 huyện thị làm gần 6.000 con lợn mắc bệnh. Dịch tai xanh bùng phát khiến ngành chăn nuôi điêu đứng, nhiều hộ chăn nuôi lâm vào cảnh khốn đốn vì tai xanh.
Nhiều người cho rằng do chúng ta làm không chặt chẽ công tác kiểm soát dịch bệnh. Có những địa phương mua trâu, bò về để tăng đàn cơ học nhưng nguồn gốc không rõ ràng, không qua kiểm dịch, trâu, bò đã mắc bệnh nhưng vẫn được nhập về làm lây lan và phát tán dịch bệnh trên diện rộng.
Bên cạnh đó bản thân người chăn nuôi cũng chưa chú trọng đến công tác phòng chống dịch bệnh, ngoại trừ những trang trại chăn nuôi lớn, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì gần như bỏ ngỏ. Gia súc, gia cầm liên tục bị dịch bệnh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi lên tục tăng, sức mua của thị trường giảm khiến người chăn nuôi lỗ nặng và bỏ trống chuồng. Giá thịt lợn hơi đang từ 55 - 60.000 đồng/kg nay giảm chỉ còn 32-34.000 đồng/kg mức thấp nhất trong vòng hai năm qua. Đầu ra giảm như vậy nhưng đầu vào cũng như con giống giảm không đáng kể, còn thức ăn, thuốc thú y, điện, nước liên tục tăng cao.
Theo các hộ chăn nuôi thì chi phí giá thành nuôi lợn tại các trang trại tương đương 45-46.000 đồng/kg, như vậy mỗi đầu lợn nuôi trong vòng ba tháng đang lỗ 250-300.000 đồng. Giải pháp được người chăn nuôi nhỏ lẻ đưa ra lúc này là bỏ trống chuồng chờ thời cơ, còn đối với các hộ, trang trại chăn nuôi quy mô lớn đang đứng trước bờ vực phá sản. Cứ với đà chăn nuôi như hiện nay các nhà phân tích kinh tế, thị trường đều cho rằng từ nay đến cuối năm thị trường lại thiếu thịt và câu chuyện nhập khẩu thịt, gây bất ổn định thị trường như cuối năm 2011 là điều khó tránh khỏi.
Để tháo gỡ khó khăn và giúp ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi. Trước mắt là chi trả kịp thời tiền hỗ trợ cho người chăn nuôi trong đợt dịch tai xanh vừa qua.
Cùng với đó là có chính sách tín dụng phù hợp cho người chăn nuôi, nhất là đối với các hộ chăn nuôi có quy mô từ 50 con trở lên, giúp họ tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi như các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khơi thông khó khăn nguồn vốn.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, kể cả trận rét lịch sử năm 2008 làm trên 4 ngàn con trâu, bò chết rét, rồi dịch cúm gia cầm H5N1 thì cũng không khi nào ngành chăn nuôi Yên Bái lâm vào cảnh khốn đốn như hiện nay. Gia súc, gia cầm liên tục bị dịch bệnh, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong khi sức mua của thị trường giảm khiến người chăn nuôi rơi vào cảnh khốn khó. |
Một giải pháp cũng khá quan trọng đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ là hãy tận dụng nguồn thức ăn tự sản xuất được để chăn nuôi làm giảm giá thành. Về lâu dài chúng ta cần có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi, nhất là đồng bào vùng cao làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc và trồng cỏ chăn nuôi. Các tổ chức đoàn thể cần đứng ra tổ chức vận động ký cam đối với các hộ chăn nuôi làm chuồng trại và có nguồn thức ăn dự trữ và nghiêm cấm chăn thả gia súc trong những ngày mùa đông giá rét, nhiệt độ xuống thấp. Chỉ hỗ trợ khi gia súc, gia cầm chết rét mà các hộ đã tuân thủ các quy trình chống rét chứ không hỗ trợ tràn lan như trước đây.
Một vấn đề trọng yếu là cần làm tốt công tác giám sát dịch bệnh, kiểm soát nguồn con giống chặt chẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cùng liên kết hỗ trợ nhau tạo ra chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Không thể có một ngành chăn nuôi phát triển được khi có quá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cùng với đó là thiếu kiểm tra, giám sát vệ sinh thú y đối với sản xuất, kinh doanh sản phẩm động vật, giết mổ động vật. Không có lý do gì khiến cả tỉnh không có lấy một lò giết mổ tập trung, một doanh nghiệp chế biến sản phẩm động vật mà công đoạn cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhất này đều phụ thuộc tất cả vào các lò mổ thủ công.
Mỗi ngày trên địa bàn tỉnh tiêu thụ hàng trăm tấn thịt gia súc, gia cầm nhưng được giết mổ từ hàng ngàn lò mổ thủ công, trong khi lực lượng thú y vừa thiếu vừa yếu không thể kiểm soát được hết. Đấy là chưa kể người tiêu dùng chưa có ý thức bảo vệ mình. Không kiểm soát được công tác giết mổ gia súc, gia cầm cũng đồng nghĩa với việc không thể kiểm soát được dịch bệnh.
Từ thực tế đó cho thấy, muốn chăn nuôi an toàn ngoài việc kiểm soát tốt nguồn con giống, dịch bệnh, người chăn nuôi phải tích cực áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất chúng ta phải xóa bỏ được những lò giết mổ thủ công và khuyến kích các thành phần kinh tế xây dựng những lò giết mổ tập trung, bao tiêu sản phẩm cho người chăn nuôi. Cùng sự hỗ trợ về vốn đầu tư của Nhà nước chắc chắn ngành chăn nuôi sẽ phát triển bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thanh Phúc
Các tin khác
Bộ NN&PTNT yêu cầu các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Hải Dương, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Phú Thọ, Sơn La, Thái Nguyên, Tiền Giang, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án "Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học".
Khó khăn hiện nay của ngành nông nghiệp là kết quả của sự thiếu quan tâm đúng mức đến đầu tư cho nông nghiệp.
YBĐT - Từ đầu năm 2012 đến nay, Chi cục Thuỷ sản tỉnh Yên Bái đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt kế hoạch và các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
YBĐT - Trạm Kiểm lâm Cầu Gỗ, huyện Văn Chấn (Yên Bái) có 8 cán bộ quản lý gần 13 nghìn ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ trải rộng trên địa bàn 5 xã, thị trấn nên việc kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý gặp nhiều khó khăn.